Ông Nguyễn Văn Đương - thôn Tân Hương, xã Thạch Vĩnh thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng từ cây đào trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua |
Về xã Thạch Vĩnh vào một ngày đầu xuân, tôi như được hòa trong niềm vui này với các đồng chí lãnh đạo xã và các hộ dân. Biết tôi có ý định tìm hiểu về việc phát triển cây đào ở địa phương, đồng chí Nguyễn Hoàng Trương - Phó Chủ tịch UBND xã vui vẻ cho biết: "Cây đào phai bén duyên với người dân Thạch Vĩnh đã trên chục năm rồi. Thời điểm đó, người ta trồng đào để đến dịp Tết thì trưng trong nhà cho đẹp hoặc để tặng người thân, bạn bè nên nhà nào nhiều lắm cũng chỉ dăm bảy gốc. Một thời gian sau, khi kinh tế càng ngày càng phát triển, nắm bắt được nhu cầu của thị trường và nhận thấy điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc trồng giống cây này, chi phí đầu tư cũng không nhiều nên xã đã vận động người dân xóa bỏ vườn tạp để phát triển cây đào và được người dân đồng tình hưởng ứng."
Những ngày đầu mới triển khai, tổ sinh vật cảnh do xã thành lập với hơn 30 hộ tham gia đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chặt bỏ các loại cây trồng trong vườn nhà mình để thay vào đó là tập trung phát triển cây đào. Với lợi thế điều kiện đất đồi núi, cát sỏi phù hợp với cây đào cộng với kinh nghiệm của người dân được đút rút từ thực tiễn qua nhiều năm trồng đào nên hầu hết các vườn đào đều phát triển tốt. Cây đào phai của Thạch Vĩnh nở đúng dịp tết Nguyên đán, với đặc điểm nhiều hoa, cánh to và màu hồng thắm sang trọng, thế đào vươn tự nhiên nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Thu nhập của các hộ trồng đào ổn định ngay từ những vụ mùa đầu tiên, có nhiều nhà sau khi trừ các chi phí, thu lãi từ 10 đến 15 triệu. Kể từ đó, việc phát triển kinh tế bằng nghề trồng đào được xã xác định là hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhưng nhờ sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, họ đã từng bước tháo gỡ và không ngừng nỗ lực để đến nay, trên địa bàn toàn xã có 63 hộ tham gia trồng đào với diện tích gần 5ha. Hộ trồng nhiều nhất cũng hơn 100 gốc, thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ đó, nhiều hộ từ trồng đào không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, đời sống ngày càng được nâng cao hơn.
Đến thăm vườn đào của gia đình ông Nguyễn Văn Đương ở thôn Tân Hương có thâm niên 5 năm trồng đào đúng lúc ông đang chăm sóc cho các cây đào giống, trên khuôn mặt lộ rõ sự phấn khởi, ông chia sẻ: "Năm vừa qua, gia đình tôi trồng hơn 100 gốc đào trên diện tích gần 1000m2, nhờ thời tiết thuận lợi và chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vườn đào nhà tôi phát triển tốt, đẹp, trồng được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Ngay từ giữa tháng Chạp, các tư thương ở trong và ngoài tỉnh đã vào tận vườn để thu mua, giá trung bình mỗi cây từ 1 đến 2 triệu đồng, cây nào có thế đẹp, hoa và búp nở nhiều thì giá cao hơn, có cây họ trả đến 5 triệu đồng. Sau khi trừ hết các chi phí, gia đình tôi còn lãi hơn 80 triệu đồng, vậy là yên tâm ăn tết rồi." Được biết, không chỉ gia đình ông Đương mà hầu hết các hộ tại xóm Tân Hương cũng có thu nhập ổn định từ cây đào trong dịp tết vừa qua.
Rời vườn đào của gia đình ông Đương, tôi lại tiếp tục có mặt ở một vườn đào khác ở thôn Hưng Xá. Với hơn 40 gốc đào trong diện tích chỉ khoảng gần 300m2, thu nhập của gia đình ông Ngô Văn Bính trong dịp tết vừa qua lên đến hơn 60 triệu đồng.Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, cách đây khoảng gần 10 năm, gia đình ông Bính được xếp vào diện khó khăn nhất xã, đến nỗi cứ mỗi lần mưa to gió lớn là căn nhà tranh của ông giống như cái chậu hứng nước, ngồi trong nhà mà cũng không khác ở ngoài là mấy, đã 2 lần bị bão xô đổ. Với quyết tâm thoát nghèo từ nghề trồng đào, sau nhiều năm chăm chỉ lao động, tích góp, kinh tế gia đình ngày càng khá hơn, giờ đây gia đình ông đã cất được một ngôi nhà ngói khang trang với kinh phí gần 500 triệu đồng. Theo tìm hiểu, không chỉ riêng gia đình ông Bính mà còn rất nhiều gia đình khác trên địa bàn xã Thạch Vĩnh đã thoát nghèo nhờ lợi nhuận do cây đào mang lại.
Có thể nói rằng, năm 2012 là một năm thắng lợi đối với những người trồng đào trên địa bàn xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nghề trồng đào ở đây còn một số khó khăn,hạn chế như chưa có quy hoạch cụ thể, việc trồng đào của người dân vẫn mang tính chất tự phát. Bên cạnh đó, người trồng đào cũng chưa được hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, giống, do vậy hiệu quả chưa cao, rất khó có thể phát triển với quy mô lớn. Đặc biệt là thị trường tiêu thụ vẫn khá bấp bênh, chưa thực sự ổn định, vì vậy, để nhân rộng, phát triển nghề trồng đào rất cần những giải pháp, chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu và xa hơn là xây dựng thương hiệu vùng đào riêng ở Thạch Vĩnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã