Mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất hoang của hội viên HLV Tân Kỳ (Nghệ An).
Nghệ An: Sản xuất sạch và liên kết chuỗi
Vài năm trở lại đây, HLV Nghệ An từ tỉnh đến cơ sở đều chú trọng sản xuất sạch và liên kết chuỗi. Hiện, tỉnh đã có 84 mô hình cây ăn quả và rau với diện tích 95ha; 37 mô hình cá nước ngọt; 109 mô hình gia súc, gia cầm và 120 mô hình VAC tổng hợp. Ngoài ra, Hội còn có 4 đơn vị vệ tinh, chuyên tiêu thụ sản phẩm VAC sạch cho hội viên trong và ngoài tỉnh. Thiết kế lắp đặt, trồng, chăm sóc các vườn rau sạch trong T.P Vinh và cung cấp dụng cụ làm vườn, vật tư, phân bón, giá thể đất sạch. Đặc biệt, trang trại dế, côn trùng từ chỗ chỉ có trong khuôn khổ Hội, nay đã mở rộng, liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ ở 19 tỉnh, thành trên cả nước, với trên 500 hội viên chuyên dế, rắn mối. Năm 2017, 6 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bibigren đã liên kết với các nhà vườn sản xuất theo quy trình VietGAP, tiêu thụ trên 20.000kg rau xanh các loại; gần 33.000kg quả các loại, 8.477kg thịt lợn, bò; 1.445kg cá tôm; 1.516kg gà, vịt sạch. Bình quân 1 tháng lắp đặt và chăm sóc 3-5 vườn rau sạch trên sân thượng (vườn lớn nhất trên 30 triệu đồng).
Nghệ An hiện có 284/480 xã, phường, thị trấn; 20/21 huyện, thành phố, thị xã có tổ chức Hội; 04 thành viên liên kết trực thuộc tỉnh Hội; 2.462 chi hội với 60.223 hội viên. Năm 2017, Hội tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 6.360 lượt người/161 lớp học. Nội dung tập huấn về công tác Hội, cải tạo VAC tạp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng VietGAP. Công tác đào tạo nghề được Hội chú trọng, đã tổ chức được 29 lớp/1.440 người tham gia.
HLV Nghĩa Đàn tiếp tục thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, thực hiện trong 5 năm (2015 – 2020). Thanh Chương tiếp tục dự án Gà đồi Thanh Chương (gần 700 triệu đồng); dự án cam/ bưởi Diễn cho 152 hộ (trên 490 triệu đồng). Tân Kỳ triển khai đề án sản xuất phân hữu cơ vi sinh, đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà; xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất trồng rau gần 100ha…
Tuy nhiên, HLV Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn hạn chế như: hoạt động Hội còn nhiều lúng túng, công tác xây dựng và củng cố tổ chức ở một số đơn vị cơ sở chưa được chú trọng. Công tác dịch vụ VAC còn hạn chế, chưa tạo được nhiều vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm VAC cho hội viên. Nguyên nhân do kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, có đơn vị không có kinh phí, cán bộ Hội phần lớn kiêm nhiệm, thường xuyên biến động. Công tác tư vấn, tham mưu xây dựng, phát triển kinh tế VAC chưa kịp thời, thiếu thuyết phục.
Trong năm 2018, HLV Nghệ An sẽ đẩy mạnh xây dựng quỹ Hội, xây dựng mối liên kết giữa các Hội trong phát triển và tiêu thụ sản phẩm VAC. Phấn đấu từ 45-50% đơn vị Hội cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất sắc, không có đơn vị yếu kém. Tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, công nghệ mới theo hướng VietGAP đạt 15.000 lượt người/70 lớp với 2.500 học viên. Mỗi huyện xây dựng 4 mô hình VAC các loại, 1 mô hình VAC theo chuỗi giá trị, 1-2 mô hình VAC theo hướng VietGAP.
Thanh Hóa: Phát triển kinh tế VAC với bảo vệ môi trường
Năm 2017, điểm nhấn trong công tác Hội ở Thanh Hóa là gắn phát triển kinh tế VAC với bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, cải tạo vườn tạp và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Có thể điểm qua một số gương mặt tiêu biểu cả về công tác Hội và tăng gia sản xuất như: Như Xuân, Hà Trung, Đông Sơn…
Như Xuân đã có 12/17 xã, thị trấn có HLV-TT, với 71 chi hội/1.016 hội viên; toàn huyện có 155 trang trại, gia trại, tăng 5 đơn vị so năm 2016. Trong năm đã tổ chức được 4 lớp tập huấn/126 hội viên về các nội dung: xử lý gốc rạ tại ruộng, làm đệm lót sinh học cho 106 hội viên. Duy trì gần 1.000ha cây ăn quả, 114,2ha đào cảnh; 10 mô hình nuôi ốc nhồi, quy mô 5 lồng/mô hình, tổng cộng có 50 lồng nuôi ốc với số vốn đầu tư 120 triệu đồng/12 hội viên.
Ở Hà Trung, đã có nhiều hộ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất cây ăn trái, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, xã Hà Ngọc đã hình thành khu sinh thái bảo tồn đàn cò diện tích 16ha. Toàn huyện có 23/25 xã, thị trấn có HLV-TT, trong năm, đã tổ chức 36 lớp tập huấn về thâm canh, cơ giói hóa trong nông nghiệp và chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; nuôi ong mật cho hàng nghìn lượt người. Giới thiệu, cung ứng cho hội viên 5.200 giống cây ăn quả; 190kg chế phẩm Balasa, men hoạt tính để xử lý thức ăn và làm đệm lót sinh học.
Nhờ làm tốt công tác thị trường, kinh nghiệm sản xuất VAC; kỹ thuật trồng trọt, nuôi con đặc sản, nên đời sống hội viên HLV - TT Đông Sơn ngày càng được nâng cao; thu hút nhiều hộ tham gia tổ chức Hội. Đặc biệt, đã có nhiều hội viên được giúp đỡ về kỹ thuật, được tham gia các chương trình, dự án của tỉnh Hội và Sở Nông nghiệp và PTNT. Đáng ghi nhận là, các trang trại, gia trại đã làm đệm lót sinh học đạt kết quả tốt, bình quân 60m2/gia trại, 200m2/ trang trại. Sản phẩm phụ từ đệm lót sinh học không những bón cho cây trồng tốt, mà còn đem lại hiệu quả cao, chi phí đầu vào thấp; nhất là giải quyết vấn đề môi trường nơi thôn xóm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, HLV-TT Thanh Hóa còn một số tồn tại như: Bước đi của các trang trại chưa vững chắc, chưa tìm hiểu kỹ thị trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng còn dàn trải, thiếu chiến lược, trong khi vốn tích lũy ít, vốn tín dụng không vay được, có chủ trang trại phải dừng sản xuất. Tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường còn nhiều; nhiều cơ sở, gia đình, chất thải chưa xử lý đã xả ra môi trường.
Năm 2018, HLV - TT Thanh Hóa sẽ đổi mới hoạt động Hội, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế VAC, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch bền vững và tham gia xây dựng nông thôn mới.
Thái Nguyên: Chú trọng sản xuất, chuyển giao công nghệ
Đến cuối năm 2017, Thái Nguyên có 159xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội, với 1.658 chi hội; tổng số hội viên l33.821 người, quỹ hội trên 1 tỷ đồng. Để kinh tế VAC có bước phát triển mới, Hội thường kết hợp với các cấp và ngành chuyên môn lựa chọn cây, con phù hợp, hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất. Trong năm đã triển khai 04 mô hình bưởi Diễn và bưởi da xanh tại xã Đắc Sơn (Đồng Hỷ), xã Tân Thái (Đại Từ) và 01 mô hình ổi Đông Dư tại xã Động Đạt (Phú Lương); hiện, cây sống 96% và phát triển tốt. Tổ chức cho hội viên học tập, tham quan cách xử lý nhãn ra hoa, quả trái vụ ở Hưng Yên... Trao đổi kinh nghiệm mô hình chuối tiêu cấy mô và mô hình bưởi tại Lào Cai...
Phối hợp với Trung tâm Kiểm định chất lượng giống, vật tư hàng hóa nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 5ha bưởi Tràng Xá (Võ Nhai). Triển khai 03 lớp tập huấn: 01 lớp trồng và chăm sóc bưởi Diễn theo hướng VietGAP, 1 lớp phòng trừ sâu bệnh trên cây na và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; 01 lớp trồng, chăm sóc và thu hoạch bưởi Diễn cho 200 hội viên huyện Võ Nhai. Phối hợp với Công ty Phân bón Silic mở 4 buổi hội thảo hướng dẫn cách sử dụng phân bón cho gần 430 hội viên tại các huyện Phú Lương, Định Hóa và Võ Nhai. Toàn tỉnh đã mở 618 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật sản xuất chè an toàn cho 32.082 lượt hội viên. Đáng ghi nhận là, đã có 17 buổi hội thảo về thiết kề vườn ươm, kỹ thuật ươm cây, cách sử dụng thức ăn chăn nuôi, chọn giống, phòng và trị bệnh cho gia súc gia cầm cho 1.372 lượt hội viên tham gia.
Ngoài ra, còn có 04 lớp dạy nghề cho 130 hội viên, trong đó 02 lớp nghề nuôi ong mật tại xã Nga My (Phú Bình) và xã Hợp Thành (Phú Lương); 01 lớp nghề trồng rau an toàn tại xã Cù Vân (Đại Từ); 1 lớp nghề chăm sóc và phòng trị bệnh cho gà tại xã Đào Xá (Phú Bình). Hội mở được 22 lớp dạy nghề, chủ yếu là nghề nuôi ong mật, vốn là thế mạnh của địa phương; kỹ thuật sao chè chất lượng cao, lớp chế biến chè. Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm cho 836 hội viên, giúp hội viên nắm bắt được kĩ năng nghề, khoa học kĩ thuật để phát triển kinh tế VAC.
Đáng ghi nhận nữa là, công tác cải tạo vườn tạp, đưa kinh tế hộ, kinh tế gia trại phát triển thành trang trại sản xuất mang tính hàng hóa. Hội đã chú trọng công tác dịch vụ để cung cấp các loại cây ăn quả giống mới, hiệu quả kinh tế cao như: chuối tây Thái Lan, hồng xiêm, chanh Tứ quý, sấu ghép, bưởi Diễn, ổi tím. Đồng thời, hỗ trợ tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm cho hội viên và nông dân như mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa. Mặt khác, theo dõi nhu cầu hội viên để cung cấp vật tư, phân bón, cây, con giống, tiền vốn để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, công tác dịch vụ còn giúp hội viên tìm đầu ra cho sản phẩm VAC một cách tích cực. Kim chỉ nam của Hội là, làm tốt công tác dịch vụ thì mới giúp hội viên có giống, vốn để phát triển sản xuất kinh tế VAC hàng hóa.
Được biết, HLV Thái Nguyên cũng đã phối hợp với Hội Nông dân cung ứng 446 tấn phân bón, 1.200kg giống các loại theo phương thức trả chậm cho hội viên, nhiều nhất là HLV Đồng Hỷ, Định Hóa.
Tuy nhiên, năm 2017, Hội vẫn còn một số tồn tại như công tác triển khai nội dung, chương trình đến cơ sở còn chậm. Kinh phí hoạt động của các cấp Hội còn hạn hẹp, đặc biệt là cơ sở. Do chưa có phụ cấp nên một số cán bộ Hội còn thiếu nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm với công việc chưa cao. Công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại định kỳ chưa được các cấp Hội coi trọng. Từ những tồn tại trên, năm 2018, HLV Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Hội, lấy cơ sở Hội làm đơn vị hành động, tập trung xây dựng Hội và thu hội phí để hoạt động tốt hơn, nhất là xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm VAC. Xây dựng mô hình VAC cho thu nhập cao; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; tổ chức đào tạo nghề cho hội viên. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông xây dựng 2ha rau hữu cơ tại xã Hợp Thành (Phú Lương).
Có thể nói, khép lại năm 2017, khó khăn ở các HLV trên cả nước vẫn còn nhiều, song, với tinh thần bám chặt cơ sở hơn nữa để hoạt động; chú trọng xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mô hình điểm; đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chắc chắn các cấp Hội sẽ tìm được hướng đi riêng, bền vững cho đơn vị mình trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;