Dịp cuối năm, vườn bưởi Diễn của ông Đào Danh Bảy ở xã Giang Sơn Đông vàng óng, trĩu quả. Ông Bảy cho biết: Hơn 1,5 ha đất vườn đồi trước đây chủ yếu trồng cây công nghiệp ngắn ngày nhưng không hiệu quả. Năm 2008, trong một lần ra thăm người bà con ở một tỉnh phía bắc, thấy họ có vườn bưởi Diễn cũng trên đất đồi. Tôi được mọi người mời ăn bưởi. Cảm nhận đầu tiên khi ăn múi bưởi thấy có mùi vị đặc trưng, tôi đã nảy ra ý định mang giống bưởi Diễn về trồng thử nghiệm tại quê nhà.
Ông Bảy mua hơn 40 cây về trồng thử, sau 3 năm trồng và chăm sóc, những cây bưởi Diễn đầu tiên được trồng tại đây do hợp với thổ nhưỡng, khí hậu đã cho quả ngọt, mọng nước. Ngay sau đó ông đã tập trung cải tạo vườn tạp, triển khai trồng trên 200 gốc bưởi trên triền đồi.
Vườn bưởi của ông Đào Danh Bảy ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) đã cho thu hoạch. Ảnh: Văn Trường |
Để bưởi Diễn phát triển và sinh trưởng tốt, ông Bảy đã áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, đưa máy vào làm đất để đất có đủ độ tơi xốp, áp dụng trồng đúng với quy trình kỹ thuật. Đất không phụ công người, nay hơn 200 cây bưởi Diễn cho quả đều đặn, mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Trước nhu cầu người mua bưởi Diễn nhiều, ông Bảy đã tiếp tục cải tạo vườn đồi, mua giống cây tại Viện giống cây trồng Trung ương, trồng hơn 500 gốc bưởi Diễn quanh triền đồi. Tính đến thời điểm này vườn bưởi Diễn của ông Bảy đã có trên 400 gốc cho thu hoạch chính vụ, trên 200 gốc cho thu hoạch quả bói. Sau khi thu hoạch, trừ các loại chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về từ 350 - 400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, vườn bưởi diễn của anh Thái Văn Dũng ở xóm Thịnh Đồng, Giang Sơn Đông cũng phát huy hiệu quả. Mô hình này trồng trên 350 gốc bưởi Diễn hiện đã cho thu hoạch từ 120 -150 triệu đồng/năm. Thấy được hiệu quả từ bưởi diễn, từ năm 2013, anh Hữu Vinh ở xóm Nam Tân, xã Giang Sơn Đông cũng triển khai trồng trên 300 gốc bưởi diễn, Tết này dự định thu nhập trên 150 triệu đồng.
Khách hàng vào tận vườn để mua bưởi. Ảnh: Văn Trường |
Bưởi Diễn là loại dễ trồng, chỉ cần xử lý hố trồng bằng vôi, bón thêm phân chuồng, nước tưới ổn định là có thu hoạch. Ưu điểm của bưởi Diễn là tuổi thọ cao từ 20 - 30 năm mới phải trồng khác. Cây càng nhiều tuổi, rễ cây bám đất, ăn sâu vào đất chất lượng quả càng cao.
Cái hay của bưởi Diễn là một trong những loại trái cây có thể để lâu mà không cần chất bảo quản nên rất an toàn. Khi bưởi Diễn héo không mất đi vị ngon mà còn ngọt đậm đà hơn. Nguyên nhân là sau khi thu hoạch hàm lượng a xít hữu cơ trong trái chưa được chuyển hóa hoàn toàn, khi bưởi Diễn héo đi các chất này mới hết nên quả sẽ ngon hơn.
Đó cũng là lý do trước Tết có rất nhiều khách hàng mua bưởi về cất giữ cả tháng. Chị Thái Thị Thoa ở xã Bắc Thành, Yên Thành - một người mua bưởi ở Giang Sơn chia sẻ: Hàng năm cứ dịp giáp Tết tôi thường lên tận vườn mua từ 2 - 3 triệu đồng tiền bưởi Diễn để dành ăn đến tận ra Tết, mỗi quả bưởi có giá từ 20.000 - 40.000 đồng.
Theo ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông, cây bưởi diễn rất phù hợp trên đất này, hiện tại có trên 2 ha bưởi diễn cho năng suất, thu nhập cao. Sang năm tới xã tiếp tục động viên bà con mở rộng diện tích trên 10 ha. Về lâu dài sẽ quy hoạch vùng chuyên canh bưởi từ 30 - 40 ha.
Xã mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi diễn. Đặc biệt hỗ trợ nguồn vốn để người dân có điều kiện cải tạo đất, mua giống trồng bưởi, bởi cây bưởi diễn có thể là mũi nhọn kinh tế mới trên vùng đất bán sơn địa.
Văn Trường/baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã