Học tập đạo đức HCM

Hương Sơn phát huy vai trò đảng viên vùng giáo

Thứ năm - 27/06/2013 00:00
Với hơn 10% đồng bào theo đạo, sinh sống rộng khắp ở 14/32 xã, thị trấn, những năm qua, công tác xây dựng Đảng ở vùng giáo đã được Đảng bộ huyện Hương Sơn quan tâm. Vì vậy, địa phương không chỉ kết nạp được nhiều đảng viên giáo dân mà điều quan trọng hơn nữa là những người công giáo khi đứng vào hàng ngũ của Đảng đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, trở thành hạt nhân trong các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương.

Năm 1979, khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông Trần Trọng Bình – một giáo dân thuộc giáo xứ Kim Cương ở xã Sơn Kim 1 đã tích cực tham gia công tác đoàn thể tại địa phương và được cán bộ, nhân dân trong xã bầu giữ chức vụ là bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1.

Ông Bình đã luôn gương mẫu đi đầu, tuyên truyền, giáo dục đảng viên, vận động đồng bào có đạo và chức sắc tôn giáo thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Năm 2005, khi được nghỉ hưu, ông vẫn không nghỉ ngơi, lại hăng hái tham gia xây dựng mô hình kinh tế trang trại với diện tích gần 30 ha, trong đó chủ yếu là trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi hươu, bò, gà, nhím. Mỗi năm, trừ chi phí, ông thu lợi từ 50 đến 70 triệu đồng.

Suốt cả cuộc đời lao động cống hiến, ông Bình ý thức hơn ai hết vai trò quan trọng của người đảng viên giáo dân, không chỉ góp phần xây dựng quê hương trên lĩnh vực kinh tế, xã hội mà đảng viên giáo dân với sự gương mẫu đi đầu của mình đã trở thành tiếng nói có sức thuyết phục đối với đồng bào công giáo để cùng nhau thực hiện đường lối đổi mới của cấp ủy Đảng, chính quyền.

Cùng chung tư tưởng với ông Bình là ông Nguyễn Đình Khởi, giáo dân ở xứ Kim Cương thuộc xã Sơn Kim 1. Năm 2009, ông được bầu làm bí thư chi bộ. Với vai trò là một Đảng viên, là người được nhân dân tin tưởng nên cũng từ khi đảm nhận công tác mà chi bộ giao phó, ông Khởi đã tích cực trong mọi phong trào, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế.

Bằng sự cần cù, chịu khó và quyết tâm mới, ông Khởi đã đầu tư 40 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng nuôi. Hiện nay, bình quân trong khu chăn nuôi của gia đình ông Khởi luôn có gần 50 con lợn thịt và lợn nái. Ngoài ra, ông Khởi còn đào ao thả cá và nuôi ba ba. Trung bình mỗi năm ông thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng.

Là một đảng viên tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế, lại là bí thư chi bộ, ông đã tuyên truyền, vận động giáo dân của mình cùng tham gia và xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp của chính quyền với Ban hành giáo.

Tại xã Sơn Lâm, nơi có đông đồng bào công giáo nhất huyện, chiếm trên 56% dân số của xã, trong những năm qua với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền đồng bào giáo dân ở đây đã hăng hái phát triển kinh tế, tập trung chăn nuôi theo quy mô ngày càng lớn, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng đa cây đa con, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Và trong quá trình phấn đấu đi lên đó, Đảng bộ xã đã phát hiện, bồi dưỡng kết nạp được 8 đảng viên giáo dân.

Cô giáo Lê Thị Hương - giáo dân xứ Khe Sắn, là một giáo viên của Trường tiểu học Sơn Lâm được kết nạp vào Đảng năm 2003 và sau đó cô được tín nhiệm bầu làm hiệu phó và là 1 trong 3 vị đại biểu hội đồng nhân dân huyện là giáo dân.

Bước đầu, cô Hương cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với lập trường kiên định, làm trọn việc đạo, việc đời, cô Lê Thị Hương đã trở thành điển hình trong ngành giáo dục và trong phát triển chăn nuôi của địa phương, được nhân dân trong xã nói chung và đồng bào theo đạo nói riêng tin tưởng, mến phục.

Cô Hương cho biết: “Bản thân tôi luôn quan niệm rằng người công giáo tốt là người đảng viên tốt, người đảng viên tốt là người công giáo tốt. Vì vậy, tôi đã tích cực trong mọi hoạt động để khẳng định sự đúng đắn đó”.

Sau khi có quy định số 123 của Bộ Chính trị về “Kết nạp người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ đoàn viên thanh niên. Phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi đặc biệt là thanh niên có đạo để từ đó lựa chọn quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng.

Đến nay, huyện Hương Sơn có 61 đảng viên là giáo dân tham gia sinh hoạt tại 14 tổ chức cơ sở Đảng. Những tháng đầu năm 2013, các chi bộ, đảng bộ ở huyện Hương Sơn đã theo dõi, bồi dưỡng, giới thiệu được 9 quần chúng ưu tú là giáo dân đi học lớp cảm tình Đảng, trong đó đang tiến hành làm hồ sơ để kết nạp 2 quần chúng ưu tú là giáo dân vào Đảng để ngày càng có thêm nhiều hạt nhân tiêu biểu trong đồng bào công giáo.

Bằng sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên giáo dân, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa được bà con giáo dân tích cực hưởng ứng. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng quỹ vì người nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Ông Nguyễn Thành Đồng – Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Hương Sơn khẳng định: “Với sự tích cực hoạt động của mình, những đảng viên giáo dân không chỉ làm tốt vai trò chức trách của người đảng viên mà quan trọng hơn nữa, họ đã động viên bà con có đạo đóng góp xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thiết chế văn hóa, hương ước làng xã, nhà văn hóa, xây dựng đường giao thông nông thôn, giải tỏa mặt bằng tạo điều kiện triển khai các dự án về đến tận các thôn, xóm, khối phố được thuận lợi.”

Kết quả công tác phát triển Đảng viên giáo dân ở Đảng bộ huyện Hương Sơn và sự phát huy vai trò trách nhiệm của Đảng viên giáo dân trong phát triển kinh tế, xã hội đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực công tác và địa bàn dân cư, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng giáo vững mạnh, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.

NGUYỄN TÂM
baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập288
  • Hôm nay37,944
  • Tháng hiện tại813,222
  • Tổng lượt truy cập91,986,951
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây