Học tập đạo đức HCM

Chính sách ưu đãi cho DN nông nghiệp chậm "bén rễ"

Thứ ba - 14/04/2015 05:30
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích khối DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng tình hình chuyển biến còn chậm. Một trong những nguyên nhân quan trọng là quá trình triển khai từ chính sách tới thực tiễn hiện vẫn tồn tại không ít “điểm nghẽn”.
DN đầu tư vào nông nghiệp đã và đang đối mặt với không ít khó khăn. Ảnh: HỮU LINH
DN đầu tư vào nông nghiệp đã và đang đối mặt với không ít khó khăn. Ảnh: HỮU LINH

Quy định chung chung

Là một trong những DN sản xuất, kinh doanh hoa lớn nhất hiện nay ở Lâm Đồng, Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt hiện có 600 giống hoa và cây cảnh XK đến nhiều thị trường như Bỉ, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..., thậm chí ngay cả Hà Lan, đất nước được mệnh danh là “vương quốc hoa”.

Tại cuộc họp với nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Sơn, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Để có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng, DN đã đầu tư 2 phòng lab rộng 5.000m² cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, sản xuất theo quy mô công nghiệp với công suất 24 triệu cây giống/năm; hệ thống vườn ươm diện tích 0,5ha, sản xuất 400.000 cây con/tháng. Công ty Rừng hoa Đà Lạt là một trong 3 công ty đầu tiên của cả nước được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận “DN ứng dụng công nghệ cao” với nhiều ưu đãi đi kèm. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù đã có được giấy chứng nhận “DN ứng dụng công nghệ cao” song Công ty Rừng hoa Đà Lạt vẫn gặp phải khá nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Sơn lý giải, dù theo quy định, các DN ứng dụng công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi cao về đất đai, thuế,… Tuy nhiên, do cơ chế mơ hồ, Luật Công nghệ cao lại không đề cập rõ mức ưu đãi là bao nhiêu nên đến nay, Công ty Rừng hoa Đà Lạt vẫn phải chịu thuế NK thiết bị nhà kính lên đến 25%. Ngoài ra, trong khi nhiều sản phẩm công nghiệp khác được khấu trừ thuế Giá trị gia tăng thì những DN nông nghiệp vẫn phải đóng như thường. Ông Sơn đề nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Tài chính để miễn thuế NK các thiết bị nhà kính, các thiết bị nông nghiệp công nghệ cao.

Cũng liên quan tới thuế, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit cho biết: DN chủ yếu mua sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân sau đó chế biến và bán ra thị trường cả trong nước cũng như XK. Hiện, Vinamit đang phải đóng thay cho người nông dân 10% thuế Giá trị gia tăng vì nguyên liệu đầu vào mà công ty mua của nông dân không được khấu trừ.

Theo đại diện một số DN, ngoài vấn đề thuế phí, các DN đầu tư vào nông nghiệp đã và đang đối mặt với không ít khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Thậm chí ngay cả khi có nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại, giá trị lớn, DN cũng không thể đem ra làm tài sản thế chấp để vay vốn. Nguyên nhân chủ yếu là bởi chính sách ưu đãi cho DN đầu tư vào nông nghiệp đã hình thành nhưng chưa “bén rễ” trong thực tiễn, các quy định đặt ra còn khá mơ hồ, chung chung.

Thủ tục rườm rà

Bên cạnh sự chung chung từ các quy định, động thái chậm chạp, rườm rà trong quá trình triển khai chính sách của các cơ quan chức năng cũng khiến DN đầu tư trong ngành nông nghiệp nhiều khi rơi vào thế “dở khóc dở cười”. Ông Nguyễn Đình Sơn chia sẻ, suốt thời gian dài, DN này gặp khó trong khâu NK giống hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, điều đáng bàn là nguyên nhân không nằm ở phía đối tác cung cấp giống mà lại nghẽn ở chính khâu kiểm dịch thực vật trong nước. Thời gian kiểm dịch kéo dài, nhiều thủ tục khiến DN mệt mỏi vì chờ đợi, có khi mất cả một mùa vụ. Điều này tác động khá lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN đồng thời làm mất đi cơ hội tiếp cận thị trường.

Cũng bức xúc bởi sự chậm trễ của cơ quan chức năng, ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Group (Nghệ An) cho biết, Nafoods Group hiện là DN hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, XK nước ép trái cây và rau, củ, quả đông lạnh. Sản phẩm của công ty đã được xuất sang nhiều thị trường “khó tính” như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Công ty cũng đã phối hợp với DN của Đài Loan sản xuất thành công giống chanh leo sạch bệnh, cho năng suất cao và hiện đã có đơn hàng XK 30.000 giống cây chanh leo sang Trung Quốc. “Tuy nhiên, dù DN đã hoàn tất đầy đủ hồ sơ, đề nghị được cơ quan chức năng công nhận chính thức giống chanh leo sạch bệnh để XK nhưng cho tới nay mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Việc thúc đẩy XK vì thế cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Hùng nói.

Xung quanh câu chuyện đầu tư vào ngành nông nghiệp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho biết, DN này đang ấp ủ tham vọng xây dựng Dự án thành lập Công ty tập đoàn giá trị tôm, cá rô phi mang quy mô toàn cầu. Thực tế, DN đã thành lập chuỗi cung ứng từ năm 2013, qua đó hỗ trợ nông dân sản xuất bằng cách thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường khoảng 10%. Ban đầu không mấy ai tin, nhưng sau có trường hợp công ty thu mua hàng cao hơn 13,5% so với thị trường nên nông dân đã hào hứng tham gia. “Mục tiêu của Minh Phú khi xây dựng Dự án là sau khi làm được chuỗi cung ứng sẽ làm chuỗi giá trị để tất cả những người tham gia chuỗi giá trị phải được hưởng lợi và phân bổ hợp lý, đảm bảo sự phát triển bền vững. Dự án này trải dài trên cả nước, có sức tác động tích cực tới nông dân, nông thôn nên DN đề nghị được cấp giấy phép đầu tư một lần chứ không phải mỗi tỉnh cấp một giấy phép”, ông Quang nói.

Ghi nhận ý kiến của các DN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Những câu chuyện có thật của DN cho thấy, từ chính sách vĩ mô đến áp dụng vào thực tế sản xuất là một khoảng cách khá xa và không phải chính sách nào cũng đến được với  DN. Do đó, định hướng của ngành nông nghiệp là tìm phương thức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thúc đẩy DN tham gia đầu tư ngày càng mạnh mẽ hơn. Với những khó khăn, đề xuất của DN, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nhằm nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết.

Theo HQ Online

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập145
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại279,200
  • Tổng lượt truy cập92,656,864
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây