Người dân thu hoạch húng quế về để làm tinh dầu
Thôn Vân Nghệ, xã Mai Động (Kim Động), một thôn nằm biệt lập giữa bãi bồi sông Hồng với tổng diện tích khoảng 4 km2 nên nhiều người gọi là “làng đảo Vân Nghệ”. Thôn Vân Nghệ hiện có 228 hộ dân với trên 1 nghìn nhân khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Cái khó trong sản xuất nông nghiệp của nông dân nơi đây là hệ thống thủy lợi còn nhiều hạn chế, quanh năm chỉ trồng rau màu, tưới tiêu phụ thuộc “ông trời”. Người dân quanh năm vất vả sớm hôm đồng ruộng với cây ngô, cây đỗ… nhưng năm được mùa, năm mất mùa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân làng đảo Vân Nghệ đã năng động bám đất làm giàu. Đến nay, 85% số hộ trong thôn đều có cuộc sống khá giả, đường làng, ngõ xóm 100% được bê tông hóa, cứng hóa. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt từ 25-30 triệu đồng/năm.
Thiên nhiên phú cho làng đảo chất đất phù sa màu mỡ. Trước đây, người dân trong thôn trồng ngô, đỗ và các loại cây rau màu theo mùa. Thời gian gần đây, nhiều người dân đã đưa cây húng quế vào trồng trên đồng đất làng đảo.
Ngay từ vụ đầu tiên cây húng quế đã bộc lộ nhiều ưu điểm phù hợp với đồng đất nơi đây, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao nên được người dân trong thôn nhân rộng. Hiện nay, toàn thôn Vân Nghệ có trên 11ha đất canh tác thì có trên 4ha diện tích trồng cây húng quế.
Khác với nhiều địa phương khác trồng cây húng quế để phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày, những người dân làng đảo Vân Nghệ trồng cây húng quế để sản xuất tinh dầu.
Ông Nguyễn Văn Huynh, trưởng thôn Vân Nghệ cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, một số hộ đem cây húng quế về trồng tại thôn. Sau 1 năm đã cho thu nhập cao. Nhận thấy lợi nhuận từ trồng húng quế đem lại cao hơn nhiều so với trồng truyền thống trước kia nên những năm trở lại đây nông dân trong thôn đã mở rộng diện tích trồng cây húng quế”.
Đến thăm làng đảo những ngày này, chúng tôi được chứng kiến người dân đang hăng say thu hoạch rau húng quế cùng mùi thơm nhẹ bay ra từ những lò chiết xuất tinh dầu.
Hiện có tới 80% số hộ trong thôn trồng loại cây này. Hầu hết các hộ trồng rau húng quế đều đầu tư xây lò chưng cất, chiết xuất tinh dầu trực tiếp cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, để có những ruộng rau húng quế cho sản lượng tinh dầu cao, ngoài việc chú trọng đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, người dân còn đặc biệt quan tâm đến thời điểm “vàng” để thu hoạch.
Theo kinh nghiệm của những người trồng húng quế, 1 sào rau húng quế trung bình sẽ cho thu hoạch trong 6 tháng, với khoảng 6 kg tinh dầu. Để chất lượng tinh dầu đạt hiệu quả cao sau khi chiết xuất thì cần phải chọn đúng thời điểm để thu hoạch, đó là khi ngồng hoa húng quế đạt độ dài tối đa, từ 5 - 7 cm, màu tím đậm và có mùi thơm đặc trưng. Vì chỉ khi ấy, rau húng quế mới có thể cho lượng tinh dầu cao nhất.
Cây húng quế đã giúp cho cuộc sống của người dân thôn Vân Nghệ khấm khá hơn
Ông Phạm Văn Huy, một trong những người đầu tiên đem cây húng quế về trồng tại thôn cho biết: “Ngoài 3 mẫu trồng chuyên canh rau húng quế, gia đình tôi còn tận dụng trồng xen loại cây này dưới tán các loại cây ăn quả khác. So với trồng ngô, đỗ và các loại rau màu khác thì trồng rau húng quế nhàn hơn cả về khâu chăm sóc và thu hoạch. Chi phí trung bình trồng rau húng quế chỉ khoảng 200 nghìn đồng/sào/vụ. Sau khi làm đất và trồng cây giống chỉ mất công chăm sóc trong khoảng 1 tháng đầu. Sau đó, sau mỗi lần cắt hái, chăm sóc thêm để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây tiếp tục phát triển”.
Với giá bán hiện nay khoảng 700 nghìn đồng - 1 triệu đồng/kg tinh dầu húng quế đã mang lại nguồn thu nhập 4 - 5 triệu đồng/sào/vụ. Bên cạnh đó, trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, ngoài thời gian 6 tháng/năm trồng rau húng quế, người dân cũng có thể trồng các loại cây rau màu khác như ngô, đỗ tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Việc trồng và chiết xuất tinh dầu húng quế tại thôn Vân Nghệ hiện nay đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người dân trong thôn. Tuy nhiên, các hộ trồng cây húng quế nơi đây vẫn phải tự tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, giá bán phụ thuộc nhiều vào thị trường. Thời gian tới, để tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn thôn mở rộng diện tích trồng cây húng quế, cần có sự quan tâm hơn nữa của các ngành, cơ quan chuyên môn để cây cây húng quế tiếp tục là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân làng đảo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;