Học tập đạo đức HCM

Báo động việc nông dân bỏ ruộng: Hạt lúa “trĩu nặng” chi phí

Thứ tư - 14/08/2013 22:32
Khi giá lúa gạo không tăng nhiều so với 5 năm trước, thì giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... lại liên tục tăng. Cũng vì lý do này mà nông dân làm không có lãi, có tâm lý chán ruộng...
Đủ thứ chi phí 

Trời đã nhọ mặt người, cả nhà đang ngồi đợi cơm, mà bà Nguyễn Thị Ngoa – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Phượng Hoàng, thị trấn Thanh Miện (huyện Thanh Miện, Hải Dương) vẫn còn lọ mọ ngoài đồng... Gần đây, thấy bà hay đi sớm, về tối, nhiều người nói: Bà Ngoa bây giờ thành “địa chủ” đất rồi! 

Chả là từ năm ngoái, người dân trong thôn thi nhau bỏ ruộng. Lúc đầu thị trấn, thôn vận động người dân cố gắng bám ruộng, nhưng không hiệu quả. Rồi họ lại giao ruộng cho hội phụ nữ, đoàn thanh niên... sản xuất để gây quỹ. Cấy được 2 vụ thì một vụ bị chuột phá hết, chỉ được 80kg/sào; vụ còn lại thì lúa bị lép hạt, được 70kg/sào, nên vụ này chẳng còn ai cấy nữa. Vậy là bà Ngoa phải cáng đáng cả hơn 3 mẫu ruộng để cánh đồng không bị bỏ hoang. 

Bà Nguyễn Thị Ngoa – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Phượng Hoàng (thị trấn Thanh Miện, Hải Dương) phải cáng đáng hơn 3 mẫu ruộng.
Bà Nguyễn Thị Ngoa – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Phượng Hoàng (thị trấn Thanh Miện, Hải Dương) phải cáng đáng hơn 3 mẫu ruộng.

Bà Ngoa cho biết, cả thôn Phượng Hoàng có hơn 10 hộ bỏ ruộng với diện tích trên 3 mẫu. Các hộ này không làm đơn, mà chỉ báo với tổ dịch vụ rằng họ không cấy nữa, để không phải trả tiền làm đất, tưới tiêu... Lý do các hộ này đưa ra là có làm cũng chỉ lỗ. Bà Ngoa nói, hạt lúa làm ra đã khó, bán thì giá rẻ, mà lại đủ thứ chi phí “ăn theo” hạt lúa. 

Cụ thể, chi phí cho 1 sào lúa gồm: Giống 110.000 đồng, phân bón 230.000 đồng, công cấy 200.000 – 250.000 đồng (tùy vụ), thuê gặt 250.000 đồng, tuốt 60.000 đồng, thuốc trừ sâu 80.000 đồng, dịch vụ diệt chuột, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dự báo dịch bệnh 15.000 – 20.000 đồng, bảo vệ đồng ruộng 4.000 đồng, giao thông, thủy lợi nội đồng tùy theo từng thôn nhưng cũng phải 20.000 – 40.000 đồng. Tính ra, tổng chi phí khoảng 1 triệu đồng/sào. 

Nếu năng suất lúa tốt nhất đạt 1,8 – 2 tạ/sào nhân với giá lúa hiện nay 6.000 đồng/kg đối với lúa Bắc Thơm (năm ngoái 7.000 – 8.000 đồng/kg), 5.500 đồng đối với lúa Q5, BC15 (năm ngoái 6.500 đồng/kg)... thì mới hòa vốn, hoặc lãi khoảng 100.000 – 200.000 đồng/sào. Còn không thì lỗ, có hộ lỗ tới 400.000 – 500.000 đồng/sào.

Vật tư đầu vào tăng giá

Bà Phạm Thị Hồng – Trưởng thôn Lâm Cầu, xã Lê Hồng (Thanh Miện, Hải Dương) ngao ngán nói: “Cả thôn có 250 hộ/750 nhân khẩu, tổng diện tích khoảng 148 mẫu, vậy mà mới qua 1-2 vụ, người dân đã bỏ không cấy khoảng 20 mẫu, với 40 hộ. Nhiều hộ bỏ tới hơn mẫu ruộng, như hộ ông Phan Hữu Toàn (1,3 mẫu) ông Phan Hữu San (1,1 mẫu), Phan Hữu Khiêm (1 mẫu)...”. 

Bản thân gia đình bà Hồng trước đây cũng cấy tới 2 mẫu ruộng, nhưng vì chi phí sản xuất ngày càng tăng, cấy lúa ngày càng lỗ, nên hiện bà chỉ cấy 8 sào ruộng tiêu chuẩn của gia đình. Bà Hồng nói: “Giá phân mấy năm nay tăng nhiều quá, như phân NPK Lâm Thao, Văn Điển?đã liên tục tăng từ 900.000 đồng/tạ, lên 1,1 triệu đồng/tạ. Hiện chúng tôi chuyển sang dùng phân Con cò vàng với giá 945.000 đồng/tạ, nhưng vẫn tăng 85.000 đồng/tạ”. 

Giá thuốc BVTV cũng tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, loại thuốc chống rầy của Công ty CP Thuốc BVTV An Giang năm ngoái chỉ có 15.000 đồng/gói, thì nay tăng lên 18.000 đồng/gói (1 sào phun 2 gói), chi phí thuốc diệt chuột cũng tăng từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/sào. 

Gia đình bà Vũ Thị Nự ở thôn Phượng Hoàng (thị trấn Thanh Miện)?có 6 sào ruộng, nhưng vì chồng mất sớm, con còn nhỏ, chi phí cày cấy đắt đỏ, nên bà đành bỏ 3,3 sào, chỉ để lại một mảnh cấy lấy lúa ăn. Bà Nự tâm sự: “Hai vụ nay, vụ nào tính ra tôi cũng lỗ 300.000 đồng/sào, nên tôi chỉ để lại hơn 2 sào cấy lấy lúa ăn cho đỡ phải đong thôi. Giờ hàng ngày tôi đi bán chè, nước mỗi ngày kiếm 100.000 – 150.000 đồng tính ra gấp 4 – 5 lần trồng lúa”. 

Bà Nự nói tiếp: “Mấy năm gần đây, đã thành thường lệ, cứ tới vụ mới là giá phân bón lại tăng, như NPK Việt Pháp lúc đầu chỉ có 1,1 triệu đồng/tạ, nhưng sang đến năm nay đã lên 1,25 triệu đồng/tạ. Đạm urê cũng tăng từ 900.000 đồng lên 1 triệu đồng/tạ. Phân bón lót NPK 5 – 10 – 3 tăng từ 380.000 đồng lên 460.000 đồng/tạ. Thuốc trừ cỏ của Syngenta cũng tăng từ 28.000 đồng lên 33.000 đồng/gói; thuốc Sofit 300EC tăng 29.000 đồng, lên 35.000 đồng/gói... Ngược lại, giá lúa lại giảm.

Ai cấy ruộng bỏ hoang?

Ông Bùi Hữu Tiếp – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thanh Miện cho biết, vụ xuân vừa qua, huyện có 12ha và vụ mùa có 7,6ha ruộng bị bỏ hoang, chủ yếu là ruộng công điền người dân thầu với xã, do làm lúa liên tục thua lỗ nên họ trả lại. Ngoài ra, một số diện tích bỏ vì chủ ruộng là những hộ già cả, neo đơn, thiếu lao động. Còn theo bà Vũ Thị Hà – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hải Dương), hiện hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều có tình trạng nông dân bỏ ruộng, với khoảng vài trăm ha ruộng bị bỏ không trong vụ mùa này.

Ông Nguyễn Văn Thăng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cẩm Giàng cho biết: Thái Lan quản lý đất rất khoa học và hiệu quả. Họ cho người dân thoải mái tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn. Nếu người dân làm ăn hiệu quả, họ còn hỗ trợ hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vốn... Nhưng nếu không hiệu quả, đặc biệt là sử dụng sai mục đích, bỏ hoang thì họ phạt rất nặng, nên hiệu quả sử dụng đất của họ rất cao, ít thấy khu công nghiệp bỏ hoang như mình.
Là nơi có tỷ lệ nông dân bỏ ruộng cao, ông Nguyễn Văn Thăng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cẩm Giàng lo lắng khi cho biết: “Vụ mùa năm 2012 huyện có tới 83,4ha ruộng bỏ không. Sau khi động viên bà con cấy, vẫn còn 43,32ha bỏ hoang. Vụ chiêm 2013, có 28,53ha và vụ mùa là 29,4ha nằm không...”.

Về vấn đề quản lý ruộng mà người dân trả, bỏ hoang bà Hà cho biết, trước hết tỉnh vẫn phải giao cho các xã, đoàn thể quản lý, gieo cấy, hạn chế đến mức tối đa diện tích bỏ hoang. 

Tuy nhiên, theo ông Tiếp thì việc giao cho các đoàn thể cấy chỉ là biện pháp tình thế, không lâu bền. Ông Thăng cũng cho rằng việc giao cho các đoàn thể cấy trồng chỉ giải quyết được vấn đề “xanh đồng”, hạn chế dư luận xấu nông dân thi nhau bỏ ruộng. Nhưng về mặt kinh tế thì không ổn, bởi sẽ rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”.
Nguồn: danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập342
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại227,601
  • Tổng lượt truy cập90,290,994
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây