Nông dân thôn Hồng Tiến (xã Xuân Giang) gieo trỉa hành tăm.
Chị Nguyễn Thị Vân (thôn Hồng Tiến) phấn khởi: “Kể từ khi xã có chủ trương chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi mạnh dạn đưa hành tăm vào trồng thử nghiệm. Điểm thuận lợi là chúng tôi có thể ủ hành tăm giống tại chỗ, không phải nhập từ nơi khác. Qua nhiều vụ thu hoạch, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây này vượt ngoài mong đợi, năm nay, tôi tiếp tục mở rộng diện tích lên 2 sào. Để đạt sản lượng cao, phải làm sạch cỏ; xới đất tơi, mịn và tranh thủ gieo trồng khi đất còn khô ráo”.
Vụ đông năm nay, gia đình anh Bùi Quang Hợp (thôn Hồng Khánh) trồng gần 3 sào hành tăm. Theo chia sẻ của anh Hợp, từ tháng 11 dương lịch hàng năm, bà con nông dân bắt đầu cày đất, làm sạch cỏ, dùng cào thưa rạch rãnh để trỉa hạt đều hàng. Sau đó, phải tiến hành phủ lớp trấu, rơm và lá thông để giữ độ ẩm cho cây phát triển, tạo đất tơi xốp cho củ to đẹp. Nhờ chăm sóc tốt và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên hành năm nào cũng cho năng suất cao, đạt 5 tạ/sào, được khách hàng mua trực tiếp tại chân ruộng.
Ở Nghi Xuân, hành tăm xuất hiện rải rác tại các xã Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Thành... và được trồng nhiều nhất tại Xuân Giang với diện tích 15 ha. Trong đó, tập trung tại 2 thôn Hồng Tiến, Hồng Khánh. Hành tăm chịu được hạn nên có thể tận dụng trồng ở những chân ruộng không có nước. Thời gian sinh trưởng khoảng 4 - 5 tháng, trong khi vốn đầu tư ít.
Hành tăm dần trở thành rau màu chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương
Theo tính toán của một số hộ dân, mỗi sào hành tăm chỉ trồng hết khoảng 5 kg giống, mỗi hốc cần 1 củ hành nhỏ, khi thu hoạch mỗi hốc cho gần 1 bát con củ. Nếu hành phát triển tốt, sẽ cho năng suất từ 3-4 tạ/sào. Với giá 30 ngàn đồng/kg, mỗi ha sẽ thu lợi 240 triệu đồng.
Nếu làm phép so sánh, hiệu quả kinh tế từ trồng hành tăm cao gấp 3 lần trồng lạc. Tuy vậy, thu hoạch hành tăm lại là công việc hết sức vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và chịu khó khi người trồng phải tự tay đào bới từng hốc thật khéo léo để thành phẩm thu về được nẩy tròn, hạt chắc. Hiện nay, ở Xuân Giang, hành tăm được thương lái trực tiếp thu mua tại ruộng và phân phối về các điểm chợ ở TP Vinh (Nghệ An).
Phó Chủ tịch UBND xã Đậu Xuân Tú nhấn mạnh: “Thực hiện lộ trình đưa cây hành tăm trở thành rau màu chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, xã đang tập trung tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý người dân không nên mở rộng diện tích trồng hành bởi việc tìm đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan như sở thích vùng miền, nhu cầu thị trường”.
Theo Hoai Nam/Bao HA Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã