Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang sở hữu nguồn “tài nguyên” sinh khối rơm rạ khổng lồ, nhiều tiềm năng (nguồn phân bón, chất dinh dưỡng cho đất, nguồn năng lượng tái tạo, nguồn vật liệu trồng nấm và thức ăn chăn nuôi). Mỗi ha trồng lúa có 10 - 12 tấn rơm rạ. Đây là nguồn nguyên liệu quý nếu sử dụng hợp lý làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Vậy mà, mỗi năm, chúng ta đốt lãng phí trên 20 triệu tấn rơm rạ, chiếm khoảng 60%. Chỉ tính riêng Thừa Thiên - Huế, lượng rơm rạ phát sinh bình quân 0,8 tấn ứng với mỗi tấn lúa (tính theo chất khô) và có đến 71% lượng rơm rạ phát sinh đang còn bị đốt bỏ ngoài đồng. Nếu 100% rơm được sử dụng để đun nấu thì có thể thay thế 84% nhu cầu củi và 35% nhu cầu than; giảm được 42 - 82% tải lượng phát thải bụi và các khí độc; giảm được 75% phát thải các khí nhà kính. Nếu sử dụng viên nén từ rơm và bếp khí hóa thì hiệu quả dự báo sẽ còn cao hơn.
Rơm rạ đang trở thành nguồn chất thải cần xử lý, do tốn chi phí thu gom và vận chuyển, nên có khoảng 80% lượng rơm rạ bị đốt. Đây được coi là hình thức loại bỏ rơm rạ nhanh chóng và rẻ tiền, tiện lợi đối với nông dân. Tuy vậy, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa. Các chất hữu cơ trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi. Quá trình đốt rơm rạ ngoài trời không kiểm soát được lượng dioxid carbon (CO2) cùng với CO, CH4, NO2, SO2... các khí trên đều rất có hại cho sức khỏe con người và làm tăng mức thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.
Theo TS. Bjoern Ole Sander - Trưởng Đại diện IRRI Việt Nam, lượng khí nhà kính phát thải từ sản xuất lúa gạo của Việt Nam chiếm khoảng 10% lượng khí nhà kính từ lúa gạo toàn cầu. Việc để lại rơm và gốc rạ trên ruộng ngập nước có nguy cơ làm tăng khí nhà kính từ 2 - 3 lần, khí nhà kính có thể giảm thiểu bằng cách làm tơi xốp đất. Ông nhấn mạnh, loại bỏ rơm rạ khỏi đồng ruộng làm giảm lượng phát thải khí nhà kính so với để lại rơm rạ, loại bỏ một phần rơm rạ có thể là một giải pháp tạm thời để giữ chân đất, tạo thêm thu nhập và giảm phát thải.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn trong quản lý đốt rơm rạ, ở Việt Nam. Đó là diện tích ruộng nhỏ manh mún; thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm từ tái sử dụng rơm rạ còn hạn chế; nhận thức của cộng đồng dân cư còn thấp… Đồng thời, để tìm giải pháp quản lý rơm rạ bền vững, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi việc nhân rộng các giải pháp quản lý rơm rạ bền vững; các công nghệ và mô hình kinh doanh cho quản lý rơm rạ; đánh giá tiềm năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm làm từ rơm rạ, cũng như mức độ cơ giới hoá trong xử lý rơm rạ tại Việt Nam.
Các đại biểu đều khẳng định, rơm rạ có thể được xử lý ngay trên đồng ruộng hoặc thu gom để sử dụng vào các mục đích kinh tế khác nhau, tiến tới loại trừ hoàn toàn việc đốt rơm trên đồng, hạn chế tối đa việc phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Lợi ích từ rơm rạ cũng đã được các khoa học chỉ ra, nhưng để đi vào cuộc sống, cần có sự định hướng, tuyên truyền từ các cấp cơ sở.
Hiện nay Dự án Quản lý rơm rạ của BMZ - IRRI được tài trợ bởi tổ chức BMZ của Cộng hòa Liên bang Đức đang được triển khai tại 3 nước: Campuchia, Philippines và Việt Nam. Việt Nam đã thí điểm thu gom rơm rạ đầu tiên năm 2016 đã đóng góp 50% lượng rơm rạ trong mùa khô được thu gom tương đương giảm 50% lượng rơm rạ bị đốt trong mùa khô; phát triển công nghệ cacbon hóa và ủ phân hữu cơ từ rơm rạ; phát triển các thực hành về sản xuất nấm rơm cải tiến và an toàn, được nhân rộng ở Campuchia và Philippines thông qua tập huấn; nâng cấp chuỗi giá trị và gắn kết rơm rạ vào thị trường các sản phẩm có giá trị cao. |