Học tập đạo đức HCM

Nhà nông gặp khó vì năng suất lúa thu đông thấp

Thứ tư - 14/09/2016 04:30
Tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ, nông dân đang vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2016 với thuận lợi. Mưa ít và nước lũ cũng chưa về nhiều nên nông dân chủ động thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Mặt khác, hoạt động thu mua lúa gạo các tiểu thương và doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho nhà nông tiêu thụ lúa ngay sau thu hoạch.

Nông dân vẫn khó khăn

Theo nhiều nông dân, phần lớn các trà lúa thu đông chín sớm vừa qua đều được thu hoạch bằng các máy cơ giới nên không chỉ giúp nông dân thu hoạch lúa kịp thời mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Ngay sau thu hoạch lúa, nhiều nông dân đã bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái và doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Quang, ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, vừa thu hoạch xong 3 công lúa vụ thu đông và đã bán lúa tươi IR50404 ngay tại ruộng cho thương lái với giá 4.200 đồng đồng/kg. Ông Quang cho biết: "Việc thu hoạch lúa khá khỏe do không gặp mưa lớn liên tục và đồng ruộng cũng khô ráo vì nước lũ chưa về nên dễ dàng đưa máy gặt đập liên hợp vào ruộng. Tôi bán lúa tươi ngay tại ruộng nên cũng không lo chuyện phơi sấy lúa. Vấn đề khiến nông dân chưa vui trong vụ sản xuất này có lẽ là năng suất lúa có phần thấp và giá bán lúa cũng không cao lắm đã làm lợi nhuận của nhà nông bị ảnh hưởng". Ông Lê Văn Mãnh, ở khu vực Hòa Thạnh A, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, cũng cho biết: "Nhờ thực hiện thu hoạch lúa bằng các máy cơ giới đã giúp nông dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nhất là khi giá thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa vụ này vẫn ổn định ở mức từ 250.000-300.000 đồng/công. Nông dân cũng gặp thuận lợi trong tiêu thụ lúa khi có nhiều tiểu thương đã đặt tiền cọc mua lúa tươi của nông dân trước ngày thu hoạch từ 15-20 ngày. Tuy nhiên, năm nay không hiểu sao lúa bị lép nhiều nên bà con thu hoạch không đạt năng suất và sản lượng cao bằng cùng kỳ những năm trước. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán và lợi nhuận của bà con".

 Thu hoạch lúa thu đông 2016 bằng máy gặt đập liên hợp tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt.

Trên thực tế, giá nhiều loại lúa gần đây giảm nhẹ khoảng 100-200 đồng/kg so với trước. Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ, hiện giá nhiều loại lúa tươi hạt dài được nông dân bán cho thương lái ở mức 4.500- 4.800 đồng/kg, còn lúa tươi IR 50404 có giá khoảng 4.100- 4.200 đồng/kg. Nhiều thương lái cho biết, tỷ lệ gạo thu hồi sau xay xát của lúa vụ thu đông đạt thấp, nên buộc phải giảm giá thu mua lúa xuống so với hồi đầu vụ dù đầu ra xuất khẩu gạo đang có nhiều khởi sắc so với những tháng đầu năm.

Giá lúa hàng hóa giảm nhưng gần đây nhiều diện tích sản xuất lúa giống của nông dân trong vụ thu đông này vẫn có giá bán ổn định do được các đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng bao tiêu từ trước. Tuy nhiên, thu nhập của nông dân cũng giảm do năng suất lúa giảm. Ông Nguyễn Văn Tuấn ngụ phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: "Vụ này, 5 ha lúa của tôi đều sản xuất giống Jasmine 85 theo đơn đặt hàng của 1 đơn vị tại quận với giá bao tiêu lúa tươi ở mức 5.500 đồng/kg. Nhưng vì năng suất lúa chỉ đạt khoảng 900kg lúa tươi /công (công tầm lớn 1.300m2), giảm khoảng 100 kg/công so cùng kỳ năm rồi nên tôi ước tính lợi nhuận trong vụ này chỉ đạt hơn 2 triệu đồng/công, giảm hơn 500.000 đồng/công".

Cần có các hỗ trợ cho nông dân

Theo đánh giá của nông dân và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ, năng suất của nhiều trà lúa thu đông 2016 được thu hoạch vừa qua đạt thấp so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều nguyên nhân khách quan và cả một số nguyên nhân chủ quan. Đáng chú ý là mùa lũ năm 2015 nước lũ về thấp và đồng ruộng không được bồi bổ một lượng phù sa như các năm trước đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa của cả 2 vụ lúa trước đó chứ không riêng gì vụ thu đông này. Trong khi nông dân lại thâm canh phát triển sản xuất tới 3 vụ lúa/năm. Vụ lúa thu đông này, tình hình thời tiết và sâu bệnh có diễn biến phức tạp, nhất là bệnh đạo ôn và cháy bìa lá xuất hiện trong giai đoạn từ làm đòng đến chín khiến nhiều trà lúa có tỷ lệ lem lép hạt cao. Ngoài ra, dù được ngành nông nghiệp tích cực khuyến cáo nhưng không ít nông dân vẫn còn giữ thói quen sạ dày, bón thừa phân đạm và sử dụng các loại thuốc bảo vệ chưa đúng cách đã ít nhiều gây ảnh hưởng xấu cho sự phát triển của cây lúa và tạo môi trường thuận lợi cho các loại dịch bệnh tấn công.

Vụ sản xuất lúa thu đông 2016, TP Cần Thơ đã xuống giống hơn 75.460 ha. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến ngày 6-9-2016, nông dân đã thu hoạch được trên 16.000 ha, năng suất bình quân gần 4,9 tấn/ha, thấp hơn khoảng 300 kg/ha so cùng kỳ năm trước. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Sở đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc sở và các địa phương tiếp tục quan tâm hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa tốt, kiểm tra gia cố lại hệ thống các đê bao, bờ bao và chủ động các phương tiện để cần thiết có thể bơm tát tập thể. Tích cực hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa kịp thời, tránh lúa chín để lâu trên đồng bị ảnh hương chất lượng và thất thoát nhiều. Mặt khác, phối hợp các đơn vị liên quan và các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp trong các mô hình "cánh đồng lớn" để nhắc nhở các bên thực hiện tốt hợp đồng đã ký, tạo thuận lợi đầu ra sản phẩm cho nông dân".

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, năm nay mực nước lũ thấp hơn trung bình nhiều năm trước nhưng có khả năng cao hơn năm 2015 và có những diễn biến phức tạp. Do vậy, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng khuyến cáo nông dân cảnh giác với tình hình mưa lũ, nhất là các trà lúa thu đông muộn. Ngay sau thu hoạch, nông dân cần chủ động vệ sinh đồng ruộng ngay để đưa nước lũ vào ruộng nhằm bồi bổ phù sa và tiêu diệt các mầm sâu bệnh cũng như giúp đồng ruộng phân hủy các chất hữu cơ trước khi bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2016-2017. Các cấp chính quyền và nông dân ở địa phương cần quan tâm rà soát, chuẩn bị tốt các nguồn lúa giống đảm bảo chất lượng cho vụ sản xuất tới. Từ thực tế vụ lúa thu đông 2016, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của thành phố và Trung ương cần nghiên cứu, đánh giá để có các khuyến cáo và hỗ trợ nông dân sản xuất lúa đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, đòi hỏi ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ lúa kịp thời nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất như ở mức hiện tại, tránh bị sụt giảm thêm.

Theo Khánh Trung/báo Cần Thơ

 Tags: thu hoạch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập377
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại864,133
  • Tổng lượt truy cập92,037,862
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây