Học tập đạo đức HCM

Dấu ấn Cẩm Xuyên

Chủ nhật - 22/02/2015 03:42
Năm 2014 đi qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự dốc sức, đồng lòng của nhân dân, sự giúp đỡ của tỉnh và Trung ương, Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã ghi được những dấu ấn khẳng định vị thế mới trong công cuộc xây dựng và phát triển. Cuộc gặp gỡ đầu xuân giữa phóng viên báo Kinh tế nông thôn với Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Đặng Quốc Cương sẽ minh chứng cụ thể điều này.

 

Về thăm quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập một ngày cuối năm, khi khắp làng quê, ngõ phố đang náo nức đón chào xuân mới Ất Mùi 2015, người đầu tiên chúng tôi gặp là Bí thư Huyện ủy Đặng Quốc Cương. Tác phong giản dị, cởi mở và hết sức chân tình, vị Bí thư giàu tâm huyết có sức hút lớn đối với những ai đã được tiếp xúc.

Ngày cuối năm, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề, ông vẫn dành trọn một buổi đưa đi tham quan một số thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên đạt được trong năm 2014.

Du hành cùng Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên trên những con đường bê-tông rộng rãi, thoáng đẹp, trải dài tít tắp, ngắm những khu dân cư kiểu mẫu, những hội quán vừa mới xây bề thế khang trang; rồi tận mắt chiêm ngưỡng những khu vườn mẫu được quy hoạch bài bản ở các xã Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Thăng…, ông Cương phấn khởi nói với chúng tôi: “Chỉ mới hơn 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, chúng tôi đã có 22 xã hoàn thành từ 8 - 15 tiêu chí, không còn xã dưới 7 tiêu chí. Cẩm Xuyên cũng được tỉnh công nhận đơn vị xuất sắc trong phong trào XDNTM 2014. Từ thành công đó, năm 2015, chúng tôi phấn đấu có thêm 4 xã về đích NTM”.

Tôi hỏi ông làm sao để có được niềm tin đó, ông Cương tự tin khẳng định: “Tôi tin vào sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong nhân dân. Nhất là khi đã khơi dậy được khát vọng của nhân dân, biết lấy sức dân để lo cho dân thì chắc chắn sẽ làm được”.

Như đoán được cánh nhà báo chúng tôi đang cần thông tin gì, Bí thư Huyện ủy Đặng Quốc Cương thủ thỉ: “Nhớ lại những ngày đầu bước vào thực hiện kế hoạch năm 2014, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động lạm phát, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tâm lý của người dân, nhưng bám sát định hướng của Trung ương và của tỉnh, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Thường vụ Huyện ủy, sự vào cuộc tích cực của các cấp, tổ chức đoàn thể, Cẩm Xuyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, hình thành các trang trại, gia trại, HTX, tổ hợp tác, hình thành các cánh đồng lớn, xóa bỏ hoàn toàn trà xuân sớm, tăng trà xuân muộn, đưa năng suất lúa lên trên 55 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 1 vạn tấn. Đây cũng là  năm có năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay.

Không chỉ làm giàu từ cây lúa, năm 2014, Cẩm Xuyên còn có sự bứt phá về chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đến cuối năm 2014, toàn huyện có 639 mô hình, trong đó có 334 mô hình chăn nuôi lớn, 61 mô hình chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn liên kết của Công ty TNHH MTV Tịnh Toàn ở xã Cẩm Thăng do cựu chiến binh thương binh 2/4 Trần Nghệ Tịnh làm giám đốc, năm 2014 xuất chuồng lứa lợn đầu tiên thu về trên 6,5 tỷ đồng. Hay như mô hình chăn nuôi lợn khép kín của anh Võ Kim Duy xã Cẩm Lạc, năm vừa qua sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 1 tỷ đồng. Ngoài những mô hình chăn nuôi cho thu nhập tiền tỷ, đến nay Cẩm Xuyên còn có trên 500 mô hình sản xuất doanh thu đạt 100 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Trong đó, có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết bền vững như chăn nuôi lợn, bò, nuôi tôm thâm canh, trồng rau củ quả chất lượng cao”.

“Còn về khai thác thế mạnh từ biển thì sao, thưa ông”?. Tiếp lời tôi, Bí thư Huyện ủy phấn chấn nói: “Phát huy thế mạnh của nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy - hải sản, năm 2014 Cẩm Xuyên đã đưa diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên 723ha, trong đó có 26ha nuôi tôm công nghệ cao trên cát, tổng sản lượng đạt gần 3.000 tấn. Huyện cũng đã chỉ đạo thành lập các tổ, đội liên kết sản xuất trên biển, hỗ trợ ngư dân đóng mới 13 tàu công suất trên 90CV, mở hướng ra khơi đánh bắt trên 7.300 tấn hải sản các loại.”

“Nói có sách, mách có chứng”, theo lời mời của ông Cương, chúng tôi đã đến các xã vùng biển ngang, nơi mà trước đây cuộc sống của  hàng vạn người dân cứ đến mùa “treo lưới là treo niêu”. Giờ đây, nhờ nuôi tôm công nghệ cao và trồng rau, củ, quả nên cuộc sống người dân vùng biển ngang đã khấm khá lên rất nhiều. Ông Cương kể: “Vùng đất này trước đây là cát trắng, chỉ có cây phi lao mới cầm cự nổi với gió, nắng. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của  hiện tượng biến đổi khí hậu, hàng trăm hecta đang có nguy cơ bị hoang mạc hóa. Thế mà chỉ sau 1 năm thực hiện Dự án trồng rau, củ, quả công nghệ cao, đất đã không phụ lòng người. Bằng sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền và các đoàn thể, bằng niềm tin được đánh thức từ các mô hình trồng rau, củ, quả trên cát do Tổng công ty KS&TM HàTĩnh khởi xướng, đến nay vùng đất cát ven biển các xã Cẩm Hòa, Cẩm Dương tưởng như bỏ quên đã trở thành “kho vàng xanh”, mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân. Nhờ có các chính sách, cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện, nhiều người dân đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX, tổ hợp tác trồng rau, củ, quả công nghệ cao theo mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Luồng gió của công cuộc đổi mới đang lan tỏa. Giờ đây đến bất cứ nơi đâu cũng bắt gặp không khí thi đua với cung cách làm ăn mới.

Trung tâm văn hóa xã Cẩm Bình.

Với nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế thông thoáng, với  sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kết thúc năm 2014, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt gần 5.400 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế  chuyển dịch theo hướng  tích cực. Tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt  trên  64%, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 36%, thu ngân sách đạt 132 tỷ đồng, tăng 22,19% so với 2013, thu nhập bình quân đạt trên 25 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ  nghèo giảm xuống còn 6,4%”.

Qua câu chuyện mà ông Cương kể, chúng tôi mới ngộ ra một điều: Chính quan điểm gần dân, lo cái lo của dân, cùng dân suy nghĩ, cùng dân bàn cách giải quyết nên công tác giải phóng mặt bằng QL 1A đoạn đi qua Cẩm Xuyên mới được nhanh gọn, kịp thời, đảm bảo kỷ cương, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công về đích trước thời gian.

Mải mê với câu chuyện về dấu ấn Cẩm Xuyên năm 2014 thì trời chạng vạng tối lúc nào không hay, tôi vội hỏi: “Vậy bí quyết nào để Cẩm Xuyên đạt được những thành tựu nổi bật như thế, thưa Bí thư”?. Câu trả lời như chực sẵn ở trong đầu, ông Cương nói: “Có rất nhiều nguyên nhân như thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhưng phải khẳng định rằng có được những dấu ấn trong năm 2014 trước hết là do chính quyền biết khơi dậy lòng  dân, tiếp đó là do cấp ủy quan tâm đúng mức việc lãnh đạo chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt công tác ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan đơn vị. Nhờ đó nâng cao được sự đồng thuận trong cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và  nhân dân. Trong công tác cán bộ, Huyện ủy đã chỉ đạo, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, kiện toàn bộ máy các phòng, ban một cách căn cơ. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ từ huyện xuống cơ sở, từ cơ sở lên huyện đúng quy trình, tạo ra năng lượng mới sau khi nhận nhiệm vụ. Đặc biệt là việc vận dụng quy chế dân chủ trong xử lý các vấn đề nổi cộm ở các ngành, địa phương gắn với việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách thường xuyên, công khai, minh bạch, ai có thành tích thì khen, ai có khuyết điểm thì tự giác nhận và sữa chữa”.

Chia tay Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Đặng Quốc Cương, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều, từ sự  lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng với những chủ trương đúng, cách làm hay đã phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương; từ việc khơi dậy được khát vọng của lòng  dân trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Tất cả đang gợi lên những dự cảm đầy niềm tin và kỳ vọng về một Cẩm Xuyên giàu đẹp bền vững sánh vai cùng bạn bè vững bước đi lên cùng năm tháng.

Trần Vũ Thìn
Theo kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập781
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại788,768
  • Tổng lượt truy cập93,166,432
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây