8/13 huyện hoàn thành dưới 50% diện tích
Đã sắp đến hạn chót của lịch gieo cấy, vậy mà, đến chiều 12/6, bà Văn Thị Mai (thôn Trung Hưng, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) mới bắt tay vào vệ sinh đồng ruộng. Bà Mai cho hay: “Nhà tôi làm 6 sào, nay chỉ mới gieo cấy được 2 sào vì nước về theo xứ đồng. Đến chiều nay, nước từ kênh tưới Kẻ Gỗ mới bắt đầu về đồng Thoong này. 4 sào còn lại, cả làm đất và gieo cấy cũng phải một tuần nữa mới xong”.
Vụ thu hoạch lúa xuân đã kết thúc được 1 tuần, thế nhưng, muốn bắt tay vào làm hè thu cũng phải chờ nước đổ về chân ruộng. Nhiều cánh đồng ở Thạch Hưng vẫn khô hạn, gốc rạ chỏng chơ chờ nước.
Ông Lê Trung Kỳ (cùng thôn) cho biết thêm: “Nước đổ về đến đâu, bà con mới ra đốt rạ, vệ sinh đồng ruộng, lấy nước vào cho máy làm đất đến đó. So với lịch của tỉnh thì thời vụ đã muộn mất rồi, chỉ lo cuối vụ chẳng thu hoạch kịp, trời mưa bão”.
TP Hà Tĩnh gieo cấy 1.200 ha lúa hè thu, thuộc vào nhóm các địa phương có diện tích gieo cấy nhỏ. Tuy vậy, khi sát lịch đề ra, địa phương này chỉ mới hoàn thành không quá 30% và chỉ khoảng 50% trong số tổng diện tích “về đích” đúng hẹn.
Ở Hương Khê, tiến độ gieo cấy cũng “ì ạch” không kém khi mới chỉ đạt 27% kế hoạch vào ngày 12/6. Ngoài nguyên nhân chung khi tiến độ vụ xuân kéo chậm trên toàn tỉnh 7-10 ngày thì yếu tố thời tiết, địa hình trở thành lực cản làm chậm quá trình xuống giống của bà con.
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Thời vụ xuống giống gặp thời điểm nắng nóng gay gắt, có những ngày 38-390C khiến sản xuất bị ngưng trệ. Ngoài ra, tỷ lệ cơ giới hóa thấp, sức kéo gia súc giảm do đàn vật nuôi giảm cũng làm chậm tiến độ sản xuất theo kế hoạch”.
Ngoài TP Hà Tĩnh, Hương Khê, các địa phương như TX Hồng Lĩnh, Vũ Quang, Nghi Xuân, TX Kỳ Anh và Lộc Hà cho đến thời điểm này đều là những địa phương chưa hoàn thành được 50% diện tích gieo cấy.
Nguy cơ mất an toàn vụ thu hoạch
Đến 12/6, còn 2 ngày trong khung lịch “cứng”, thế nhưng, toàn tỉnh mới chỉ gieo cấy được 31.311 ha, chiếm 71% diện tích vụ lúa hè thu. Đáng nói là, chưa có địa phương nào hoàn thành được 100% kế hoạch.
Điều này đã được dự báo trước đó, khi mà thu hoạch lúa xuân bị kéo giãn, nhiều nơi chỉ mới kết thúc cách đây ít ngày. Cộng thêm thời vụ dồn dập, vừa gieo cấy hè thu, vừa thu hoạch lạc xuân khiến bà con nông dân khó đáp ứng “đường găng” đã định sẵn.
Một năm về trước, khi vụ lúa hè thu bước vào thu hoạch cũng là thời điểm nhạy cảm nhất của mưa bão. Trước 1 ngày cơn bão số 10 càn quét (14/9), lúa hè thu vẫn còn 1.300 ha giữa đồng. Theo tính toán, diện tích này đáng lẽ vẫn nằm trong sự cho phép của thời vụ (hoàn thành thu hoạch trước 15/9). Thế nhưng, giữa lúc thời tiết bất lợi, gặt lúa giữa mưa, không ít bà con nông dân vẫn phải ngậm ngùi vì kết quả không trọn vẹn.
Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực đẩy tiến độ nhanh nhất có thể. Tăng cường cơ giới hóa, lựa chọn bộ giống ngắn ngày nhất cho vùng gieo cấy muộn, lấy nước điều hành thời vụ… Chỉ có điều, liệu có phải là đã muộn, khi đến ngày 15/6, lịch gieo cấy khép lại? Điều đó đồng nghĩa với việc hơn 13.000 ha chưa thể hoàn thành gieo cấy nhiều khả năng sẽ phải thu hoạch sau 15/9, cuối vụ chẳng thu hoạch kịp trời mưa bão.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã