Người dân xã Thạch Bằng (Lộc Hà) thu hoạch tôm non "chạy bão"
Bán tôm non
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng cho biết: Thời điểm này, cơ bản tôm vụ 2 mới thả được vài tháng, chưa đến kỳ thu hoạch nên nếu bão vào, thiệt hại sẽ rất lớn. Quan điểm chỉ đạo của ngành là cố gắng thu hoạch những diện tích tôm đã có thể xuất bán, số còn lại sẽ tập trung các giải pháp bảo vệ.
"Tại HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (đóng ở Xuân Phổ, Nghi Xuân) hiện có khoảng 20 tấn tôm. Nếu theo đúng chu kỳ thì khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 10 nên phải bán sớm, phấn đấu thu hoạch xong trước khi bão vào", ông Hoàng tiếc rẻ.
Còn 1 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch nhưng sáng 14/9, ông Trần Hữu Dũng (xóm Xuân Hà, xã Thạch Bằng, Lộc Hà) đã thu hoạch hơn 1 ha tôm thẻ chân trắng. Ông Dũng cho biết: “Nếu để thêm 1 tháng nữa, hồ nuôi của chúng tôi sẽ đạt sản lượng trên 2 tấn, trọng lượng tôm khoảng 70 con/kg, bán với giá 170-180 ngàn đồng. Thời điểm hiện tại, chúng tôi thu hoạch sản lượng chỉ đạt 7 - 8 tạ. Do tôm nhỏ nên giá cả cũng rẻ hơn, nhưng “non nhà hơn già đồng”.
Không riêng gia đình ông Dũng, ông Hoàng mà tâm lý thà chịu rẻ còn hơn mất trắng đã được các hộ nuôi trên địa bàn áp dụng. Ông Phạm Hữu Nhân (thôn An Lộc, xã Thạch Châu, Lộc Hà) cho biết: “Tôi có hơn 1 ha tôm thẻ chân trắng, sản lượng ước đạt 4,5 tấn. Tuy tôm chưa đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình đành thu non để chạy bão. Hiện tại, bạn hàng đã thu mua giúp được 3 tấn”.
Tiểu thương thu mua tôm ngay tại bờ hồ
“Sơ tán” cá
Thiệt hại từ những cơn bão trước cũng đã khiến người dân tại vùng nuôi cá lồng bè Hộ Độ (Lộc Hà) và xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) có thêm kinh nghiệm trong việc bảo vệ tài sản của mình. Tranh thủ khoảng lặng trước cơn bão, hàng trăm hộ dân hối hả chèo thuyền vận chuyển cá từ lồng bè vào các hồ vùng trong đê.
Hộ nuôi tại xã Hộ Độ (Lộc Hà) chằng néo lồng bè...
Anh Đoàn Văn Thông (xóm Hạ, xã Thạch Hạ) cho biết: “Hiện tại, cá mú và cá hồng chuẩn bị đến kỳ thu hoạch nên chúng tôi phải vận chuyển vào các hồ phía trong. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chằng, néo lại bè cố định thành từng mảng để đề phòng bị cuốn trôi, đánh chìm, hạn chế thấp nhất thiệt hại”.
Tại xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), nơi có khoảng 20 ha tôm he chân trắng mới xuống giống chưa đầy 2 tháng nên việc bán non không thể thực hiện. Chính vì thế, công tác bảo vệ hồ nuôi được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Bà Chu Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương cho biết: “Ngoài gửi công điện khẩn, chúng tôi đã cử cán bộ trực tiếp xuống tuyên truyền, nhắc nhở các hộ nuôi trồng xả bớt nước ở các hồ nuôi, chằng chống hồ đập”.
... và vận chuyển cá từ bè nuôi sang nơi trú ẩn an toàn.
Đầm nuôi ốc hương hơn 10 ha tại cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) cũng đang được người dân tích cực ứng phó. Ông Trần Mạnh Duyên - một hộ nuôi cho biết: “Biện pháp được áp dụng để bảo vệ ốc trong mưa bão là bơm nước đầy hồ nhằm ổn định độ mặn khi xảy ra mưa lớn, đồng thời, tạo cân bằng áp lực, tránh tình trạng vỡ bờ khi nước ngoài hồ dâng cao kèm theo sóng lớn”.
Theo Nhóm P.V/Báo Hà Tĩnh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã