Học tập đạo đức HCM

Xuất hiện nhiều điểm sáng

Thứ tư - 06/02/2013 20:46

Xuất hiện nhiều điểm sáng

Khi lòng đã thuận, nhiều nông dân tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, góp ngày công lao động và hàng chục triệu đồng. Có người quên cả việc nhà vận động mọi người cùng xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngoại thành Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, thu nhập của nông dân không ngừng tăng, đời sống tinh thần ngày càng được cải thiện.
Từ việc cưới, việc tang...

Ông Bùi Trung Sử, Bí Thư chi bộ thôn Thượng, nói với chúng tôi về phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang ở xã Tây Tựu (Từ Liêm): Mới đầu thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vì người dân chưa "thông". "Nút thắt" đầu tiên được gỡ tại đám tang của gia đình ông Chu Văn Khiếm. Ngay khi biết tin, "Tổ công tác đặc biệt" gồm 11 người đã có mặt thuyết phục gia đình thực hiện nghị quyết của chi bộ thôn không ăn uống linh đình trong đám tang. Khi chúng tôi đến đã có mấy bu gà để sẵn ở sân với khoảng 100 con, bàn ghế, bát đũa cũng sẵn sàng. Sau mấy mươi phút trao đổi chân thành, cởi mở và nghiêm túc, gia đình ông Khiếm cam kết chấp hành quy định của thôn, chỉ thịt có 4 con gà. 
 
Chăm sóc rau an toàn tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt

Theo ông Bùi Trung Sử, đám đầu tiên như thế là thuận lợi nhưng đến đám thứ hai chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn. Người qua đời là trưởng tộc họ Bùi Trung - dòng họ lớn thứ ba ở thôn Thượng; là cháu một ông chánh tổng Hội làng Đăm nên vẫn giữ nếp sống ngày xưa. Qua tuyên truyền, thuyết phục, đại diện gia đình đã có ý kiến: đồng ý giảm nhưng phải giảm từ từ, không thể giảm ngay. "Chúng tôi biết thế này là gia đình chưa nhất trí cao, trong khi họ đã chuẩn bị 120 lít rượu, tương đương với khoảng hơn 200 mâm cỗ. Tôi nói với các thành viên trong tổ công tác, nếu không vận động được đám này thì nguy cơ không thành công là nhìn thấy rõ" - ông Bùi Trung Sử nói.

Tổ công tác quyết định cử thêm 4 người, tổng cộng là 15 người trong ban lễ tang; chuẩn bị một đầu thu, 2 mic, bố trí 11 người ở các bàn khách uống nước để trực tiếp vận động. Ông Bùi Trung Sử trực tiếp cầm một mic giới thiệu khách vào phúng viếng và kèm theo lời nhắc nhở: "Sau khi phúng viếng, mời các vị ra bàn uống nước, ăn trầu, không nên ăn cỗ trong đám tang". Rồi ông đọc nguyên văn nghị quyết họp dân đã thông qua. Ông Bùi Trung Sử kể tiếp, cái khó cho chúng tôi là gia đình cũng cử 6 người mời chào khách ở lại ăn cỗ, cứ như vậy hai bên phải "tranh giành" từng người đến phúng viếng cho đến khi đám tang kết thúc. Cuối cùng, tổng kết đám tang, không có cán bộ, đảng viên nào ở lại ăn cỗ; gia đình làm 60 mâm cỗ và dùng hết 30 lít rượu. Sau đám tang chúng tôi đã được 70% người dân trong thôn ủng hộ, 25% không có ý kiến và chỉ còn 5% phản đối. "Cứ như vậy, một đám rồi hai đám, cuối cùng nhiều đám khác làm theo. Bây giờ việc tang ở thôn Hạ và thôn Trung đã theo nếp sống văn minh như thôn Thượng" - ông Sử cho biết.

Theo Chủ tịch UBND xã Lê Văn Việt, trước đây, Đảng ủy, UBND xã đã thực hiện chương trình này nhưng chưa khi nào thành công. Chỉ đến cuối năm 2011 thì phong trào được nhân rộng ra toàn xã và đến nay việc thực hiện đã đi vào nền nếp. "Trước đây, tệ cưới tảo hôn, rồi việc ăn uống linh đình trong đám tang còn nhiều, ngay cả với các gia đình cán bộ đảng viên. Cỗ càng to càng được tiếng có hiếu với người quá cố. Cỗ đám tang thịnh soạn như đám cưới với 150-200 mâm cỗ. Nhiều trường hợp anh em bất hòa về việc lo toan cho bố mẹ lúc qua đời" - Chủ tịch Lê Văn Việt nói. 

Anh Đặng Trần Thành, đội 1, thôn Thượng, một trong những gia đình đi đầu thực hiện việc tang văn minh, cho biết: "Khi mẹ qua đời, tôi cũng lo vì "trả nợ đồng lần". Khi được lãnh đạo thôn Thượng đến tuyên truyền, vận động tổ chức việc tang văn minh, gia đình tôi như tháo được gánh nặng. Thay vì làm 150 mâm cỗ, tốn kém mấy trăm triệu đồng, gia đình tôi chỉ làm 30 mâm cơm mời họ hàng với chi phí chưa đầy 20 triệu đồng". Cũng như anh Thành, hàng nghìn người dân Tây Tựu đã tự giác thực hiện, việc tang không ăn uống linh đình.

… đến xây dựng nông thôn mới

Tây Tựu là xã đã cán mốc NTM, đời sống tinh thần vật chất của người Tây Tựu được nâng lên (thu nhập bình quân đầu người đạt gần 29 triệu đồng/năm). "Tết đang đến rất gần rồi, những cánh đồng hoa ly, hoa đồng tiền, hoa cúc, hoa hồng… sắp đến ngày thu hoạch. Nếu thuận, mỗi sào chúng tôi thu về 50 đến 70 triệu đồng" - chị Nguyễn Thị Thanh, người có thâm niên với nghề hoa ở Tây Tựu hàng chục năm nay cho biết.

Ở xã Phùng Xá (Mỹ Đức), nhiều năm trước, người dân ở đội 1 liên tục phải sống trong âu lo vì tình trạng sạt lở bờ sông Đáy. Kết hợp với xây dựng NTM, người dân nơi đây đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng kè và làm đường giao thông. Ông Nguyễn Quang Nhã, xã viên đội 1 là người đã hiến 160m2 đất thổ cư để xây kè cho biết: "Tôi nghĩ, không kè thì mỗi mùa nước lở là mất đất, mất nhà nên đã vận động các hộ xung quanh hiến đất để xây kè. Cái được lớn nhất ở Phùng Xá là "ý Đảng lòng dân" thành một khối thống nhất. Người dân hiểu được chủ trương xây dựng NTM, ngược lại, chính quyền khơi dậy tinh thần tự nguyện của mỗi người dân". Hàng trăm người dân Phùng Xá đã hiến gần 700m2 đất ở, hơn 3.000m2 đất nông nghiệp và góp hàng chục tỷ đồng. Lão nông Nguyễn Văn Hải hơn 40 năm gắn bó với ruộng đất Phùng Xá, cho biết: "Đời sống nông dân chúng tôi nay đã đổi thay thật rồi, làng xóm sạch đẹp, khang trang. Đường bê tông ra đến tận chân ruộng, máy cày, bừa, gặt chạy trên những mảnh ruộng vuông vức vừa được dồn điền đổi thửa". Để đi đến đích xã NTM, Phùng Xá vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức, nhưng những gì đã, đang hiện hữu ở vùng quê nghèo này cho thấy, đời sống của nông dân đang đổi thay từng ngày. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giờ chỉ chiếm chưa đầy 20%, nhưng ruộng đồng đã được chia gọn, Phùng Xá tự tin chuyển đổi cơ cấu, thâm canh tăng năng suất cây trồng.

Chỉ trong 3 năm triển khai chương trình NTM, về nông thôn bây giờ tìm "làng tỷ phú", "nông dân tỷ phú" không khó. Vùng bãi ven Đáy thôn La Thạch, xã Phương Đình (Đan Phượng), trước đây chỉ độc canh cây ngô, mùa được mùa không. Đã có lúc, nông dân bỏ không trồng ngô đi tìm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Giờ đây, khi trở lại mảnh đất này chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, cả một dải đất rộng 60ha đã được khoác tấm áo mới với nhiều màu sắc quyến rũ của những vườn cam, bưởi trĩu trịt quả, cùng những cánh đồng rau an toàn xanh mướt mắt. Bí Thư chi bộ thôn La Thạch, vui vẻ nói: "Hạ tầng trong thôn đã khang trang, tết này, người dân La Thạch ăn tết to hơn bởi vụ rau được mùa. Nhiều ngày nay, cứ mỗi buổi chiều có 4 đến 5 ô tô về thu gom rau mang ra nội thành bán. Mỗi ngày người dân La Thạch thu hàng trăm triệu đồng".

Cũng về rau an toàn, nông dân ở HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức) lại có cách làm bài bản, khoa học và ý thức cao. Anh Trần Văn Luật ở thôn Tiền Lệ hiện trồng 1.000m2 rau cải mơ, chỉ tay vào những luống rau xanh, nói với chúng tôi: "Biển trắng là báo hiệu rau chưa phun thuốc; biển đỏ là rau đã phun thuốc, đang trong thời gian cách ly, chưa được thu hoạch; biển xanh là rau vào thời điểm thu hoạch an toàn". 

Chị Nguyễn Thị Hoàn ở thôn Tiền Lệ (một trong 18 hộ đang tham gia dự án trồng 2,5ha rau an toàn của HTX Tiền Lệ) có diện tích hơn 1.000m2 trồng rau cải cho biết, mỗi buổi sáng gia đình xuất bán khoảng 400kg rau, giá bán buôn từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg, thu 4 triệu đồng. Người trồng rau ở đây cho biết, khoảng 30 đến 35 ngày xuất bán một vụ rau với năng suất từ 6 đến 7 tạ/sào. Theo Chủ tịch UBND xã Tiền Yên Tạ Đăng Nghiệp, dự án trồng rau an toàn đang là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất, xây dựng NTM. Hiện toàn xã có gần 1.000 hộ làm rau với khoảng 3.000 lao động có thu nhập ổn định. Ông Nghiệp tin tưởng qua triển khai xây dựng NTM, nghề trồng rau của nông dân Tiền Yên sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
Nguồn: Hà Nội Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập813
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại766,009
  • Tổng lượt truy cập93,143,673
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây