Học tập đạo đức HCM

“Trái đắng” từ việc nuôi cá lóc tự phát

Thứ bảy - 31/12/2016 05:16
Thời gian gần đây, tình trạng giá cá lóc giảm mạnh đã trở thành nổi ám ảnh với nhiều nông dân nuôi cá ở huyện Hồng Ngự. Việc nuôi cá lóc tự phát không đem lại kết quả “viên mãn” như người dân mong đợi mà trái lại cảnh thua lỗ, nợ nần lên tới con số tỷ đồng không phải là trường hợp hiếm gặp.

Lỗ tiền tỷ...

Trở lại tuyến kênh Trung Tâm xã Thường Thới Tiền và tuyến tỉnh lộ 841 (huyện Hồng Ngự) - nơi từng là “điểm nóng” trong phong trào nuôi cá lóc tự phát của huyện Hồng Ngự vào những ngày này, không khí người người nuôi cá, nhà nhà nuôi cá đã không còn, thay vào đó là không khí yên ắng đến nao lòng. Những ao cá mà cách đây 6 tháng, nhiều hộ dân đầu tư tiền tỷ để mua đất, thuê máy đào san ủi, giờ đã trở thành những cái ao trống không, nằm phơi đáy.

Theo ghi nhận của địa phương, hiện tại có hơn nửa số ao nuôi cá lóc ở huyện Hồng Ngự đã tạm thời ngừng hoạt động. Sau cơn sốt giá đỉnh điểm vào những tháng mùa khô, bắt đầu cuối tháng 6 cho đến thời điểm hiện tại, giá cá lóc liên tục giảm mạnh (đỉnh điểm đầu năm 2016, cá lóc có giá 43.000 đồng/kg, nhưng hiện nay cá chỉ còn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg). Với nhiều hộ nuôi lâu năm thì “cơn biến động” vẫn còn có cơ hội để cầm cự vì có lãi ở những mùa trước, nhưng “thắt lòng” nhất là những hộ chỉ mới bắt đầu nuôi cá lóc mùa đầu tiên. Thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, nguồn nước bị ô nhiễm, diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông dân vỡ nợ vì nuôi cá lóc.

Hơn 2 năm gắn bó với con cá lóc, nhưng ông Nguyễn Văn Út ngụ ấp Trung 1, xã Thường Thới Tiền chỉ lãi duy nhất một lần sau vụ mùa bền bỉ theo nghề. Lần thua lỗ nặng nhất là cách đây khoảng hơn 1 tuần, khi bỗng dưng sau 1 đêm, 2 ao cá nhà ông Út trở bệnh, cá lóc bắt đầu chết lai rai, buộc ông Út phải thu hoạch sớm.

Ông Út ngậm ngùi: “Mấy tháng qua, cá lóc giảm giá liên tục khiến cho cả nhà ai nấy đều thấp thỏm không yên nhưng tôi cũng tự trấn an bản thân và hi vọng tới ngày thu hoạch, giá cá lóc sẽ khả quan hơn. Nào ngờ còn khoảng 20 ngày nữa tới ngày thu hoạch thì cả 2 hầm cá đều bị sự cố. Do bơm phải nước thuốc trừ sâu từ ruộng lúa thải ra kênh Trung Tâm nên cá bị chết đột ngột. Vì cá chưa tới lứa và bị sự cố nên giá bán chỉ có 18.500 đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất đã 32 ngàn đồng, thu hoạch hơn 65 tấn cá lóc, tôi bị lỗ vốn gần 1 tỷ đồng. Cứ ngỡ là trả được nợ mấy mùa trước, ai ngờ nợ chồng thêm nợ”.

Theo ghi nhận, chỉ có số ít hộ nuôi cá lóc ở huyện Hồng Ngự là có tiềm lực về kinh tế, còn phần lớn là nông dân không có vốn để đầu tư, đa phần là những hộ trước đây trồng lúa sau khi thấy nghề nuôi cá lóc phát triển nên bắt đầu chuyển đổi ngành nghề. Do không có nhiều vốn, nhiều nông dân ở địa phương đã cầm cố đất để nuôi cá lóc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Hoàng ngụ ấp Trung 2, xã Thường Thới Tiền chua xót: “Gia đình có 9 công đất nhưng giờ đã cầm cố trong ngân hàng để có tiền nuôi cá lóc. Thấy người ta nuôi có lời nên vụ này tôi cũng “liều một phen”. Giờ ao cá hơn 3 tháng nhưng đang có dấu hiệu bị dịch bệnh. Mấy ngày nay, nhiều hầm cá ở đây bị “bể” (bị dịch bệnh) nên nguồn nước dưới kênh bị ô nhiễm nặng. Dù đã cố gắng xử lý thuốc rất nhiều nhưng cá lóc vẫn không khỏe. Hiện tại, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào ao cá lóc này, nếu mùa này không suôn sẻ thì chắc 9 công đất này cũng sẽ không còn...”.

70% diện tích treo ao

Trao đổi với ông Phạm Thành Nhi - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Ngự về vấn đề này, ông Nhi cho biết: “Diện tích nuôi cá lóc phát triển ồ ạt theo giá, không theo quy hoạch. Mặc dù địa phương đã cảnh báo về các hệ lụy do việc phát triển ồ ạt nghề nuôi cá lóc, thế nhưng người dân vẫn bất chấp nuôi vì hiệu quả trước mắt. Và thực tế đã chứng minh sự cảnh báo này là đúng. Do phát triển ngoài quy hoạch trong vùng trồng lúa, không có quy trình xử lý nước thải hợp lý, dẫn đến tình trạng khi một ao nuôi ở khu vực đầu nguồn bị nhiễm bệnh xả nước thì hầu như các ao cuối nguồn đều bị nhiễm bệnh theo.

Thống kê trong 3 tháng gần đây trên địa bàn huyện đã có hơn 11,98ha cá nhiễm bệnh và chết. Những diện tích cá chết có thời gian thả nuôi trên 2 tháng tuổi trở lên với các biểu hiện như cá bơi lờ đờ, rớt đáy và chết hàng loạt trong ao. Trước tình hình trên, địa phương tiến hành lấy mẫu tìm hiểu nguyên nhân cá chết, đồng thời trước mắt phối hợp với UBND các xã mời các hộ nuôi thống nhất lịch xả nước đồng bộ nhằm tránh tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến cáo đối với những hộ nuôi cá hạn chế sử dụng thuốc mà chuyển sang sử dụng than hoạt chất để lắng lọc đáy ao, hạn chế mùi hôi ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.

Về nguyên nhân khiến giá cá sụt giảm thê thảm như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng do thị trường cá lóc thương phẩm đã bảo hòa, các thị trường truyền thống như Thái Lan, Lào, Campuchia ngày càng khó khăn hơn. Hiện lượng cá lóc thương phẩm chủ yếu chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước dẫn tới sản lượng cá tiêu thụ bị sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó, theo nhiều người dân, giá cá sụt giảm như hiện nay cũng một phần do tình hình hạn hán ở các tỉnh ven biển đã hết, diện tích nuôi cá lóc tăng trở lại, đẩy sản lượng cá lóc lên cao. Cung vượt cầu làm cho giá cá lóc tụt giảm không phanh như hiện nay.

Với việc giá cá lóc rơi xuống đáy, nhiều hộ dân lâm cảnh trong nợ nần. Tình trạng treo ao cũng vì đó mà ngày một tăng dần, thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, hiện nay trong tổng số 45ha diện tích nuôi cá lóc thì đã có khoảng 70% treo ao, số diện tích nuôi còn lại chỉ cầm cự chờ giá.

Theo ông Phạm Thành Nhi: Việc cá xuống giá không phanh và tình trạng dịch bệnh diễn ra như hiện nay không phải là chuyện bất ngờ. Bởi khi phong trào nuôi cá bắt đầu ồ ạt, địa phương đã có cảnh báo, khi không ít người nhận định nuôi cá lóc cũng như trò đánh bạc, người được thì ít mà người mất thì nhiều. Thế nhưng vì tính hiệu quả trước mắt của nó mà dẫn đến tình trạng người dân tự “mua dây buộc mình” như hiện nay. Xét về góc độ sinh kế, người dân muốn chuyển đổi sản xuất cũng chỉ để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình, nên trước mắt địa phương khuyến cáo đối với những hộ có điều kiện, nếu muốn tiếp tục nuôi phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải hợp lý, những diện tích nuôi nhỏ lẻ nên chuyển đổi sang nuôi các loại cá khác phù hợp.

Về lâu dài, nếu thấy đây là loại vật nuôi hiệu quả, địa phương sẽ đưa cá lóc vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và có hướng quy hoạch phát triển phù hợp... Đặc biệt, trong tất cả các giải pháp đưa ra, địa phương vẫn nhấn mạnh vấn đề quan trọng là người dân trên địa bàn khi phát triển kinh tế theo một mô hình nào đó cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng đến vấn đề quy hoạch, thị trường, đầu ra cho sản phẩm, tránh lặp lại tình trạng “ngậm trái đắng” như hiện nay mà thiệt hại hơn ai hết là chính bản thân người nông dân...

Cách đây gần 6 tháng, Báo Đồng Tháp đã phản ánh tình trạng hàng trăm nông dân xã Thường Thới Tiền và xã Phú Thuận (huyện Hồng Ngự) ồ ạt đào đất ruộng để nuôi cá lóc thương phẩm, mong làm giàu. Và nay, thị trường cá lóc bị ứ đọng, giá cá lao dốc không phanh dẫn đến hàng trăm hộ dân lâm nợ... Còn nhớ cách đây vài năm, tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với cây xoài, ớt, chanh khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn. Xâu chuỗi những vấn đề này lại với nhau sẽ thấy rằng, việc tìm kiếm mô hình mới để nâng cao hiệu quả kinh tế là một hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, xác định cây trồng vật nuôi như thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế là vấn đề người nông dân cần suy nghĩ kỹ lưỡng, tránh tình trạng phát triển theo phong trào dẫn đến tình cảnh khó khăn.

 

Nguồn: baodongthap.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập236
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại272,161
  • Tổng lượt truy cập92,649,825
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây