Những tín hiệu tích cực
Theo Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh, trong năm 2017 này, đơn vị sẽ tổ chức mở 314 lớp tập huấn cho nông dân nằm trong vùng dự án VnSAT tỉnh về các giải pháp canh tác lúa theo hướng hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào mô hình canh tác theo hướng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Hai đơn vị phụ trách chính về công tác tập huấn là Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh. Từ đầu năm đến nay, hai đơn vị này đã mở tổng số 33 lớp tập huấn về hai mô hình trên cho nông dân và qua mỗi lớp tập huấn, bà con đều đánh giá cao tín hiệu quả khi áp dụng những kiến thức từ lớp tập huấn vào trong đồng ruộng của gia đình.
Điển hình là tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Danh Tiến, ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Sau khi được Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh chọn nằm trong vùng dự án và mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ trong canh tác lúa cho các thành viên, Ban giám đốc HTX đã dành 15ha trong tổng số 70ha đất ruộng của HTX để thực hiện thí điểm mô hình sử dụng máy cấy lúa. Mục đích là để nông dân vừa học lý thuyết vừa áp dụng thực tế trên đồng ruộng để so sánh tín hiệu quả khi áp dụng mô hình so với ruộng đối chứng.
Ông Trần Hoàng Nho, Giám đốc HTX Danh Tiến, cho biết: “Lúa cấy bằng máy giúp nông dân giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lúa cấy tuy lúc này chưa thu hoạch nhưng khả năng sẽ cao hơn sạ thường. Chính vì vậy mà mô hình sử dụng máy cấy lúa dù mới áp dụng lần đầu nhưng nhiều bà con xã viên cảm thấy thích thú và muốn áp dụng tại ruộng của gia đình mình trong vụ lúa Đông xuân tới”.
Theo đó, ruộng áp dụng mô hình máy cấy lúa tại HTX Danh Tiến đã giảm phân nửa lượng lúa giống khi chỉ tốn 10kg lúa giống/công (1.300m2), đồng thời giảm 3 lần phun thuốc và 2 lần bón phân so với ruộng đối chứng. Ngoài giảm các yếu tố trên, mô hình sử dụng máy cấy còn giúp nông dân nhẹ công giặm do lúa trước khi cấy bà con đã gieo mạ được khoảng 7-8 ngày nên cây lúa đã lớn, nếu có gặp mưa cũng không lo ngại việc lúa bị chết như sạ lan. Mặt khác, lúa cấy hôm trước thì hôm sau có thể cho nước vào bình thường nên không phải tốn tiền mua thuốc xịt diệt ốc bươu vàng, diệt mầm cỏ dại, cũng như đỡ lo lúa cỏ lên sau này.
Ông Lê Hữu Tính, thành viên HTX Danh Tiến, chia sẻ: “Tôi khoái cái là đã giảm được nhiều khâu thì đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất nhưng năng suất lúa thì từ bằng đến cao hơn so với ruộng đối chứng, từ đó khi thu hoạch thì cầm chắc là có lời. Đây thật sự là cách làm hiệu quả cho nông dân”.
Ngoài áp dụng mô hình máy cấy lúa, trong vụ lúa Thu đông này, bà con tại HTX Danh Tiến còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn nhiều kiến thức trong sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, đồng thời hướng dẫn thói quen ghi chép sổ sách để sắp tới đây vào chuỗi liên kết sản xuất. Sang vụ lúa Đông xuân tới, bà con nơi đây sẽ được tập huấn nâng cao hơn theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, đây sẽ là những kiến thức quý nhằm giúp nông dân canh tác lúa theo hướng an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nếu như bà con tại HTX Danh Tiến đang thành công với mô hình máy cấy thì nông dân nằm trong vùng dự án VnSAT tại ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cũng đang thích thú với cách làm giảm lượng lúa giống là áp dụng mô hình sạ thưa. Là một trong những hộ tham gia lớp tập huấn của dự án VnSAT nơi đây, ông Nguyễn Văn Dũng thông tin: “Trước giờ tôi thường sạ 20kg lúa giống/công, nhưng khi tham gia lớp tập huấn, thấy ruộng áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” chỉ sạ 10kg/công. Lúc đầu tôi cũng như nhiều bà con nơi đây lo lắng về tính khả thi, nhưng qua quá trình tập huấn, được trau dồi kiến thức mới trong canh tác lúa và theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa trong mô hình cho đến ngày gần thu hoạch như hiện nay thì thấy ruộng sạ thưa đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực so với canh tác truyền thống. Đặc biệt là chi phí đầu tư giảm đi rất nhiều”.
Hiện nay, tuy lúa tại cánh đồng VnSAT ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông chưa thu hoạch nhưng theo đánh giá của bà con, ruộng lúa trong mô hình do được áp dụng tốt các quy trình canh tác lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng” từ cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật truyền đạt thì ước năng suất lúa tới đây đạt khoảng 600kg/công, trong khi ruộng đối chứng khoảng 550kg/công, nhưng chi phí đầu tư gần gấp đôi.
Tiếp tục nhân rộng
Từ những hiệu quả thiết thực mang lại của các lớp tập huấn về “3 giảm, 3 tăng” và giới thiệu mô hình theo chương trình của dự án VnSAT tỉnh trong thời gian qua, tới đây, Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh tiếp tục mở thêm nhiều lớp tập huấn như vậy cho nông dân trong vùng dự án VnSAT. Cụ thể, trong vụ lúa Đông xuân 2017-2018 tới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ mở dứt điểm 75 lớp tập huấn còn lại để đạt kế hoạch của năm 2017; đồng thời mở thêm 5 lớp tập huấn kỹ thuật nhân lúa giống cấp xác nhận và thực hiện 9 điểm trình diễn. Đối với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ mở thêm 206 lớp tập huấn “3 giảm, 3 tăng” theo địa bàn được phân công nằm trong vùng dự án VnSAT.
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho hay: Hiện đơn vị đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo về mặt giảng viên để sẵn sàng khai giảng các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa cho nông dân trong vùng dự án VnSAT của tỉnh. Thời gian qua, hoạt động này của đơn vị gặp nhiều thuận lợi khi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Ban Quản lý VnSAT tỉnh về nghiệp vụ và kinh phí; đồng thời sự giúp đỡ nhiệt tình từ các cơ quan liên quan của huyện, thị xã nên giúp cho công tác tập huấn của đơn vị đạt được đúng mục tiêu và tiến độ đề ra.
Hiện nay, ngoài kế hoạch tiếp tục mở rộng lớp tập huấn, hiện các tổ chức nông dân sau khi tham gia lớp tập huấn và thấy được hiệu quả mô hình nên cũng có ý định nhân rộng thêm diện tích áp dụng. Ông Trần Hoàng Nho, Giám đốc HTX Danh Tiến, cho biết thêm: “Sau khi bà con xã viên của HTX được tận mắt thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình sử dụng máy cấy lúa trong vụ Thu đông này nên vụ lúa Đông xuân tới, dự kiến HTX Danh Tiến sẽ nâng diện tích áp dụng mô hình này từ 15ha lên 30ha”.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh, nhằm từng bước giúp nông dân sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao và bền vững như mục tiêu mà chương trình VnSAT muốn hướng tới, thời gian qua, ban quản lý dự án đã và đang tập trung tổ chức tập huấn đào tạo cho nông dân về kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; rà soát lại trình độ của nông dân để có phương án tập huấn và đào tạo tốt hơn. Bên cạnh đó, dự án còn đang tác động đến chính quyền địa phương, nhóm nông dân để bà con áp dụng triệt để kỹ thuật canh tác này, trong đó, chú trọng đến liên kết theo nhóm nông dân, theo vùng sản xuất, từ đó nâng chất và hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời có kế hoạch hỗ trợ trang thiết bị cần thiết nhằm hoàn thiện kỹ thuật canh tác, nâng cao giá trị sản phẩm, chuỗi giá trị lúa gạo. Chẳng hạn như hỗ trợ trang bị máy làm đất, đầu tư trạm bơm điện, máy gặt đập liên hợp, kho chứa lúa gạo, lò sấy lúa…
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Ban Quản lý VnSAT tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của hai đơn vị là Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt trong việc đẩy mạnh thực hiện công tác tập huấn nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác lúa cho nông dân vùng dự án VnSAT của tỉnh. Tuy nhiên, hiện số lớp chưa tập huấn còn lại từ nay đến cuối năm tương đối nhiều nên đề nghị hai đơn vị tiếp tục có kế hoạch, tính toán phù hợp nhằm đảm bảo đạt số lượng đã đề ra. Thế nhưng, không vì chạy theo số lượng mà làm qua loa, các lớp tập huấn phải đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị phục vụ tập huấn và giảng viên phải truyền đạt đầy đủ các kiến thức cho nông dân nắm bắt và áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả…
Nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới thì một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện dự án VnSAT để tổ chức lại sản xuất. Trong đó, sẽ định hướng hình thành các vùng liên kết sản xuất từ 500ha khép kín, hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã và đầu tư kho chứa, lò sấy, cơ sở hạ tầng,... nhằm góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời tổ chức tập huấn hỗ trợ cho nông dân trong vùng liên kết hiểu biết luật pháp về hợp đồng kinh tế để thực hiện tốt hơn khi đã ký kết, tạo đầu ra ổn định. |
Nguồn: Báo Hậu Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;