Học tập đạo đức HCM

Chuyển đổi số nông nghiệp Hà Tĩnh Khu dân cư thông minh ở 'làng quê đáng sống'

Thứ năm - 07/07/2022 21:31
Hầu hết những vườn rau VietGAP, hướng hữu cơ ở Tượng Sơn được giám sát quy trình, nhật ký sản xuất bởi rất nhiều camera. Nông dân làm thương mại điện tử rất chuyên nghiệp...
 

Ghi nhật ký sản xuất bằng clip

Xế trưa những ngày hè tháng 6, chúng tôi trở lại xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Khắp các tuyến đường liên xã, liên thôn ở địa phương này, môi trường sạch đẹp, trong lành, quả xứng danh là “làng quê đáng sống”.

Những lão nông thôn Hà Thanh ghi nhật ký sản xuất bằng... clip. Ảnh: Thanh Nga.

Những lão nông thôn Hà Thanh ghi nhật ký sản xuất bằng... clip. Ảnh: Thanh Nga.

 

Bước qua cổng chào khu dân cư thông minh thôn Hà Thanh, đập vào mắt là những khu vườn được quy hoạch bài bản, sản xuất đủ các loại rau củ quả kết hợp đào ao nuôi cá, nuôi ốc.

Có thể những địa phương khác cũng quy hoạch được vườn hộ theo lớp lang, song Tượng Sơn trở thành xã đặc biệt nhất Hà Tĩnh bởi hầu hết các tiến bộ khoa học công nghệ đều đã được địa phương này ứng dụng thành công vào sản xuất rau củ quả. Cụ thể là sản xuất rau VietGAP và theo hướng hữu cơ có gắn camera giám sát.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc HTX Hoàng Hà (xã Tượng Sơn) chia sẻ, những năm 2015 – 2016, nông dân Tượng Sơn bắt đầu bén duyên với mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Từ một vài hộ tham gia, đến tháng 10/2019 – khi thương hiệu rau Tượng Sơn được chứng nhận VietGAP thì tổng số hộ tham gia đã lên tới con số 256/7 thôn.

Thời điểm đó, đang giai đoạn cao trào xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM nên khi Tượng Sơn phát triển được những vườn hộ mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng khiến nhiều địa phương ngưỡng mộ, đến học tập kinh nghiệm.

Cuối năm 2020, để làm sạch môi trường, tăng tính kỷ luật trong sản xuất, xã Tượng Sơn lắp đặt 10 mắt camera giám sát hoạt động sản xuất tại các hộ dân thôn Hà Thanh. Năm nay, xã mở rộng thêm 10 mắt camera tại thôn Sâm Lộc và Thượng Phú.

Những vườn rau củ quả sản xuất theo hướng hữu cơ được thương lái thu mua tại nhà. Ảnh: Tâm Phùng.

Những vườn rau củ quả sản xuất theo hướng hữu cơ được thương lái thu mua tại nhà. Ảnh: Tâm Phùng.

“Những hộ dân này đang từng bước chuyển từ sản xuất VietGAP sang theo hướng hữu cơ, an toàn. Tất cả quy trình sản xuất đều phải ghi nhật ký bằng… clip và chịu sự giám sát thông qua hệ thống máy chủ đặt tại HTX Hoàng Hà”, ông Sơn nói.

Những lão nông quản lý sản xuất bằng smartphone

Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng đôi mắt, bàn tay của ông Hoàng Thanh Tam, thôn Hà Thanh vẫn rất nhạy bén và sắc sảo. Ông Tam và vợ tham gia mô hình thí điểm khu dân cư thông minh theo phần mềm do Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Công ty TNHH MTV Giftmark thực hiện.

Gia đình ông được lắp 1 mắt camera tại khu vực trồng rau củ quả; cấp 1 mã (tem) QR. Mã QR này được đóng công khai ngay trước nhà, tích hợp các thông số do hộ gia đình khai báo như diện tích vườn, các loại cây trồng, quy trình chăm sóc, bón phân cho cây và công tác vệ sinh môi trường...

Khi đến nhà ông Tam, người khác chỉ cần dùng điện thoại thông minh có ứng dụng Zalo và quét QR thì sẽ biết được các thông tin về loại cây trồng, quy trình chăm sóc vườn hộ của gia đình ông.

Đặc biệt, khi gia đình có các sản phẩm như rau, củ, quả hoặc con gà, quả trứng... cần bán thì ông Tam chỉ cần chụp ảnh, quay video, khai báo số lượng và nhập vào hệ thống thì người cần mua hoặc người quản lý (HTX Hoàng Hà) sẽ biết để thu mua hoặc giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

“Ban đầu do tuổi tác nên tôi cũng gặp một ít khó khăn. Tuy nhiên, gần đây việc quay clip quá trình gieo trồng, chăm sóc hay thu hoạch tôi đã khá thành thạo. Hệ thống công nghệ này rất hữu ích trong việc lưu trữ dữ liệu trong nhiều năm và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hoặc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ”, ông Tam cho hay.

Hiện vườn rau gần 1.000 m2 của hộ ông Tam đang sản xuất bí xanh, cà dừa, ớt và mướp. Bình quân mỗi năm thu nhập giao động từ 80 – 100 triệu đồng.

Điển hình cho hiệu quả của mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ chính là trường hợp của anh Nguyễn Văn Hà, cùng trú thôn Hà Thanh.

Hệ thống máy chủ được đặt tại HTX Hoàng Hà để theo dõi, giám sát quá trình sản xuất của người dân. Ảnh: Thanh Nga.

Hệ thống máy chủ được đặt tại HTX Hoàng Hà để theo dõi, giám sát quá trình sản xuất của người dân. Ảnh: Thanh Nga.

Gia đình anh Hà có truyền thống “nghèo gia truyền”. Từ thời ông bà, đến bố mẹ anh đều thuộc hệ hộ nghèo, cận nghèo. Từ năm 2020 đến nay, sau khi thực hiện chủ trương xóa bỏ vườn tạp, quy hoạch lại vườn hộ, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Hà vay mượn thêm vốn liếng đầu tư sản xuất rau củ quả trên diện tích hơn 1.000 m2.

“Nhờ sự chăm chỉ cộng với định hướng sản xuất cây trồng theo mùa vụ hợp lý của HTX nên 2 năm qua, bình quân mỗi năm gia đình anh Hà thu lợi nhuận từ 100 – 120 triệu đồng”, ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc HTX Hoàng Hà đánh giá.

Theo ông Sơn, ngoài việc giám sát vườn hộ thông qua camera giám sát, HTX có trách nhiệm điều tiết, định hướng sản xuất cho người dân.

Ví dụ hộ ông Trần Văn Báu trồng cà xanh, rau mồng tơi thì hộ ông Nguyễn Văn Hà phải trồng bí xanh, mướp đắng, rau dền còn bà Nguyễn Thị Nguyệt sản xuất mướp ngọt, rau cải, cà tím… Việc điều chỉnh này nhằm tránh tình trạng mất cân đối sản lượng, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm.

Đăng ký nhãn hiệu tập thể

Với những bước đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, mới đây, sản phẩm rau củ quả sạch Tượng Sơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tượng Sơn rau củ quả sạch huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh”.

“Nhãn hiệu Tượng Sơn được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu tập thể là điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm rau củ quả xã Tượng Sơn trên thị trường; hạn chế nguy cơ chiếm đoạt nhãn hiệu, góp phần tạo ra cơ hội và lợi ích lớn hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Huy Trọng, Phó Giám đốc Sở KH-CN Hà Tĩnh nói.

Nhãn hiệu tập thể 'Tượng Sơn rau củ quả sạch huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh' đã được đăng ký thành công. Ảnh: TP.

Nhãn hiệu tập thể “Tượng Sơn rau củ quả sạch huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh" đã được đăng ký thành công. Ảnh: TP.

Theo ông Trọng, nhãn hiệu tập thể “Tượng Sơn rau củ quả sạch huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh” là 1 trong 15 sản phẩm được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý trong toàn tỉnh.

Trong tương lai, để chủ động trong việc quản lý và phát triển giá trị của sản phẩm rau củ quả Tượng Sơn, Hội Nông dân xã Tượng Sơn sẽ tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong quản lý, khai thác, phát triển thương hiệu, chất lượng sản phẩm...

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ phát huy hệ thống quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đã được dự án xây dựng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; tiếp tục sản xuất rau sạch đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí, tiến tới sản phẩm hữu cơ hoàn toàn.

Xã Tượng Sơn hiện có trên 69 ha trồng rau củ quả; trong đó 19 ha sản xuất tập trung, 50 ha sản xuất phân tán; năng suất đạt trên 28 tấn/ha, thu nhập từ 250 - 280 triệu đồng/ha; sản lượng ước đạt 220 tấn/năm. Sản phẩm rau củ quả Tượng Sơn đã khẳng định thương hiệu và từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện sản phẩm đã ký kết bao tiêu bởi siêu thị Coop Mart, Công ty Cổ phần Du lịch và Thực phẩm; HTX 668 Hà Tĩnh, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh; các nhà học, trường học trên địa bàn... Đến nay, khoảng 20 hộ dân thôn Hà Thanh và 256 hộ khác trong toàn xã Tượng Sơn đã áp dụng thành công mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ và VietGAP. Rau củ quả Tượng Sơn cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2019.

Chuyển đổi số nông nghiệp Hà Tĩnh Khu dân cư thông minh ở 'làng quê đáng sống'

Theo Thanh Nga - Tâm Phùng/nongnghiep.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay34,399
  • Tháng hiện tại765,752
  • Tổng lượt truy cập91,939,481
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây