Điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay thuận lợi cho nấm bệnh và vi khuẩn phát triển, gây hại trên trà lúa. Ảnh minh họa: Công Trí - TTXVN
Hiện nay, nông dân tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống dứt điểm vụ lúa Hè Thu 2017 và đang rải rác xuống giống vụ Thu Đông - Mùa. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người dân theo dõi, phòng trừ kịp thời dịch bệnh trên lúa, nhất là bệnh rầy nâu.
Hiện nay, trà lúa Hè Thu chính vụ đang ở giai đoạn trổ chín đến thu hoạch, diện tích lúa nhiễm sâu bệnh trong tháng 8 tăng so với tháng trước. Một số đối tượng sâu bệnh gây hại chính gồm: rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá…
Diện tích nhiễm bệnh rầy nâu trên địa bàn hiện nay gần 3.180 ha, mật số phổ biến 750 – 1.500 con/m2. Tuy diện tích nhiễm bệnh rầy nâu trong tuần (23/8 – 30/8/2017) đã giảm 322 ha so với tuần trước song theo dự báo của ngành nông nghiệp, từ ngày 5/9 – 15/9/2017 sẽ có đợt rầy nâu di trú, khả năng di trú qua các trà lúa Thu Đông – Mùa.
Theo kết quả điều tra thực tế ngoài đồng, rầy nâu đang phổ biến tuổi 3 đến 5, có hiện tượng gối lứa và có khả năng gây cháy rầy cục bộ nếu không được phòng trừ kịp thời. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đề nghị các Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật 11 huyện, thị xã, thành phố và bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu ngoài đồng để có biện pháp quản lý kịp thời.
Đối với những khu vực Thu Đông – Mùa mới xuống giống (dưới 25 ngày sau sạ) cần duy trì mực nước trên ruộng thích hợp để hạn chế rầy nâu di trú chích hút thân cây lúa. Đối với khu vực chuẩn bị xuống giống vụ Thu Đông – Mùa cần theo dõi lịch xuống giống tập trung né rầy của địa phương nhằm hạn chế rầy nâu truyền bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá cho trà lúa mới gieo sạ.
Song song với đó, các bệnh như cháy bìa lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông có diện tích nhiễm bệnh giảm so với tuần trước (15/8 – 22/8/2017) nhưng diện tích nhiễm bệnh vẫn khá cao, với tổng diện tích khoảng 8.000 ha. Riêng bệnh lem lép hạt có diện tích nhiễm bệnh gia tăng.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: Điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay thuận lợi cho nấm bệnh và vi khuẩn phát triển, gây hại trên trà lúa. Bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm vết bệnh để phòng trừ.
Bên cạnh đó, người dân nên tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc cho lúa, gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc, đúng cách. Cần lưu ý một số đối tượng khác như sâu cuốn lá, thối thân vi khuẩn, đốm vằn,…
Theo thống kê, vụ lúa Hè Thu 2017, tỉnh Sóc Trăng xuống giống dứt điểm trên 183.100 ha, đạt 104,8% so với kế hoạch. Diện tích lúa đặc sản gần 71.000 ha, chiếm 38,7% diện tích xuống giống. Trong đó, các giống lúa chủ lực là OM5451, RVT, PC10, OM4900, 0M6967, OM7347 và nhóm ST.
Hiện nay, giá lúa thu mua dao động 4.754 – 4.954 đồng/kg đối với lúa thường; 5.060 – 5.238 đồng/kg đối với lúa thơm nhẹ và từ 5.417 – 5.813 đồng/kg đối với lúa đặc sản RVT. Do đã vào vụ thu hoạch rộ nên giá thu mua lúa hiện giảm khoảng 50 đồng/kg so với 2 tuần trước.
Vụ Thu Đông – Mùa, nông dân đã xuống giống gần 8.500 ha; tập trung ở các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm./.
Theo Hoài Thu/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;