Hàng chục năm nuôi sò trên bãi, khó khăn lớn nhất mà ông Phạm Ngọc Dũng ở thôn 2, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) luôn gặp phải là chuẩn bị nguồn giống. Với gần 3 ha bãi nuôi sò, mỗi vụ sản xuất, ông Dũng thả trên 5 tấn giống, trong khi đó, cơ sở sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn không có. Những người nuôi sò như ông phải lặn lội đến nhiều địa phương để mua giống, kể cả mua từ các thợ lặn trên địa bàn hoặc các loại giống trôi nổi trên thị trường.
Nuôi sò không cần thức ăn, chỉ cần đầu tư giống và bỏ công canh giữ, thu hoạch. Tuy nhiên, trước mỗi vụ sản xuất, việc chuẩn bị nguồn giống lại làm người nuôi lo lắng nhất
“Không có nguồn cung ứng chính thức tại địa phương, chúng tôi phải liên hệ với các chủ đánh bắt nhỏ lẻ trên địa bàn để mua khi dăm mười cân, khi vài yến để thả. Như vậy, sò nuôi sẽ phát triển không đều. Nếu đến cơ sở giống ở tận các tỉnh phía Bắc hoặc vào Nam để mua thì mất rất nhiều chi phí vận chuyển, sò lại bị yếu nên nuôi chậm lớn” - ông Dũng chia sẻ.
Với diện tích gần 2 ha, vụ nuôi vừa qua, gia đình bà Lê Thị Dung ở thôn 9, xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) phải mua trên 2 tấn giống sò cả ở ngoại tỉnh và các điểm cung ứng nhỏ lẻ trong tỉnh với tổng chi phí trên 200 triệu đồng. Theo bà Dung, các loại sò mua ở địa phương khác về thường có tỷ lệ chết cao hơn. Đặc biệt, vụ này, sau hơn 6 tháng thả, sò nuôi bỗng nhiên bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Nhiều diện tích sò bị mất trắng, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Mua giống sò từ nhiều địa phương khác hoặc từ các mối cung ứng trôi nổi trên thị trường, người nuôi phải chịu nhiều rủi ro về chất lượng.
Theo nhiều người dân, tình trạng nghêu sò chết hàng loạt thời gian qua, trong nhiều nguyên nhân thì không thể không tính đến chất lượng nguồn giống. Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Trọng Dung cho biết: "Trong lúc hầu hết các loại thủy sản người dân thả nuôi đều chủ động được nguồn giống, thì đối với các loại thân mềm như nghêu, sò hiện chưa có cơ sở sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, người nuôi gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro do phải mua giống từ các địa phương khác hoặc giống trôi nổi trên thị trường".
Nghề nuôi sò tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động ở các địa phương vùng ven biển
"Để nghề nuôi sò phát triển ổn định, chúng tôi mong muốn có được ít nhất một cơ sở sản xuất và cung ứng giống có uy tín trong tỉnh để người nuôi chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng” - bà Lê Thị Dung trao đổi. Đây cũng chính là nguyện vọng chung của người nuôi sò trên địa bàn Hà Tĩnh.
Vũ Viễn/baohatinh.vn