Học tập đạo đức HCM

Ngư dân Xuân Hội - hành trình vươn ra biển lớn

Thứ tư - 11/07/2012 22:40
Trong lúc ngư dân trên địa bàn toàn tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn chung khi đi tìm lời giải cho bài toán mưu sinh, thì ở vùng biển Xuân Hội – việc chủ động xây dựng cho mình một hành trình vươn ra khơi xa để tìm kiếm ngư trường rộng lớn đã thực sự mang về cho ngư dân những khoang thuyền nặng đầy tôm cá. Hành trình ấy đã được xây dựng nên bằng những kinh nghiệm quý báu đúc rút tự bao đời của cha ông kết hợp với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào đánh bắt và sự mạnh dạn của bà con trong việc đầu tư, cải hoán đội tàu.


Từ bài học kinh nghiệm của cha ông

Anh Võ Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội không dấu nổi niềm tự hào khi nhớ lại những tháng ngày cùng bà con ra khơi tìm kiếm những luồng cá lớn. “ Với chúng tôi, việc tìm kiếm luồng cá không phải giản đơn, bởi sự tác động của thời tiết, sự can thiệp của con người hay sự thay đổi của dòng hải lưu đã trở thành những yếu tố làm thay đổi sự xuất hiện của luồng cá. Vì thế, kinh nghiệm quý báu của cha ông đã không chỉ giúp các thế hệ cháu con mai sau gây dựng được một cuộc sống đủ đầy mà còn là cẩm nang vô giá giúp chúng tôi vượt qua muôn trùng nguy hiểm giữa giông gió biển khơi”. Lòng tự hào về nghiệp cha truyền con nối đã khiến những người dân Xuân Hội luôn khắc ghi câu chuyện của làng biển như một truyền thuyết đáng tự hào.

Ngư dân Xuân Hội - hành trình vươn ra biển lớn

Việc cải hoán đội tàu đánh bắt xa bờ đã mang lại cuộc sống ấm no cho ngư dân Xuân Hội

Chuyện kể rằng, vào khoảng thế kỷ thứ XIII có 8 ông bà không rõ từ nơi đâu đã đến gò đất trên vùng biển này lập nghiệp bằng nghề chài lưới. Thương những người dân nghèo nhưng cần cù chịu khó, biển đã hào phóng ban tặng cho họ biết bao sản vật quý giá, giúp họ cất đi gánh nặng trong cuộc mưu sinh . Theo thời gian, mảnh đất hoang vắng ngày xưa đã phát triển thành những xóm làng trù phú. Vào những năm 20, 30 của thế kỷ trước, dẫu với đội thuyền nhỏ trang bị thô sơ nhưng với kinh nghiệm và nghề vó ánh sáng truyền thống, vào những ngày sóng yên biển lặng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân Xuân Hội cũng đã mạnh dạn tiến xa bờ hướng ra ngư trường rộng lớn hơn. Và dường như đất trời cũng thấu hiểu những lời nguyện cầu của những người vợ, người mẹ nên mỗi ánh bình minh thức dậy là những lúc bến bờ lại rộn ràng hoan ca với khúc khải hoàn của những khoang thuyền đong đầy sản vật của biển.

Góp sức mình xây dựng quê hương, xây dựng CNXH nên từ năm 1954 Xuân Hội đã trở thành một trong những xã có sản lượng đánh bắt lớn nhất của miền Bắc. Năm 1978 được nhận lẵng hoa của Bác Tôn, và giai đoạn đầu năm 1980 xã nhà vinh dự được nhà nước công nhận là điểm sáng về đánh bằng vó ánh sáng của toàn miền Bắc. Thế nhưng, niềm vui của người dân Xuân Hội chỉ thực sự kéo dài đến năm 1993 khi sự cạn kiệt của ngư trường, sự mai một của nghề vó ánh sáng và những bế tắc của cơ chế HTX đã trở thành những lý do khiến cuộc sống của ngư dân nơi đây ngày càng khốn khó. Chủ trương của Chính phủ ( năm 1997) về đầu tư xa bờ nhằm vực lại sức sống một thời của làng nghề tưởng đã mang đến bầu không khí mới cho ngư dân khi họ được đầu tư 8 đội tàu đánh bắt xa bờ ( mỗi đội hơn 2 tỷ đồng). Tuy nhiên, tư tưởng về nguồn vốn của nhà nước, sự hạn chế trong ý thức gìn giữ và bảo vệ của công của người dân đã thêm một lần đẩy cuộc sống của họ vào bế tắc.

Quyết tâm khơi dậy truyền thống của làng nghề và nỗi khát khao thoát khỏi cuộc sống đói nghèo đã khiến những người dân nơi đây phải trăn trở nghĩ suy để kiếm tìm hướng đi mới. Những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ thực tiễn, từ những chuyến đi tham quan ở các tỉnh bạn như Thanh Hoá, Thái Bình và sự chủ động trong việc cải hoán đội tàu đánh bắt xa bờ, mạnh dạn áp dụng phương thức mới vào đánh bắt đã dần tháo gỡ khó khăn, bế tắc trong cuộc sống của người dân Xuân Hội.

Hướng đi đã mở....

Trong căn nhà khang trang, anh Trần Văn Dũng – xóm Hội Long sôi nổi kể cho chúng tôi nghe về những chuyến ra khơi kiếm tìm luồng cá. “ 29 tuổi đời nhưng tôi đã có 7 năm được giao nhiệm vụ làm trưởng tàu khai thác xa bờ. Kinh nghiệm được tích luỹ từ những năm tháng bám biển cùng với những bài học quý từ cha ông đã giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm ngư trường. Ngoài ra, sự cần cù chịu khó và việc đưa nghề dạ kéo đôi vào đánh bắt đã mang về cho chúng tôi nguồn thu đáng kể. Năm 2010, vợ chồng tôi quyết định mua đôi tàu có công suất 130 CV trị giá 1,5 tỷ đồng. Sau 8 tháng hoạt động, doanh thu của chúng tôi đạt 3,5 tỷ. Niềm vui tiếp tục được nhân lên khi năm 2011 doanh thu của đôi tàu đạt 5,5 tỷ. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động có nguồn thu 75-80 triệu đồng. Những vụ đánh bắt bội thu đã không chỉ mang về cho chúng tôi cuộc sống ấm no mà còn giúp tôi quyết tâm mở rộng sản xuất, nên cuối năm 2011 gia đình tôi đã mua thêm đôi tàu có công suất 450 CV. Như thế sẽ có cơ hội trong việc mở rộng ngư trường, kéo dài ngày đánh bắt trên biển, giảm chi phí sản xuất”.

Ngư dân Xuân Hội - hành trình vươn ra biển lớn

Đôi tàu 450 CV của gia đình anh Dũng

Niềm vui của gia đình anh Dũng cũng chính là niềm vui chung của 540 hộ gia đình ở Xuân Hội khi họ đã tìm được hướng đi mới cho sự phát triển của làng nghề. Đó là đưa nghề mới - dạ kéo đôi – vào sản xuất và cải hoán đội tàu để vươn ra biển lớn. Anh Đậu Văn Liệu - Chỉ tịch hội Nông dân xã cho biết: “ Hiện toàn xã chúng tôi có 125 phương tiện đánh bắt, trong đó có 20 tàu có công suất trên 100CV- 450CV, 1 tàu có công suất 90CV, 42 chiếc dưới 20CV, còn lại là tàu có công suất từ 30-45 CV. Cùng với việc cải hoán đội tàu, thành lập các tổ đội để hỗ trợ nhau trong sản xuất, cứu hộ cứu nạn, thì ý thức của người dân trong việc đầu tư củng cố phương tiện, sắm sửa thêm ngư cụ trước mỗi mùa đánh bắt, sự đầu tư của bà con với nguồn kinh phí 25 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nghề ....cũng đã góp phần đổi thịt, thay da cho cuộc sống của người dân”.

Cũng theo báo cáo của UBND xã, năm 2011 tổng sản lượng đánh bắt ở Xuân Hội là 5.200 tấn, đạt 130% kế hoạch đề ra và là địa phương có sản lượng đánh bắt lớn nhất tỉnh. Những tháng đầu năm nay, dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn do ngư trường bất ổn nhưng sản lượng đánh bắt của xã vẫn đạt hơn 1.000 tấn ( tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, kết quả ấy cũng đã mang lại niềm vui cho ngư dân nơi đây, tiếp thêm quyết tâm cho họ trong việc mạnh dạn đầu tư, tu sửa lại tàu thuyền chuẩn bị cho vụ đánh bắt chính sắp tới - vụ cá Bắc bắt đầu từ tháng 8.

Ánh chiều dần buông trả lại khoảng không gian yên tĩnh cho bến cá. Những đôi tàu lại được sánh vai nhau nằm nghe hơi thở của đất liền sau những ngày rong ruổi khơi xa... Sự vỗ về, ôm ấp của bến bờ, những ánh mắt chứa chan niềm hy vọng đã thực sự tiếp thêm năng lượng để ngày mai, trong ánh rạng đông lấp lánh những con tàu lại vững chãi dương buồm hướng ra biển lớn.

THUÝ NGỌC- ANH HOÀI
Nguồn baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập311
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm273
  • Hôm nay46,643
  • Tháng hiện tại1,001,667
  • Tổng lượt truy cập92,175,396
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây