Học tập đạo đức HCM

'Bắt mạch' ngành chăn nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long

Chủ nhật - 28/05/2017 11:34
Việc “giải cứu” nông sản có thể giúp người dân vượt qua lúc ngặt nghèo, nhưng không thể duy trì mãi một nền nông nghiệp mà người sản xuất luôn đứng ở tình trạng bấp bênh về đầu ra của nông sản.
Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng cần phải “xem mạch” để bốc đúng thuốc cho căn bệnh trầm kha về giá cả đầu ra của nông sản Việt, trong đó có ĐBSCL - một trong những vùng sản xuất lớn của cả nước.

Cần tổ chức lại hoạt động chăn nuôi theo hướng bền vững.
 
Điệp khúc “giải cứu”


Từ đầu năm nay, heo thịt đã ùn ứ khắp ĐBSCL do cung vượt cầu và do ngành chăn nuôi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài.


Cũng chính vì việc chỉ phụ thuộc vào một thị trường chính nên không chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ lao đao mà cả những “đại gia” nuôi heo trang trại, áp dụng kỹ thuật cao cũng điêu đứng. Nhiều chủ trang trại nuôi heo ở ĐBSCL cho biết, chỉ cần thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” là giá heo thịt trong nước chao đảo. Dù rằng ngay cả heo được nuôi theo quy trình kỹ thuật cao, chất lượng đảm bảo nhưng các doanh nghiệp chế biến, cung cấp heo sạch trong nước cũng không “giải cứu” gì được vì họ đã có lượng hàng ổn định, nguồn cung theo chuỗi cung ứng nên không thể tiếp nhận hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi.


Một bài học diễn ra nhiều năm nay đối với nông dân nhưng vẫn không khắc phục được chính là vòng luẩn quẩn về giá và sản lượng. Sau mỗi đợt heo cũng như các sản phẩm nông sản khác “dội chợ” thì mùa kế tiếp sẽ có nhiều người bỏ nuôi heo để tìm phương kế mới. Điều này dẫn đến sản lượng thiếu hụt, thương lái săn đón, đẩy giá lên cao. Thấy giá tăng, người nuôi lại đổ xô tăng đàn khiến sản lượng tăng cao và lặp lại việc bị ép giá... Chỉ người chăn nuôi là bị thiệt thòi.


Về vấn đề này, ông Quách Văn Tây - Chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng cho rằng, thương lái nắm bắt rất rõ lượng heo nuôi để làm giá và chèn ép người nuôi, trong khi ngành chức năng gần như chỉ có thể đưa ra những khuyến cáo đối với người nuôi chứ không thể can thiệp vào thị trường và thương lái chính là đối tượng thao túng hoàn toàn thị trường chăn nuôi. Giá heo thịt giảm mạnh, người nuôi thua lỗ, nhiều người sẽ treo chuồng. Điều này có thể dẫn đến chu kỳ sau thị trường sẽ khan hiếm, giá heo sẽ lại biến động. Nếu không có giải pháp căn cơ ở tầm vĩ mô, cân đối cung cầu, vòng tròn luẩn quẩn trên sẽ tái diễn...


Các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, nông dân cần sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất theo hợp đồng hay “liên kết 4 nhà” để đảm bảo đầu ra của nông sản. Ở một số nơi, một số địa phương, nông dân đã bắt đầu liên kết với doanh nghiệp lớn sản xuất theo quy trình và yêu cầu của nhà nhập khẩu, nhưng nhìn chung đây cũng chỉ là những “mô hình” chứ đại đa số nông dân miền Tây hiện nay vẫn sản xuất, chăn nuôi theo kiểu may rủi với thị trường. Hầu hết nông dân vẫn “tự bơi” theo thị trường mà không nắm bắt được thông tin cũng như dự báo, khuyến cáo của các cơ quan có trách nhiệm.


Dù muốn dù không, người sản xuất cũng như nhà quản lý phải chấp nhận quy luật cung cầu nên không thể hát mãi điệp khúc “giải cứu” cũng như sử dụng các biện pháp hành chính hoặc những giải pháp mang tính tình cảm để can thiệp vào quy luật thị trường, và càng không có việc cơ quan chức năng vẫn cứ chạy theo đuôi các sự việc để giải quyết những “tình huống thị trường”. Không chỉ một con heo mà bất cứ một sản phẩm nông sản nào khi ra đến thị trường cũng đều có quy trình sản xuất của nó và quy trình này phải được tính toán cẩn thận ngay từ đầu. Vì vậy, để “bốc thuốc cho đúng bệnh” đòi hỏi phải có những tính toán chiến lược, thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản. 

Không thể hát mãi điệp khúc "giải cứu".
 
Cần tổ chức lại sản xuất và mở rộng thị trường
 
Nhiều chuyên gia về nông nghiệp khu vực ĐBSCL đã thống nhất quan điểm cần phải tổ chức phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu được quy hoạch. Phải liên kết được các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã kiểu mới để xóa bỏ sản xuất manh mún, đưa công nghệ sản xuất hiện đại, ký kết hợp tác với doanh nghiệp chế biến, nhà bán lẻ, nhà xuất khẩu. Trong đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý chính là cảnh báo thông tin thị trường kịp thời cho người dân một cách chính xác, cụ thể hơn trong từng thời điểm cũng như đưa ra được những khuyến cáo, điều tiết sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
 
Riêng về đầu ra sản phẩm, nông dân không thể tiếp tục “đánh cược” với thị trường như lâu nay được. Xuất khẩu thanh long ở Tiền Giang là một ví dụ cho việc tìm đầu ra an toàn cho sản phẩm. Nhiều chủ vựa thanh long ở Tiền Giang đã thương thảo và đạt được những thỏa thuận rất an toàn. Theo đó, họ kí hợp đồng với bên nhận hàng và nhận luôn tiền từ trước, sau đó 4 tháng mới giao hàng. Trong thời gian này các chủ vựa mới hợp đồng với nông dân để bắt đầu chong đèn cho thanh long ra quả, đúng tiến độ cũng như quy chuẩn về sản phẩm. Cách làm này đang mang lại hiệu quả rất lớn và an toàn cho cả người sản xuất, chủ vựa cũng như đối tác nhập khẩu thanh long ở thị trường Trung Quốc.
 
Từ nhiều năm qua, Chính phủ đã xác định, xuất khẩu là giải pháp hiệu quả nhất để tránh dư thừa và thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao giá trị cho hàng hóa mà nông dân và doanh nghiệp làm ra, trong đó ngành nông nghiệp và công thương là đơn vị chủ lực trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Trên thực tế, vấn đề tìm thị trường cho nông sản lâu nay chủ yếu vẫn đang trút gánh nặng cho ngành nông nghiệp, trong khi lẽ ra vai trò chính của ngành nông nghiệp là điều tiết về sản xuất, còn tìm thị trường tiêu thụ phải do ngành công thương chủ trì thông qua các hoạt động khai thác thị trường, xúc tiến thương mại để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp.
 
Chính vì việc cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện hết vai trò, chức năng của mình nên nông dân vẫn đang phải tự “bơi” trên thị trường, từ xác định trồng cây gì, nuôi con gì đến bán ở đâu, cho ai... mà chưa nhận được những định hướng cụ thể, sát với nhu cầu thị trường từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Chưa kể hàng ngàn sản phẩm nông nghiệp khác do chính nông dân, doanh nghiệp Việt Nam làm ra đã có mặt ở ít nhất 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 
 
Nhưng đầu ra cho các sản phẩm nông sản Việt Nam hiện nay vẫn cứ phập phù, may rủi. Thị trường nội địa thì thừa, thị trường xuất khẩu lại thiếu. Nông dân thì không đủ năng lực để đưa sản phẩm của mình xuất ngoại, còn doanh nghiệp xuất khẩu lại liên tục gặp rủi ro về hàng rào kỹ thuật, các lệnh kiểm dịch, thuế chống bán phá giá, chi phí vận chuyển quá cao, không vay được vốn ưu đãi...
 
Riêng về tổ chức sản xuất theo chuỗi, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi ở ĐBSCL cần phát triển chăn nuôi trên cơ sở đặc thù của vùng, miền. Trong đó không thể áp dụng một cách máy móc quy trình chăn nuôi theo chuỗi khép kín của một “ông chủ” như các nước đang làm, mà chính quyền các địa phương nên tập hợp các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm chung tay, góp sức xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi dựa trên điều kiện cơ chế, vốn, chính sách đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như văn hóa vùng miền. Đó là cơ chế góp vốn, góp kỹ thuật, chia lợi nhuận... xuyên suốt các khâu trong hợp tác sản xuất. Chuỗi sản xuất ở ĐBSCL phải là chuỗi sản xuất có nhiều nhiều chủ sở hữu để huy động và tập hợp các nguồn lực nhỏ lẻ trong nền nông nghiệp hiện nay.
 
Và một vấn đề mấu chốt khác là phải xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản để nông dân yên tâm làm giàu, doanh nghiệp có thể vững tin đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời phải kiểm soát tốt quy hoạch, kiểm soát chi phí đầu vào, điều tiết nguồn cung chứ không thể đứng nhìn tình trạng phá vỡ quy hoạch một cách bất lực rồi tự bơi trên thị trường hoặc kêu gọi giải cứu như hiện nay.

Bà Phan Thị Liên, Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và chiến lược: 
Xây dựng vùng chăn nuôi tập trung

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn nước ngoài. Chính vì vậy, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung. Xây dựng các khu/cụm gia trại, trang trại chăn nuôi xa khu dân cư. Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào các cụm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi. Quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, quy hoạch các nhà máy thức ăn chăn nuôi công nghiệp gắn với các vùng sản xuất trọng điểm. Chính phủ cũng nên đưa ra các gói hỗ trợ về tài chính để hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi. Thúc đẩy mối liên kết giữa “ngân hàng - công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi - nông dân chăn nuôi”. Cần có chính sách tín dụng linh hoạt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi dễ tiếp cận. Xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt để hình thành một số tập đoàn thức ăn chăn nuôi trong nước. Nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng ở các thành phố lớn và các vùng nông thôn. Hỗ trợ doanh nghiệp/HTX xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, kịp thời cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp trong nước và hội/trang trại chăn nuôi... 


Bà Nguyễn Phượng Vỹ, Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam: 
Khoa học hỗ trợ chăn nuôi 
Cần xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của ngành chăn nuôi bao gồm những vấn đề như đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ; hệ thống cơ quan nghiên cứu khoa học và các cơ sở thực nghiệm trong chăn nuôi; bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trong ngành chăn nuôi... Trong đó, cùng với việc đào tạo mới đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong ngành chăn nuôi, cần gấp rút mở rộng đào tạo các công nhân lành nghề, các kỹ thuật viên cho các cơ sở sản xuất trong ngành chăn nuôi. Tăng cường và củng cố hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học và các cơ sở thực nghiệm ngành chăn nuôi như Viện Chăn nuôi, Viện Thú y... Tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho người lao động ngành chăn nuôi, phổ biến kỹ thuật, mô hình mới, dạy các kiến thức khoa học, kỹ thuật chăn nuôi cho họ... 


TS Đoàn Xuân Trúc, Hội Chăn nuôi Việt Nam: 
Tái cơ cấu để phát triển 
Cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cân đối lại cơ cấu vật nuôi, phát huy lợi thế từng vùng sinh thái, tăng năng suất vật nuôi, hạ giá thành và tổ chức sản xuất quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ. Nhanh chóng củng cố và làm tốt khâu giống vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi. Trong đó, liên kết chuỗi sản phẩm là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hạn chế nguy cơ dịch bệnh và có điều kiện khi cần vay vốn ngân hàng. Phát triển liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi là giải pháp quan trọng để tổ chức lại sản xuất. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Thực hiện các liên kết này, vai trò của doanh nghiệp luôn giữ vị trí chủ đạo, dẫn dắt các đối tượng tham gia chuỗi, nhà nước cần khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các chính sách cần thiết.
Lê Hiền/Báo Tin Tức
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay40,182
  • Tháng hiện tại1,061,000
  • Tổng lượt truy cập92,234,729
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây