Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, hệ thống Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn.
Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, hàng năm tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng trung bình khoảng 20%.
Tuy nhiên, do năng lực sản xuất lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn rất lớn nên chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi đòi hỏi sự quan tâm tháo gỡ cả về cơ chế, chính sách và hướng dẫn triển khai.
Đây chính là nội dung làm chủ đề cho chương trình tọa đàm trực tuyến hôm nay là “Đáp ứng nhu cầu tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn”.
Các vị khách mời tham dự tọa đàm:
- Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
- Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước
- Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)
Bạn đọc quan tâm gửi câu hỏi về địa chỉ: doithoai@chinhphu.vn hoặc gọi tới số điện thoại: 080.48113.
BTV: Nhiều chuyên gia cho rằng Nghị định số 41 ra đời và đi vào cuộc sống 3 năm qua đã góp phần quan trọng vào những thành tựu đầy ý nghĩa của NN Việt Nam trong giai đoạn kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, thưa ông, ông có nhất trí với nhận định này không?
|
Ông Vũ Văn Tám - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Ông Vũ Văn Tám: Tôi hoàn toàn nhất trí bởi, tôi cho rằng, Nghị định 41 của Chính phủ ra đời đúng lúc và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm tháo gỡ khó khăn về thiếu vốn hiện nay trong sản xuất, đặc biệt đối với các lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời Nghị định 41 quy định về đối tượng cũng như các lĩnh vực có thể nói là rất rộng được vay vốn cũng như đưa ra cơ chế xử lý rủi ro, tạo thuận lợi cho người nông dân và các tổ chức tín dụng .
Ông Lại Xuân Môn: Gần đây, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, cơ chế chính sách về tín dụng, trong đó có Nghị định 41. Có thể nói gần 10 năm trở lại đây, nông nghiệp có những bước phát triển đột phá, nhưng thực ra cũng ít người chú ý về nông nghiệp. Gần đây phải nói rằng do suy thoái tài chính toàn cầu, nên người ta mới chú ý nhiều đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn hơn, khi công nghiệp- dịch vụ phát triển mạnh thì ngành này ít được chú ý.
Cho nên, đầu tư tín dụng nhất là Nghị định 41 cho nông dân vay vốn, chúng tôi cũng đã tham khảo số liệu thì được biết cũng không phải nhiều. Đến nay, dư nợ của ngân hàng thông qua tín dụng Nghị định 41 có khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Nên, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như vậy còn nhỏ.
Ông Nguyễn Viết Mạnh: Thứ nhất, tôi thấy Nghị định 41 tác động tích cực đối với nền nông nghiệp là nhận định xác đáng. Trung ương Đảng có Nghị quyết 26 về chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà chúng ta gọi là tam nông.
Có thể anh Lại Xuân Môn cập nhật số liệu chưa kịp thời. Bắt đầu khi có Nghị định 41 thì tín dụng cho nông nghiệp là 292.000 tỷ đồng, cho đến giờ, sau 3 năm thì là 622.000 tỷ đồng, tăng 2,1 lần.
|
Ông Nguyễn Viết Mạnh - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Ông Nguyễn Tiến Đông - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Những năm qua, chúng tôi tập trung đưa hoạt động của mình theo hướng đó. Hiện nay, tổng dư nợ của Agribank khoảng 560.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 70% dư nợ được đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Về chất lượng tín dụng cho vay, nhất là cho vay theo Nghị định 41 được đảm bảo, nợ xấu trong lĩnh vực này luôn dưới 3%. Có thể nói Nghị định 41 ra đời đã tạo điều kiện thông thoáng cho sản xuất trang trại, kinh doanh.
Về kinh nghiệm thành công khi hoạt động ở thị trường nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, hiện chúng tôi có 2000 chi nhánh, phòng giao dịch, phòng giao dịch liên xã. Trong tổng 4 vạn cán bộ có 30%, tương đương khoảng 12.000 cán bộ làm tín dụng.
Đối với anh em làm tín dụng nông thôn, quan trọng nhất là chịu thương, chịu khó, sát dân, gần dân. Nhờ đó, chúng tôi đã gắn các hoạt động sản xuất, mua bán tại chỗ, đảm bảo đồng vốn sử dụng đúng mục đích, tạo việc làm, thu nhập cho nông dân.
BTV: Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn VN (VARHS) 2006 - 2012, có 50% số hộ nông dân được khảo sát có vay nợ, 60% trong số đó ghi nhận có vay của ngân hàng. Tuy nhiên, quy mô vay rất thấp, chỉ chiếm 13,6% trong tổng lượng vay. Các vị khách mời nhìn nhận thế nào về con số khảo sát này? Phải chăng vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa chính sách và thực tiễn?
Ông Nguyễn Viết Mạnh: Kết quả điều tra mới chỉ phản ảnh một khía cạnh, còn nếu nói về nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì rộng lớn hơn. Bên cạnh người nông dân chuyên sản xuất thì còn đối tượng chế biến, tiêu thụ…. Bên cạnh đó, nông dân Việt Nam thường cân đo, đong đếm trước khi vay ngân hàng, sẽ làm gì, sản xuất như thế nào để có thể hoàn trả được nợ ngân hàng, vì vậy tỷ lệ nợ xấu của nông dân thấp nhất trong các nhóm vay. Nếu một người nông dân vay 50 triệu đồng thì họ sẽ tính toán để sản xuất như thế nào để trả được nợ. Còn điều kiện tiếp cận vốn cũng có rồi, Agribank còn có hình thức cho vay theo số rất thuận tiện, điều kiện về tài sản thế chấp cũng cởi mở hơn.
BTV: Vậy theo ông Lại Xuân Môn vấn đề nằm ở đâu khi nông dân ngại vay vốn?
|
Ông Lại Xuân Môn - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Ông Lại Xuân Môn: Sau 2 tháng Nghị định 41 ra đời, Hội Nông dân đã ký thỏa thuận với NHNN, sau 4 tháng ký thỏa thuận với Agribank và đến giờ này, tín dụng dành cho nông dân thông qua Hôi Nông dân mới là 13.000 tỷ đồng, trong khi hộ nông dân trong cả nước là 14 triệu hộ, như vậy chưa đến 4% số hộ nông dân được vay vốn trong khi bình thường khoảng 50% hoặc hơn có nhu cầu vay vốn.
Ông Nguyễn Viết Mạnh: Tôi xin bổ sung, con số khảo sát 50% nông dân có vay vốn trong đó 60% có vay vốn NH, nhưng tổng ượng vay chỉ chiếm 13,6%. Điều đầu tiên, đối với tín dụng ngân hàng là phải có địa chỉ, mục tiêu cụ thể, và phải tính đến tập quán của người dân. Cũng như bà nội trợ ở nhà, ông chồng thấy không có việc gì nhưng thực ra là làm toàn việc không tên thì nhu cầu chi tiêu của hộ nông dân cũng vậy có những việc không đưa vào đối tượng vay được, thu nhập thì theo thời vụ nhưng chi tiêu theo hàng ngày và những việc lặt vặt không thể đến ngân hàng vay được, vì vậy xuất hiện thói quen vay lãi ngoài, vừa quen, vừa kịp thời. Vì vậy, đối tượng vay không rõ ràng cụ thể thì vốn tín dụng rất khó vào.
Ông Nguyễn Tiến Đông: Agribank ngoài ký kết cấp vốn tín dụng qua Hội Nông dân, còn có ký kết với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… thì qua tổng kết cho thấy vay vốn qua tổ nhóm trung gian chỉ chiếm khoảng 17% còn lại là cán bộ tín dụng trực tiếp đến cơ sở, đến từng thôn bản. Chúng tôi hiện có 12.000 cán bộ tín dụng. Còn vay từng khoản nhỏ thì ngân hàng ủy thác cấp hội một số khâu trong quá trình cho vay. Nếu theo số liệu điều tra như câu hỏi đưa ra thì tôi thấy số liệu này không ổn vì chúng tôi cho vay qua cấp hội là 30.000-40.000 tỷ đồng còn cho vay nông thôn là 368.000 tỷ đồng. Còn về ý kiến ông Môn thì Hội Nông dân mới chỉ là một cấp hội, một kênh dẫn vốn.
BTV: Có một thực tế là các tổ chức tín dụng về nông thôn thường thích cho doanh nghiệp vay hơn hộ nông dân, ông suy nghĩ thế nào về thực trạng này? Phải chăng các chính sách của chúng ta chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay đến các hộ nông dân?
Ông Nguyễn Tiến Đông: Về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, cho vay món nhỏ lẻ thì chi phí hoạt động cao. Thứ 2, đối tượng vay nông nghiệp nông thôn là tác động nhiều bởi điều kiện tự nhiên, rủi ro không chỉ đơn thuần từ trình độ năng lực quản lý của chính hộ vay, mà còn từ khách quan, thiên nhiên như hạn hán thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… người nông dân là đối tượng vay bị tổn tương lớn nhất. Chính vì vậy, món vay nhỏ, chi phí cao, rủi ro lớn, nên nếu không có lượng chi nhánh gần dân, sát dân, không đủ lượng cán bộ, thì muốn cho vay tới hộ dân thì cũng không cho vay được, vì tín dụng chủ yếu là lòng tin, phải hiểu, phải tin thì mới đưa tín dụng ra được, chứ không hoàn toàn là vấn đề thế chấp, thế chấp chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ.
Chính vì vậy, ở đây, một số các NH thường cho vay đoạn giữa vào cuối là thu mua và chế biến sản phẩm.
BTV: Vậy cho vay doanh nghiệp nhiều hơn là sự thật?
Ông Nguyễn Viết Mạnh: Đối với hệ thống ngân hàng thì Agribank và Ngân hàng Chính sách là 2 ngân hàng có mạng lưới rộng lớn nhất, đến tận cấp xã, liên xã. Đối với các tổ chức tín dụng khác thì họ ít chi nhánh. Nhiều tổ chức tín dụng hiện cũng chỉ có 20-30 chi nhánh.
Đối với hệ thống ngân hàng nông nghiệp và chính sách, những năm qua đã làm rất tốt về cho vay nông nghiệp, phù hợp với mạng lưới và nhiệm vụ của ngân hàng này.
Về kết quả tăng trưởng nông nghiệp trong những năm qua, nếu không có vốn thì làm sao có kết quả như vậy, do vậy tôi cho rằng, việc mỗi ngân hàng có chức năng khác nhau, điều kiện kinh doanh, phục vụ khác nhau, Agribank và NHCS vừa rồi làm rất tốt. Ngoài ra, cũng có một số ngân hàng cũng có điều kiện kinh doanh như Lienvietpostbank cũng có khoảng 60% cho vay nông nghiệp hay Ngân hàng Mekong, NH Công Thương cũng triển khai mạnh mẽ đến vùng nông nghiệp, nông thôn.
BTV: Chúng ta vừa nói đến việc khó tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thì ngay cả các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về tiếp cận vốn. Ông suy nghĩ thế nào trước hiện tượng nhiều thương lái nước ngoài đến tận hộ thu mua nông sản trong khi các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước thì hoạt động cầm chừng do thiếu vốn?
Ông Vũ Văn Tám: Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều về hiện tượng này và đây là hiện tượng có thật. Thực tế hiện nay, người nông dân rất cần hỗ trợ về tín dụng và doanh nghiệp cũng vậy.
Tuy nhiên bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, thì vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải nắm bắt, xác định thị trường như thế nào để đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Tiếc rằng đa số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta chưa đủ khả năng, tận dụng cơ hội của thị trường để tổ chức liên kết, đồng hành với nông dân sản xuất. Tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay ngoài vấn đề vốn, kỹ thuật, thì vấn đề kinh doanh sản phẩm, bán hàng là rất quan trọng.
Thực tế nông sản của chúng ta xuất thô nhiều, điều này chỉ phù hợp với thị trường gần như Trung Quốc; khả năng tiếp cận thị trường ở xa, tiềm năng lớn còn hạn chế. Doanh ngiệp của chúng ta chưa chủ động tiếp cận thị trường. Mặt khác còn có những rào cản kỹ thuật ở các thị trường, gây khó khăn cho việc thâm nhập của nông sản Việt. Thực tế, kinh doanh nông nghiệp là lĩnh vực ít được đầu tư nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp, quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp còn nhỏ. Một thời gian dài chúng ta tổ chức theo các khâu sản xuất, trong đó dịch vụ chỉ là khâu đầu vào, hoặc đầu ra. Cho nên ít doanh nghiệp có đủ năng lực tổ chức toàn bộ quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Bây giờ chúng ta đã nhận thức và vấn đề này sẽ được đưa vào đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Tiếp tục cập nhật…
Theo:Cổng TTĐT Chính phủ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;