Quốc Oai là một huyện nghèo của Hà Nội. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhiều tuyến đường giao thông bị xuống cấp, số trường học đạt chuẩn quốc gia thấp, các nhà văn hóa, di tích sập xệ, hệ thống cấp nước sinh hoạt của người dân còn nhiều khó khăn… Đặc biệt, các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, đường giao thông nội đồng còn thiếu và xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
Quốc Oai chia quá trình xây dựng nông thôn mới thành hai giai đoạn, trong đó chọn bảy xã “khá”, có điều kiện thuận lợi hơn, gồm Phú Cát, Phượng Cách, Thạch Thán, Sài Sơn, Đồng Quang, Ngọc Liệp và Tân Phú để thực hiện giai đoạn một. 12 xã còn lại thực hiện giai đoạn hai. Sau gần bốn năm thực hiện, cho đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi tích cực. Các xã đã dồn điền đổi thửa được gần 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trên tổng số hơn 4.300 ha, đạt hơn 92% kế hoạch. Số thửa bình quân mỗi hộ dân từ 8,2 thửa, giảm xuống còn 1,8 thửa. Diện tích dôi dư sau dồn điền đổi thửa hơn 20 ha. Cùng với dồn điền đổi thửa, các địa phương đã thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hình thành các khu xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, đất giãn dân, khu đấu giá quyền sử dụng đất; Quy hoạch phát triển trang trại hơn 320 ha, diện tích cấy lúa kết hợp trồng rau, màu, gần 140 ha, lúa kết hợp chăn nuôi thủy sản gần 150 ha... tạo ra các vùng sản xuất hàng tập trung. Cải tạo, nâng cấp hơn 780 km đường giao thông nội đồng, trong đó làm mới gần 540 km và hơn 700 km kênh mương, từng bước phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình nâng cấp, cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng, người dân đã tự nguyện hiến gần 25 ha đất và nhiều ngày công lao động. Đến nay, Quốc Oai có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Nghĩa Hương, Phú Cát và Phượng Cách. Hai xã đạt và cơ bản đạt từ 17 đến 18 tiêu chí, ba xã đạt từ 14 đến 16 tiêu chí, 16 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 11 đến 13 tiêu chí.
Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện còn chậm. Việc triển khai các đề án, công trình xây dựng đã được phê duyệt còn chậm hoặc chưa khởi công do thiếu vốn. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có nhiều dự án sử dụng đất nông nghiệp, nhưng chủ đầu tư để đất hoang phí kéo dài hoặc sử dụng đất kém hiệu quả, gây bức xúc trong nhân dân. Anh Nguyễn Văn Mạnh, một người dân sinh sống tại xã Ngọc Mỹ chia sẻ, từ năm 2010, gia đình anh đã bị thu hồi hơn 800 m2 đất sản xuất nông nghiệp phục vụ dự án khu đô thị và dịch vụ phía tây Quốc Oai, nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa triển khai. Đất đai bị bỏ hoang lãng phí, gây ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi trong khu vực. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của gia đình anh đã được dồn đổi thành một thửa ruộng, nhưng với diện tích còn lại gần hai sào, quá nhỏ để có thể đầu tư mở rộng sản xuất. Vì thế cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai Hoàng Đăng Thiều cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng đất trên địa bàn huyện còn chưa hiệu quả. Tiến độ triển khai thực hiện các cụm công nghiệp, dự án còn chậm, đã ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, tái lấn chiếm đất cũng như sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện do hệ thống tưới tiêu chưa bảo đảm. Cùng với đó, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, trước mắt là đầu tư một số công trình trọng điểm, dân sinh bức xúc trên địa bàn huyện còn hết sức khó khăn, dẫn đến nhiều dự án thực hiện dang dở, chậm tiến độ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về mục đích, ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới chưa hiệu quả. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Người dân chưa hiểu rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Một số cấp ủy, chính quyền còn tư tưởng chủ quan, thiếu sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở dẫn đến việc triển khai xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện dồn điền đổi thửa còn gặp vướng mắc, chậm trễ.
Năm 2015, Quốc Oai phấn đấu có thêm sáu xã gồm Sài Sơn, Thạch Thán, Đồng Quang, Tân Phú, Ngọc Liệp và Tân Hòa hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đây là công việc hết sức nặng nề, khó khăn. Vì thế, UBND huyện Quốc Oai cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, trước mắt sớm tổ chức đấu giá đất để có thêm nguồn lực đầu tư. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện đối với từng lĩnh vực, tiêu chí cụ thể. Tiếp tục vận động, tuyên truyền cán bộ đảng viên, nhân dân và phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;