Sáng nay (26/10), Thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã chú trọng đầu tư cho sản xuất và có những chuyển biến rõ nét như hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy nông được nâng cấp, mạng lưới điện hạ áp nông thôn đã được chú trọng đầu tư ở những vùng thâm canh. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã đạt những thành tựu mới, đã hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn, nhu cầu cơ giới hóa trong nông nghiệp đã được đáp ứng.
Những thành tựu đó đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Đến thời điểm này, đã khẳng định được một điều, trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh đã thực sự nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp mà việc tăng trưởng khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 đạt 3,65%, cao nhất trong hơn 5 năm qua đã minh chứng cho điều đó.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung tháo gỡ vướng mắc, ưu đãi thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm triển khai đồng bộ và mở rộng đối tượng, phạm vi được hưởng ưu đãi, đã thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực nông thôn. Đây là thời điểm chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới rất được quan tâm, chú trọng.
Tuy nhiên, theo ông Diếm, việc ban hành sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn có những bất cập. Trong chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020, nhà nước có nhiều chính sách chung, chính sách ưu đãi riêng với các hợp tác xã nhưng số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Các chính sách chưa đi vào cuộc sống như chính sách về tín dụng cả nước chỉ có 35 hợp tác xã được vay gần 70 tỷ đồng vốn từ ngân hàng thương mại không có tài sản bảo đảm, còn không ít hợp tác xã muốn vay thì các thành viên hợp tác xã phải thế chấp bằng sổ đỏ của gia đình mình nên chưa bảo đảm nguồn vốn cho hợp tác xã hoạt động.
Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn quy định căn cứ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp để cho vay lưu vụ, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc - lãi nhưng các ngân hàng thương mại ở các địa phương thực hiện không nghiêm túc, đến hạn người vay phải trả xong mới lập hồ sơ khoản vay mới. Điều nay cũng là nguyên nhân người vay phải vay lãi cao để trả nợ.
Hiện nay có gần 10.000 hợp tác xã nông nghiệp nhưng chỉ có hơn 3.300 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây là con số rất khiêm tốn, một con số không vui có nguyên nhân từ bất cập về chính sách khuyến khích phát triển ở hợp tác xã.
Điều này báo hiệu đến năm 2020 việc phấn đấu 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả sẽ không đạt, mục tiêu thành lập hợp tác xã nông nghiệp là để thu hút nhiều nông dân tham gia, thông qua đó mà thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân thực hiện việc liên doanh, liên kết đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Đây là động lực, giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trong cơ cấu lại nông nghiệp và đặc biệt là góp phần quan trọng để không phải lo giải cứu nông sản cho nông dân. Chính phủ, các bộ, ngành nên chỉ đạo thực hiện nghiêm các chính sách hiện có về hợp tác xã, tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã 2012 nhằm tăng tính khả thi của các quy định của pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi phát triển kinh tế hợp tác xã theo hướng thiết thực.
Vấn đề nữa là tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là cần thiết và đúng đắn, nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ô nhiễm của các làng nghề nhất là các làng nghề truyền thống vẫn là vấn đề lớn trong xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay. Chỉ có 27,6% tổng số làng nghề có nước thải công nghiệp được thu gom nước thải tập trung. 20,9% tổng số làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp.
“Khi được tham gia giám sát cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tôi nhận thấy rằng, lợi ích về bảo vệ môi trường chưa được quan tâm ngang bằng với lợi ích về phát triển kinh tế, còn có những vấn đề về môi trường bức xúc chưa được giải quyết triệt để, việc xử lý nước thải trong các khu công nghiệp, làng nghề được quan tâm nhưng chưa bảo đảm ổn định và duy trì bền vững. Tiến độ thực hiện Quyết định 1788 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa đạt và có nguy cơ đến năm 2020 không đạt kế hoạch.
Để khắc phục tồn tại nêu trên, tôi đề nghị phải rà soát lại việc thu và sử dụng nguồn thuế, phí bảo vệ môi trường tại các địa phương dành một phần nguồn ngân sách trung ương làm cơ chế và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác cho việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng”, đại biểu Diếm bức xúc.
Tác giả bài viết: Theo Đ.T (Báo Kinh tế Nông thôn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;