Học tập đạo đức HCM

Giữ lửa trò Kiều trên quê hương Nguyễn Du

Thứ ba - 11/06/2013 21:20
Nghi Xuân - mảnh đất địa linh nhân kiệt, từ xa xưa đã sản sinh ra bao nhân tài cho đất nước, được ví là “cái nôi” văn hóa của quê hương Hà Tĩnh. Trên mảnh đất này, nhiều loại hình văn nghệ dân gian xuất phát từ lao động, sinh hoạt của nhân dân như: ca Trù, trò Kiều (có nơi gọi là chèo Kiều), hò Nghẹt… nhưng tiêu biểu nhất là trò Kiều vì nó đã đi vào lòng người và được nhân dân mến mộ từ bao đời nay.


Một cảnh diễn trò Kiều.


Theo ông Nguyễn Ban, hậu duệ chi ất đời thứ VI của Đại thi hào Nguyễn Du, nguyên trưởng phòng Văn hóa thông tin (cũ) huyện Nghi Xuân, người đã tốn nhiều công sức để khôi phục lại trò Kiều: Sau khi có Truyện Kiều, khoảng nửa thế kỷ sau, các loại hình văn nghệ dân gian dựa trên Truyện Kiều bắt đầu xuất hiện. Khoảng cuối thế kỷ XIX, ở vùng Bắc Nghệ An, Truyện Kiều được chuyển thể sang trò Kiều - sự kết hợp giữa hát tuồng và hát chèo Kiều kết hợp với diễn xuất, làm trò và các làn điệu khác như: dân ca, ví Dặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, ca Trù… 

Trò Kiều về quê hương tác giả Truyện Kiều vào khoảng những năm 1920, tức 100 năm sau khi cụ Nguyễn Du qua đời, do người Đằng ngoài vào làm ăn rồi lập phường hát (người Hà Tĩnh gọi cư dân vùng Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An) là người Đằng ngoài). Hát trò nghĩa là có hát, có diễn và có làm trò vui. Kịch bản của một vở trò Kiều được xây dựng dựa trên cốt Truyện Kiều và hầu như không thay đổi. 

Trò Kiều phát triển mạnh mẽ nhất ở Nghi Xuân có lẽ là vào khoảng những năm 1957, toàn huyện Nghi Xuân có 6 xã có đội hát diễn trò Kim Vân Kiều: Tiên Điền, Xuân Thành, Cổ Đạm, Xuân Lĩnh, Xuân Liên. Trải qua hai cuộc chiến tranh, phong trào hát trò Kiều rời rạc rồi tan rã dần. Đến nay, Tiên Điền và Xuân Liên là hai địa phương có đội diễn trò Kiều còn tồn tại và đang được phát triển… 

* Những người giữ lửa

Về Tiên Điền quê hương cụ Nguyễn Du những ngày tháng 6, chúng tôi may mắn được gặp vợ chồng ông Nguyễn Mậu- tộc trưởng dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền và cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ trò Kiều của xã. Nhà ông Mậu ở cuối làng Tiền (nay là thôn An Mỹ, xã Tiên Điền), cách mộ cụ Nguyễn Du chỉ vài trăm mét. Tiếp chúng tôi khi vừa thu hoạch xong vụ màu, vất vả là thế nhưng khi được hỏi về trò Kiều, ánh mắt ông Nguyễn Mậu sáng hơn bao giờ hết, ông say sưa kể về cái duyên đến với trò Kiều, về niềm đam mê Kiều của người dân Tiên Điền và say sưa hát Kiều. 

Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Mậu.


Ông Mậu kể rằng, thuở bé ông đã được tiếp xúc với trò Kiều qua những đêm diễn trò của đội văn nghệ xã. Niềm say mê những câu hát Kiều ngày bé vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông. Mãi sau này, khi trò Kiều đã lùi về “dĩ vãng” trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân Nghi Xuân, ông vẫn tha thiết, mong mỏi khôi phục lại lối diễn trò đậm chất quê hương mình. Cho đến khoảng những năm 1997- 1998, khi ông Nguyễn Ban gặp ông đặt vấn đề khôi phục trò Kiều. Ông Mậu nguyên là giáo viên dạy toán nhưng lại có hiểu biết và đam mê viết lách, nhất là về vốn cổ của cha ông. Sau ba tháng nghiên cứu, tìm hiểu, lựa chọn diễn viên, vào một đêm tháng chạp năm 2001, câu lạc bộ diễn vở đầu tiên. Câu lạc bộ trò Kiều xã Tiên Điền từ đó được thành lập với 16 thành viên do ông Mậu làm Trưởng ban. 

Ông Mậu, sưu tầm, viết kịch bản, dàn dựng; còn vợ ông Bà Trần Thị Phượng là người hát chính trong câu lạc bộ. Bà Phượng là một giáo viên tiểu học về hưu, người vừa có “sắc” lại có “thanh” và tấm lòng đam mê nghệ thuật, hết lòng giúp chồng trong việc phục dựng lại trò Kiều. Giọng hát Kiều của bà thì có thể nói gái trong làng không ai sánh kịp, vừa trong trẻo, lại vừa đặc trưng của miền quê Tiên Điền. Bà Phượng chia sẻ, vai diễn khó nhất trong trò Kiều là vai Thúy Kiều, người thể hiện Thúy Kiều phải vừa có dáng đẹp và giọng hát hay. Nhân vật Thúy Kiều trong một vở trò Kiều phải thể hiện được 45 thứ giọng, vừa hát Xoan, hát Chèo, hát Bội, tấu mã, ngâm thơ, ca Huế… Nội dung một vở diễn thường không thay đổi, trung thành với Truyện Kiều nhưng cách hát có thể thay đổi theo tình cảm của từng người. 

Theo Bà Phượng, hát Kiều phải có hai người đối đáp thì mới hay, các vai diễn như: Kiều – Kim Trọng, Kiều – Thúy Vân, Kiều – Thúc Sinh, Hoạn Thư – Kiều… là những cảnh được người xem mong đợi nhất. Nhạc cụ phục vụ hát và diễn Kiều là trống và nhị. Đội trò xưa kia chủ yếu là đàn ông, do quan niệm phụ nữ mà diễn những vai như Thúy Kiều, Hoạn Thư, Tú Bà thì cuộc đời cũng sẽ gặp nhiều đau khổ, bất trắc. Mãi đến sau này, khoảng những năm giữa thế kỷ XX, phụ nữ mới bắt đầu tham gia vào đội trò. 

Khi những tiếng trống đầu tiên vang lên, người dân Tiên Điền, bất kể già trẻ, gái trai đều kéo đến xem, đông vui như hội. Người dân xã Tiên Điền rất say mê hát Kiều, nhất là các cụ tuổi từ 50 trở lên, hễ hôm nào ở nhà ông Mậu, bà Phượng có diễn hoặc tập trò Kiều thì cả làng đều nô nức kéo đến xem. Trò Kiều đã đi vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Tiên Điền, ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Họ hát Kiều, diễn trò Kiều lúc làm đồng, khi ngồi khâu nón, dệt vải… Mọi vui buồn, tình cảnh của cuộc sống đều có thể vận một câu Kiều để thể hiện. 

* Để những câu Kiều còn mãi ngân xa… 

Trò Kiều được gìn giữ đến ngày nay là nhờ niềm đam mê văn nghệ, ý thức giữ gìn một di sản quý báu của cha ông của người dân Nghi Xuân. Năm 2012, vợ chồng ông Mậu, bà Phượng vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Đó là nguồn động viên to lớn để hai vợ chồng nghệ nhân tiếp tục cống hiến. 

Theo bà Phượng, để xây dựng nên một hình tượng cô Kiều là rất khó và đòi hỏi sự cố gắng của bản thân diễn viên cũng như công phu của người dìu dắt. Vài năm trở lại đây, cứ đào tạo được “một cô Kiều cho ra Kiều” thì cô ấy lại đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ăn xa. Ông Nguyễn Mậu hồ hởi cho biết: "Mừng quá cháu ạ, năm ni cô Kiều Trần Thị Giang, đi xuất khẩu lao động bên Nga đã trở về rồi, không biết có bỏ trò Kiều mà đi nữa không?..." Thiếu kinh phí, thiếu nghệ nhân... là những nguyên nhân khiến trò Kiều đứng trước nguy cơ mai một. 

Để những câu Kiều còn mãi ngân xa trên quê hương cụ Nguyễn Tiên Điền, cần có chính sách phù hợp nhằm bảo tồn và phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này, sự hỗ trợ về kinh phí tập luyện để các diễn viên có thể “toàn tâm, toàn sức” gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa đầy giá trị nhân văn của quê hương.

Hoàng Ngà
Theo baotintuc.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập155
  • Hôm nay25,605
  • Tháng hiện tại800,883
  • Tổng lượt truy cập91,974,612
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây