Mở hướng làm giàu
Trước đây, cả gia đình ông Nguyễn Văn Vệ Bản Bon 4, xã Minh Tân (Bảo Yên, Lào Cai) trông vào 3 sào lúa, hàng tháng được nhận thêm vài trăm ngàn tiền trông coi, chăm sóc từ khoán rừng. Ông Vệ kể: “Lúc đó, gỗ trong rừng đối với người dân chỉ có giá trị như củi, tiền công thì thấp trong khi trông nom, chăm sóc lại vất vả, mất nhiều công sức bởi diện tích rừng rộng, chưa kể, nạn chặt, phá và phát ven lấn đất rừng… Nhiều khi, tôi đã tính trả lại rừng để tìm hướng làm ăn khác”.
Bắt đầu, từ năm 2014, huyện Bảo Yên có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp; khuyến khích người dân làm kinh tế rừng. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên là một trong những đơn vị mạnh dạn đầu tư gắn phát triển rừng với sản xuất. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Lào Cai được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, được cấp chứng chỉ FSC đầu tiên của các tỉnh miền núi phía Bắc trên diện tích 5.730ha theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế.
Công ty đã liên kết với người dân cùng trồng rừng, cung ứng toàn bộ: cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Người dân chỉ phải bỏ công lao động. Cứ mỗi ha rừng được qui định sản lượng là 70m3 khi thu hoạch lợi nhuận được chia đôi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Vệ là một trong những hộ liên kết với công ty trên diện tích 12,8ha rừng năm 2014, trồng Bồ đề, Keo, Mỡ chu kỳ 4 năm được thu hoạch một lần. Ông Vệ chia sẻ: “Trong những năm đầu, để lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi trồng xen canh ngô, sắn. Từ năm thứ 4, rừng bắt đầu cho thu hoạch, mỗi ha bán được 40 triệu đồng. Thu hoạch rải rác mỗi năm vài ha cũng mang đến hàng trăm triệu đồng”.
Đến nay, diện tích rừng nhà ông Vệ lên tới 30ha. Rừng đã khép tán, chất lượng sinh trưởng của rừng đảm bảo. Ông Vệ dự kiến 2 năm nữa sản lượng khai thác bình quân đạt gần 900m3 gỗ/ha. Sau khi tính tỷ lệ % với công ty dự kiến gia đình anh thu về gần 500 triệu đồng.
Ông Lưu Xuân Bách, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên cho biết: “Việc liên kết trồng rừng không chỉ tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho bà con, mà còn giảm bớt gánh nặng về công tác bảo vệ rừng và mang lại nguồn nguyên liệu ổn định để công ty sản xuất viên nén mùn cưa, gỗ xẻ xuất khẩu. Nguồn gốc giống theo đúng qui chuẩn nên đảm bảo sản lượng. Bên cạnh đó, công ty quản lý bằng công nghệ định vị GPS nên diện tích rừng trồng chuẩn. Bà con nông dân được tư vấn về kỹ thuật từ khâu bỏ phân, chăm sóc đúng định kỳ nên sản lượng tăng so với người dân tự trồng từ 10-20%/ha. Hiện, đang có khoảng hơn 1.000 hộ dân thuộc 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện liên kết với công ty (700 hộ liên kết trồng rừng, 300 hộ liên kết bảo vệ rừng). Mỗi hộ trung bình 2ha. Công ty cam kết ngay từ khi ký hợp đồng trồng rừng sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm tính theo giá thị trường tại thời điểm”.
Phong trào trồng rừng phát triển mạnh
Những năm gần đây, huyện Bảo Yên liên tục có những kết quả ấn tượng khi liên tiếp vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao trồng rừng như năm 2017 huyện được giao trồng mới 2.150 ha rừng, đã trồng được 2.770 ha (vượt gần 29% kế hoạch). Năm 2018, chỉ tiêu của huyện là 1.650 ha, đến nay đã trồng được khoảng 1.400 ha (đạt gần 90% kế hoạch, dự kiến sẽ vượt kế hoạch được giao).
Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: “Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết và xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, huyện đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích người dân trồng rừng: Hộ gia đình có diện tích đất từ 0,3 ha trở lên, liền kề nhau vẫn được nhận hỗ trợ từ 3 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng tùy theo vùng trên những diện tích rừng trống. Ngoài ra, huyện cũng giao cho các đơn vị như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên, Hạt kiểm lâm đứng ra tín chấp với các đơn vị cung ứng giống, phân bón giúp những hộ khó khăn có nguồn lực để sớm triển khai trồng rừng. Đặc biệt, huyện đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất. Trên địa bàn huyện hiện có 42 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản bao tiêu sản phẩm của bà con để có vùng nguyên liệu ổn định”.
Chính nhờ sự liên kết chặt chẽ này mà giá của lâm sản trên địa bàn huyện Bảo Yên từ năm 2012 đến nay tăng gấp khoảng 1,5 lần. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các cơ sở chế biến như: gỗ dán, gỗ bóc, ván ép, ván ghép thanh… được xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Riêng cây gióng cung ứng hơn 1.000 tấn/năm cho các doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu.
Ông Hà Quang Kim, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: “Để thực hiện chủ trương hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư, ngoài cung ứng giống, phân bón, Hạt Kiểm lâm huyện đã quyết liệt tuyên truyền vận động đến từng thôn bản, từng hộ dân nhằm nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế rừng. Năm 2018, Hạt cũng tham mưu cho Chính quyền huyện liên kết với các trường CĐ, Trung cấp Nông-lâm tổ chức những khóa học bài bản về kỹ thuật ngành nông lâm nghiệp mà đối tượng là chính các chủ rừng đang liên kết, thụ hưởng chính sách khuyến khích trồng rừng với số lượng lên đến 240 học viên”.
Sự phát triển không ngừng của nghề rừng tại địa phương đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển rừng bền vững, xóa đói giảm nghèo, ổn định cơ cấu cây trồng… tạo nền móng vững chắc để xây dựng nông thôn mới.
Kinh tế nông thôn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã