Người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường và xây những công trình công cộng Sẽ có 8 xã về đích sớm Theo ông Đặng Đình Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Thái Bình, bắt đầu từ năm 2009, tỉnh đã triển khai thí điểm xây dựng mô hình NTM tại 8/267 xã: Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ), Thanh Tân (huyện Kiến Xương), Nguyên Xá (huyện Vũ Thư)… Sau 1 năm thực hiện tới năm 2010, Thái Bình đã đồng loạt tổ chức xây dựng mô hình NTM ở 267/267 xã trên địa bàn tỉnh. Tính tới tháng 9-2012, 8 xã làm điểm của Thái Bình đã đạt được 10-14 tiêu chí trên tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, xã Thanh Tân đạt 14 tiêu chí, 2 xã khác đạt được 13 tiêu chí, 1 xã đạt 12 tiêu chí… Còn lại các xã khác trong tỉnh Thái Bình đều đạt được những kết quả khá tốt về hoàn thành quy hoạch, nhiều xã làm xong dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng. Hiện, Thái Bình đã dồn điền đổi thửa được từ 499.930 thửa xuống còn 462.187 thửa. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, tỉnh Thái Bình cũng đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ hơn 43 tỷ đồng. "Năm 2013, chúng tôi sẽ có 8 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM của Trung ương. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có 70/267 xã hoàn thành xây dựng NTM…”, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình cho biết. Những tấm lòng đáng quý Trong 3 năm (2009-2011), tổng kinh phí Thái Bình đã huy động được để xây dựng NTM lên tới hơn 3.500 tỷ đồng, trong đó có gần 883 tỷ đồng là của nhân dân đóng góp. Ngoài ra, nhiều địa phương còn huy động được sự đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, con em của quê hương làm ăn thành đạt được hơn 10 tỷ đồng/ xã. "Điển hình như xã Vũ Tiến tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn và con em trong xã thành đạt để vận động ủng hộ xây dựng NTM. Có hộ gia đình đã quyên góp xây dựng NTM tới 400-500 triệu đồng. Các doanh nghiệp ít nhất cũng góp 10 triệu đồng ủng hộ…”, ông Bình phấn khởi cho biết. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực bằng tiền, nhiều xã đã huy động người dân góp sức và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đặc biệt có hộ gia đình đã tự nguyện tháo dỡ nhà thờ họ, thậm chí có hộ gia đình tự di dời mộ tổ để hiến đất xây dựng các công trình công cộng cho xã. "Những tấm lòng đó thật đáng quý. Khi đã hiểu họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc động nói. Trong khi nhiều địa phương không thể chỉnh trang đường giao thông theo đúng tiêu chí của Trung ương do người dân không chịu giao đất, thì nhiều xã của Thái Bình đã nhận được sự ủng hộ nhất trí cao của người dân. Nhờ làm tốt công tác dân vận, hiện Thái Bình đã đạt được những thành công khá quan trọng trong việc xây dựng NTM. Đây sẽ là một kinh nghiệm quý để nhiều địa phương trên cả nước học tập. "Chúng tôi chưa có sơ kết đánh giá tình hình xây dựng NTM. Tuy nhiên, qua làm việc với lãnh đạo xã, cho thấy sự thành công của họ là do cả hệ thống chính trị đã thực sự vào cuộc và làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân. Khi người dân đã đồng lòng thì mọi việc dù khó khăn đến đâu cũng có thể khắc phục được…”, ông Bình khẳng định. Thành Tâm |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;