Các sản phẩm này đã thu hút sự quan tâm và tiêu thụ mạnh của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng cá đồng tự nhiên chiếm tỉ lệ rất nhỏ do nguồn cung ngày càng khan hiếm.
Đâu đâu cũng bán “cá đồng”
Hơn 7h sáng, dọc hai bên hông chợ Tân Trụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) tiểu thương đã bày bán la liệt các loại tôm, cua, cá, lươn, ếch trên những chiếc mâm lớn. Thấy chúng tôi tiến lại gần, một tiểu thương mời mọc: “Cá lóc đi em, lóc mới còn tươi nguyên, 90.000 đồng/kg”. Khi chúng tôi lưỡng lự không biết cá nuôi hay cá đồng, tiểu thương này nói ngay: “Cá đồng đây mà, cá nuôi đầu to lắm, em cứ yên tâm”.
Cá lóc, ếch, lươn nuôi được bày bán ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh chiều 9/3 - Ảnh: Thanh Tùng
Tiếp tục ghé vài sạp khác, những cá rô, lươn, ếch, tôm đều được giới thiệu là sản phẩm đánh bắt tự nhiên, không phải sản phẩm nuôi. Trong đó, lươn được ra giá 170.000 đồng/kg, ếch 70.000 đồng/kg, cá rô 50.000 đồng/kg...
Ghé chợ Hòa Hưng (Q.10), khi biết chúng tôi có ý định tìm các loại cá đồng về để chế biến món ăn cho trẻ nhỏ, nhiều tiểu thương đều khẳng định mình bán cá đồng, giá rẻ, còn cá nuôi không ngon nên giá thấp hơn. “Chỉ còn hai con lươn thôi nè, lát quay lại không còn đâu, lươn đồng vàng như vậy mà còn chê gì nữa” - tiểu thương tên Huệ tại chợ Hòa Hưng mời chào.
>> Đại diện ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết do diện tích đồng ruộng, sông suối ngày càng thu hẹp, chưa kể việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp nên sản lượng thủy hải sản có nguồn gốc tự nhiên về chợ này không nhiều, thường chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng thủy hải sản về chợ này. Cũng theo thống kê của chợ đầu mối Bình Điền, trong tháng 12/2014, bình quân mỗi đêm có khoảng 471 tấn cá đồng (cá trê, cá rô, cá lóc...) được nhập về, phần lớn đều từ các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, con số này không ai đảm bảo là cá đồng thật sự hay là các loại cá nuôi “đội lốt”. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại sản phẩm nuôi như cá rô, cá lóc, ếch hay lươn được bán với giá từ 40.000 - 120.000 đồng/kg, trong khi “cá nuôi” được bán với giá cao hơn 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, một số tiểu thương quen biết khẳng định phần lớn các loại “cá đồng” được bày bán tại các chợ, thậm chí siêu thị hiện nay đều là sản phẩm nuôi nhưng được “khoác áo” đánh bắt tự nhiên hay nôm na là cá đồng để bán được giá cao hơn.
Theo chị Thủy - một tiểu thương tại chợ Gò Vấp, lượng cá đồng thật sự về các chợ rất ít và chỉ bán cho các khách hàng “ruột”, trong đó phần lớn đều được dặn trước. “Không biết họ lấy cá đồng, ếch đồng ở đâu ra nhiều thế, chứ chị bán chị biết là toàn nhập cá nuôi về rồi gắn mác cá đồng để bán cho khách với giá cao” - chị Thủy nói.
Hơn 90% là cá nuôi
Theo một số đầu mối chuyên thu mua và kinh doanh các loại cá đồng từ ĐBSCL về TP.HCM, do ảnh hưởng của các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại cá đồng ngày càng khan hiếm. Anh Minh (Q.Bình Thạnh) - một đầu mối chuyên kinh doanh cá đồng - cho biết khoảng thời gian từ tháng 6-10 âm lịch là mùa cao điểm của cá đồng khi nước lũ về. Nhưng những năm gần đây, mùa nước lũ cá cũng ít dần đi so với trước, chủng loại cũng chỉ còn cá linh là dồi dào.
Ông Đoàn Kim Sơn, chủ trang trại Sơn Ca (huyện Hóc Môn) - chuyên cung cấp cho thị trường các loại lươn và ếch nuôi, khẳng định khoảng ba năm trở lại đây, lươn nuôi trong bể lót bạt và hồ xi măng khá phổ biến từ miền Tây lan đến miền Đông Nam bộ và ra cả miền Trung, khi các loại lươn đồng ngày một khan hiếm. Cũng theo ông Sơn, hiện ếch đồng bán trên thị trường chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là ếch nuôi với rất nhiều giống, trong đó phổ biến là giống ếch Thái.
Đại diện Công ty Bà Giáo Khỏe 55555 (Châu Đốc, An Giang) - chuyên sản xuất mắm, cá khô - cũng cho biết hiện vùng ĐBSCL hầu như rất ít cá đồng, các loại cá nước ngọt và nước lợ như cá lóc, cá rô trước đây khá nhiều nhưng hiện nay đều được nuôi với số lượng lớn. Thậm chí cá lăng đuôi đỏ cũng được tạo giống và nuôi khá phổ biến trong hơn hai năm trở lại đây thay vì khai thác tự nhiên như trước.
Cũng theo vị này, hiện chỉ có cá linh là loài còn tồn tại khái niệm cá tự nhiên hoàn toàn, nhưng khả năng trong thời gian tới cũng được nuôi vì nhiều viện trường đang bắt đầu nghiên cứu ra được giống cá này.
>> Phân biệt cá đồng với cá nuôi Theo ông Đoàn Kim Sơn, lươn đồng có đầu to, đuôi nhỏ và dài, còn lươn nuôi thì ngược lại đầu nhỏ, đuôi ngắn và mập. Da lươn đồng dày nên không thấy chỉ máu dưới vùng bụng, còn lươn nuôi da mỏng hơn nên rất dễ nhận thấy chỉ máu, màu da lươn nuôi vàng tươi còn lươn đồng sẫm hơn. Ngoài ra, do bị đánh bắt nên khi đưa ra chậu, lươn đồng thường đừ hơn và hay phù mang, còn lươn nuôi khỏe hơn, mang không phù. Tương tự, ếch đồng có đầu to, do di chuyển nhiều nên chân dài, có hông, bụng thon và cân nặng phổ biến chỉ khoảng 150 g trở lại. Ngược lại, ếch nuôi có thân màu vàng, đầu xanh, bụng to và đùi nhỏ, trong lượng phổ biến từ 200 - 400 g. Cá lóc nuôi thường có màu da sáng và trắng, thịt không thơm, không dai bằng cá đồng và thường có lượng mỡ nhiều hơn cá lóc đồng. Ngược lại, cá lóc đồng có màu da sẫm hơn và thường bị bám rong rêu, trọng lượng phổ biến dưới 1 kg/con. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;