Để tường tận hơn quá trình đưa Hà Tĩnh từ tỉnh top dưới của cả nước trở thành điểm sáng, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và mỗi xã một sản phẩm Hà Tĩnh, về dấu ấn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2011 – 2020.
Thưa ông, kể từ thời điểm phát động đến bây giờ cũng đã tròn một thập kỷ Hà Tĩnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Ông có cảm nhận như thế nào về những đổi thay của mảnh đất “chảo lửa, túi mưa”?
Sau 10 năm thực hiện Chương trình, phải khẳng định Hà Tĩnh đã thay đổi “căn bản, toàn diện”. Đó là sự tăng trưởng bền vững về kinh tế, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng.
Diện mạo nông thôn đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế đã từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bảng thành tích được biểu đạt bằng các con số cụ thể như: Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 32,25 triệu đồng, tăng gấp 3,9 lần so với năm 2010. Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm nhanh, từ 2,03 lần (năm 2010) còn 1,83 lần (năm 2015) và 1,6 lần (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo còn 4,53%.
Đến nay, tiêu chí bình quân/xã đạt 19,5 tiêu chí; có 155/182 xã đạt chuẩn (chiếm 85%), trong đó có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (năm 2010 bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã; không có xã đạt trên 10 tiêu chí; có đến 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 20 xã không đạt tiêu chí nào); 431 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu, 5.244 vườn mẫu đạt chuẩn.
Toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là: Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh; dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thêm 2 huyện Vũ Quang và Cẩm Xuyên đạt chuẩn NTM.
Đối với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, bước đầu cho thấy hướng đi đúng đắn của địa phương với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiện, toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Hầu hết sản phẩm tham gia Chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện, thương hiệu.
Đặc biệt, nhận thức, tư duy của người dân trong việc bảo việc cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ rệt, chuyển từ hướng “thụ động, bị động” sang “chủ thể, chủ động”.
Như ông nói, Hà Tĩnh đã đổi thay “căn bản, toàn diện”. Vậy yếu tố nào đóng vai trò then chốt để tạo nên sự thay đổi như một “cuộc cách mạng” ấy?.
Một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt góp phần làm nên thành công trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đó là công tác cán bộ. Hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp, Hà Tĩnh chọn Trưởng ban là người đứng đầu cấp ủy, các thành viên là thủ trưởng các tổ chức trong hệ thống chính trị đó nhằm huy động tất cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ. Bộ máy tham mưu, giúp việc chuyên trách, chuyên nghiệp, cán bộ làm NTM có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm vì nhân dân.
Trong quá trình thực hiện, Hà Tĩnh cũng đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, ý thức của đội ngũ cán bộ, người dân và cộng đồng. Biết lựa chọn các nội dung trọng tâm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng và kiên trì tổ chức thực hiện; xây dựng mô hình, điển hình tốt, thuyết phục để nhân rộng; phải luôn biết “giữ lửa” cho phong trào xây dựng NTM.
Song song với đó, việc ban hành đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách cũng là động lực kích cầu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí. Phải xây dựng được các cơ chế, cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa; ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt, thưởng theo kết quả đầu ra mà thôi.
Ngoài ra, muốn tạo được sự tin tưởng của người dân, Hà Tĩnh phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng; tăng cường sinh hoạt, đối thoại, phát huy cao dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả.
Định kỳ tổ chức đánh giá, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, lệch lạc, kiên quyết thu hồi Bằng công nhận đạt chuẩn nếu xã để “rớt” chuẩn. Và thực tế, một số huyện như Can Lộc, Kỳ Anh... đã thực hiện vấn đề này rồi.
Trong quá trình thực hiện Chương trình, ngoài dồn lực cho các địa phương thực hiện 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM Quốc gia, chúng ta còn sáng tạo ra tiêu chí 20 – Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Đây là tiêu chí được Trung ương đánh giá rất cao, chỉ đạo nhân rộng trên cả nước. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về tính vượt trội của tiêu chí này?
Từ thực tiễn những năm đầu thực hiện Chương trình, xã đạt chuẩn NTM vẫn chưa thật sự khởi sắc, chưa có chiều sâu và chưa bền vững, nhất là cảnh quan nông thôn bị phá vỡ, việc bê tông hóa, gạch hóa hàng rào, kinh tế vườn hộ gần như bị lãng quên; nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở làng quê chưa phát huy được hiệu quả.
Với quan điểm, xây dựng NTM toàn diện, bền vững, gắn phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng nông thôn, Hà Tĩnh triển khai xây dựng thí điểm mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu tại 5 thôn và 240 vườn mẫu, đại diện cho 3 vùng sinh thái.
Kết quả bước đầu mang lại rất thuyết phục, xã đạt chuẩn NTM có chiều sâu rõ nét hơn, người dân và cộng đồng thôn xóm đồng tình, ủng hộ, chủ động tự giác thực hiện. Từ triển khai thí điểm, đến nay toàn tỉnh có 431 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu; 5.244 vườn mẫu đạt chuẩn. Nhiều khu dân cư kinh tế phát triển, môi trường tốt, cảnh quan đẹp, văn hóa được phát huy, đã trở thành vùng quê “Trù Phú - An lành”, là “nơi đáng sống”.
Hơn nữa, việc xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu chính là điều kiện tốt nhất cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, bởi lợi ích của việc thực hiện tiêu chí này mang lại thiết thân, thiết thực cho người dân, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển tốt hơn, môi trường sống được cải thiện rõ nét, tình làng, nghĩa xóm gắn kết mật thiết.
Được biết, cuối năm 2019, Trung ương quyết định chọn Hà Tĩnh thực hiện thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Đây là vinh dự và cũng là mục tiêu rất nặng nề. Hiện địa phương đã xúc tiến các nội dụng đến đâu rồi, thưa ông?
Tại sao Trung ương chọn Hà Tĩnh thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM theo tôi có mấy lý do sau:
Thứ nhất, chính là những thành quả, kết quả như đã nêu ở trên là một cơ sở, nền tảng quan trọng minh chứng Hà Tĩnh có khả năng xây dựng đạt chuẩn tỉnh NTM.
Thứ hai, khi chọn làm thí điểm các mô hình thực hiện ở địa phương thì thông thường sẽ chọn những địa phương có nhiều nét chung, mang tính đại diện, có nhiều điều kiện tương đồng nhất định đối với các khu vực trên toàn quốc để có thể dễ nhân ra diện rộng. Hà Tĩnh có những đặc điểm cơ bản như trên, là tỉnh có cả 3 vùng sinh thái gồm: miền núi, đồng bằng và ven biển; là tỉnh có nhiều khó khăn, với điều kiện như vậy mà xây dựng thành công tỉnh NTM thì việc nhân rộng ở các địa phương khác sẽ dễ hơn.
Thứ ba, tỉnh đã hình thành được hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp, trong đó Trưởng ban là người đứng đầu cấp ủy, các thành viên đại diện các tổ chức trong hệ thống chính trị, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ, không ai được đứng ngoài cuộc; bộ máy tham mưu, giúp việc chuyên trách, chuyên nghiệp, cán bộ làm NTM tâm huyết, trách nhiệm vì những người nông dân.
Thứ tư, cốt cách của con người Hà Tĩnh luôn khát vọng vươn lên, chịu khó và luôn sáng tạo. Đây chính là một lợi thế.
Thứ năm, trong quá trình xây dựng NTM, Hà Tĩnh luôn được Trung ương tin tưởng chọn xây dựng các mô hình thí điểm từ mô hình cấp thôn (thôn Trung Phố - xã Gia phố); cấp xã (xã Gia Phố là 1 trong 11 xã điểm của Ban Bí thư Trung ương) đến cấp huyện (chọn Nghi Xuân xây dựng thí điểm huyện NTM kiểu mẫu).
Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM thì Hà Tĩnh cũng đã chủ động thực hiện xây dựng nhiều mô hình thí điểm mang lại hiệu quả cao như: tổ chức bộ máy Ban chỉ đạo, giúp việc có tầm, chuyên trách, chuyên nghiệp; mô hình Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu; mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình và cụm dân cư;... Vì vậy Hà Tĩnh có những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các mô hình thí điểm.
Sau khi được Trung ương lựa chọn xây dựng thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM, Hà Tĩnh xác định đây là niềm vinh dự, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, là cơ hội, động lực phấn đấu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh điển hình trong phong trào NTM. Đồng thời, cũng là cơ sở để Trung ương tổng kết, đánh giá, xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về tỉnh đạt chuẩn NTM, áp dụng cho các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức thực hiện.
Hiện Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí và Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM; phối hợp với Văn phòng điều phối NTM Trung ương, Viện Chính sách và Chiến lược PTNT cùng hỗ trợ xây dựng Đề án. Cuối tháng 5 vừa qua Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành quyết định thành lập tổ soạn thảo xây dựng đề án.
Đến nay Dự thảo Đề án đã gửi xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần 2 và xin ý kiến của các chuyên gia ở Trung ương, tập trung hoàn thiện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vào cuối tháng 7/2020.
Xin cảm ơn ông!.
Theo Thanh Nga/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã