Bí xanh tại vườn của nông dân Tượng Sơn -Hà Tĩnh có giá 8.000đ/kg
Tại đồng rau Thượng Phú (Tượng Sơn, Thạch Hà), giá một số loại hàng rau xanh được tiểu thương thu gom như sau: mồng tơi 2.500 đồng/bó, đậu cô ve 7.000 đồng/kg, cà dừa 6.000đồng/kg, cà chua 10.000 đồng/kg, mướp 7.000 đồng/kg, rau khoai 8.000 đồng/kg, bí xanh 8.000 đồng/kg…
Dưa chuột có giá 8.000 đồng/kg nhưng ra chợ được đẩy lên 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg
Tại “vựa rau” Thạch Liên (Thạch Hà), dưa chuột được thu gom với giá 8.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/kg, bắp cải 5.000 đồng/cái… Tuy nhiên, khi lên đến các sạp rau ở đường Quốc lộ 1A, giá bán đã được đẩy lên cao.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các xe lưu động trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Thạch Liên (Thạch Hà), dưa chuột có giá 15.000 đồng/kg, su hào 10.000 đồng/kg, bắp cải 10.000 đồng/cái, cà dừa 15.000 đông/kg.
Tương tự, tại chợ Hà Tĩnh, giá rau tại các sạp bán lẻ của tiểu thương cũng cao gấp đôi, gấp ba lần so với giá thu mua tại vườn. Theo đó, mùng tơi có giá 5.000 – 7.000 đồng/bó, cà dừa 15.000 đồng/kg, mướp 15.000 – 20.000 đồng/kg, rau khoai 25.000 đồng/kg, dưa chuột 15.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg…
Bác Trần Sơn (thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, Thạch Hà) cho biết: “Nguồn cung dồi dào nên giá rau rẻ. Có những thời điểm như sau tết nguyên đán vừa qua, rau rẻ không ai mua, nhiều nhà ở đồng rau Thượng Phú phải nhổ làm phân nên hiện tại rất nhiều hộ không muốn canh tác nữa”.
Như gia đình chị Trần Thị Vân (thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, Thạch Hà) mọi năm có 3 sào rau ngoài đồng lẫn trong nhà, nhưng năm nay, rau ế, chị trồng ít, diện tích đất còn lại được chuyển sang trồng lạc.
Tìm hiểu về nguyên nhân khiến giá cả nông sản có mức chênh lệch lớn này, chúng tôi được biết là do việc tiêu thụ hàng hóa hiện đang phải trải qua rất nhiều khâu trung gian và tất cả đều do thương lái chi phối. Thương lái thu mua hàng hoá từ nông dân rồi đưa đến chợ đầu mối, từ chợ đầu mối tới chợ lẻ rồi mới đến các điểm bán lẻ... Vậy là, từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng có thể phải trải qua 5 – 6 khâu trung gian và qua mỗi khâu, giá cả hàng hóa lại bị đẩy lên theo.
Chị Trần Thị Bốn (thôn Thượng Phú, xã Thạch Liên, Thạch Hà) chia sẻ: “Chúng tôi làm 2 – 3 sào rau, thậm chí nhiều nhà làm tới 5 – 6 sào rau nên không thể mang ra chợ bán lẻ từng mớ rau được. Do đó, vẫn biết nhiều khi mình bị ép giá, thương lái mua rẻ bán đắt nhưng đành phải chấp nhận chứ biết làm sao”.
Người nông dân sản xuất ra hàng hóa nhưng họ lại không thể trực tiếp bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng mà việc tiêu thụ hầu như phải phụ thuộc vào các thương lái. Do đó, nông dân không thể định ra giá cả mà chính các thương lái mới là người quyết định. Việc dìm giá hay nâng giá cũng do một bộ phận thương lái thực hiện. Kết quả là người nông dân chịu thiệt, còn người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận giá cao khi mua hàng.
Theo Quang Minh/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã