Dưới chân núi LangBiang, huyện Lạc Dương ngày nay đã xuất hiện nhiều nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao của bà con dân tộc thiểu số. Ðang thu hoạch những đóa hoa hồng, chuẩn bị hàng hóa theo đơn đặt hàng, anh Păng Ting Sin, dân tộc Cơ Ho ở Bon Ðơng 1 thổ lộ: "Nhờ kiến thức qua những lớp học nghề, cùng với sự học hỏi kinh nghiệm thực tế ở những làng hoa Ðà Lạt, nên tôi mới dám làm. Giờ thì sự thay đổi của tôi không còn là sự hoài nghi của buôn, làng nữa".
Trên mảnh vườn trước đây trồng lúa nước của cha mẹ để lại khoảng 5.000 m2, Păng Ting Sin đã mạnh dạn vay vốn dựng lên nhà kính trồng hoa. Tất cả quy trình sản xuất hoa hồng đều khép kín, có hệ thống tưới nước và tưới phân tự động. Giờ đây, vườn hoa hồng của Păng Ting Sin đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Và mô hình sản xuất này đã trở thành "điểm đến" cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh học hỏi. Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: "Lạc Dương có hơn 75% số người dân tộc thiểu số sinh sống. Chủ trương của huyện là dạy nghề phải sát thực tế. Khi học xong, người dân phải phát triển được trên chính đồng ruộng cũ của mình".
Ðang điều chỉnh hệ thống tưới nước tự động trong nhà kính trồng rau công nghệ cao của gia đình, anh Cil Nôm, dân tộc Cơ Ho ở Bon Ðơng 1, huyện Lạc Dương cho hay: "Do có chút kiến thức cơ bản qua học nghề, tôi mạnh dạn chuyển đổi từ lúa nước sang trồng rau nhà kính, dâu tây. Ðó là sự quyết định sáng suốt". Một dải nhà kính tít tắp dọc thôn Bon Ðơng 1, Cil Nôm giới thiệu: Vườn của Krajan Théo với bốn sào hoa cúc, cẩm chướng; vườn K'Bét hơn hai sào bông hồng... đều được canh tác theo hướng công nghệ cao.
Năm 2013 và sáu tháng đầu năm 2014, huyện Lạc Dương tổ chức 26 lớp dạy nghề trồng, chăm sóc cây cà-phê, rau, hoa cho gần một nghìn học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Lạc Dương Hoàng Xuân Hải cho biết: "Dựa vào trình độ, tập quán canh tác, chúng tôi chọn cách dạy "cầm tay chỉ việc", với 80% số nội dung thực hành trực tiếp trên mô hình, dễ nhớ và dễ áp dụng".
Ðang tưới vườn cà-phê mùa đơm trái, ông Ha Ban ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà cho hay: "Mấy héc-ta cà-phê nhà mình giờ năng suất cao lắm, cây ít bị bệnh... nhờ cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, bỏ cách sản xuất lạc hậu rồi". Anh Nông Văn Cửu ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm phấn khởi nói: "Ngoài nghề làm nông nghiệp, làng Mông mình còn được học nghề may công nghiệp, đan len và đan dây bèo. Nhờ đó, đời sống của bà con từng bước được nâng lên"...
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã phê duyệt "Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Lâm Ðồng, giai đoạn 2014 - 2020". Với mục tiêu, mỗi năm đào tạo khoảng từ bảy đến mười nghìn lao động nông thôn. Trong đó, chú trọng ưu tiên các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐTB và XH) Lâm Ðồng, công tác dạy nghề tiếp tục gắn với nhu cầu của nhà nông và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) địa phương. Sau khi tham gia các khóa học nghề, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bước tiến rõ rệt từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực làm chủ máy móc, đến tác phong lao động. Nhờ đó, có hơn 81% số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc tổ chức lại sản xuất, cách thức làm ăn mới ngay trên quê hương mình.
Công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Ðồng đã có sự chuyển biến rõ rệt qua từng năm; đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa trong tỉnh ngày càng khởi sắc, mùa "nông nhàn" đã lùi dần... Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, như: chương trình đào tạo nghề chưa phù hợp thực tiễn tại địa phương; cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu, một số nơi chất lượng dạy nghề còn thấp; có sự chồng chéo trong chính sách ưu đãi đối với đồng bào các dân tộc, gây khó khăn trong khâu rà soát đối tượng học nghề; công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề chưa phù hợp với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên khó thu hút học viên... "Ðào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc, đầu tiên phải theo truyền thống, tập quán sinh hoạt của họ, rồi từng bước nâng cao mới hy vọng mang lại hiệu quả" - Trưởng phòng dạy nghề, Sở LÐTB và XH tỉnh Lâm Ðồng Lê Quang Hân cho hay.
Muốn xóa đói, giảm nghèo bền vững, tỉnh quyết định mở rộng đối tượng học nghề, tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số được theo nghề phù hợp với trình độ văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Và bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của đồng bào Cơ Ho, Chu Ru như: dệt thổ cẩm, làm gốm, nhẫn bạc... cũng được các địa phương mở lớp truyền nghề, nhưng dường như không còn "hợp thời" với thế hệ trẻ, khó khăn lại đến với công tác "bảo tồn và phát huy" giá trị văn hóa truyền thống.
Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO
Lâm Ðồng hiện có 44 cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập đang hoạt động, với hơn 300 giáo viên, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân tham gia dạy nghề. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tổ chức hơn 920 lớp đào tạo nghề nông thôn cho hơn 27 nghìn người, với 24 nghề thuộc ba nhóm ngành nghề chính là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong đó, học viên đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 30%. Theo nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;