Điều 10 (được sửa đổi năm 2009) của Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định, quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản là được quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, dựa vào tình hình hiện nay, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và phát triển thuộc ĐH Kinh tế quốc dân đề xuất, ngay tại thời điểm này, chúng ta có thể thay đổi Điều 10 trong Pháp lệnh Dân số, tức là nới lỏng quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1-2 con.
Lý giải đề xuất trên, GS Nguyễn Đình Cử chỉ ra những 4 yếu tố cần và đủ gồm:
Thứ nhất, do mức sinh của nước ta trong 11 năm trở lại đây đang ở mức thấp và chúng ta đã đạt và duy trì được mục tiêu mức sinh thay thế (mỗi cặp vợ chồng có từ 1,9-2,0 con) từ 2009 đến nay.
Thứ hai, sau hơn 5 năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, người dân Việt Nam đã được tuyên truyền và giáo dục rất tốt về kế hoạch hóa gia đình.
Thứ ba, hệ thống dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã bao phủ tương đối khắp các thôn xóm, bản làng trên cả nước. Hệ thống hoạt động này khá tốt và đáp ứng được nhu cầu kế hoạch hóa gia đình cho mọi đối tượng.
Điều này được thể hiện qua số con trung bình của một bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 6,81 con giai đoạn 1969 xuống còn 2,1 con vào năm 2005 và mức sinh thấp này vẫn được duy trì cho đến nay.
Thứ tư, thế hệ bước vào độ tuổi sinh đẻ hiện nay ở nước ta phần lớn là thế hệ sinh ra sau năm 1975 - trong một chế độ mới, được giáo dục tốt, và trưởng thành vào đúng thời gian nước ta triển khai chương trình kế hoạch hóa gia đình rất mạnh mẽ. Cùng với đó là xu thế thời đại hội nhập, nên chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Với tất cả các yếu tố trên, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng, mức sinh thấp mà chúng ta đang đạt được là bền vững, do đó có thể nới lỏng chính sách dân số bằng việc trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các năm sinh con.
Một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore, Đài Loan, cũng đã có những bước chuyển chính sách về dân số như vậy.
“Nếu không nới lỏng chính sách sớm, thì cùng với sự phát triển ngày càng cao như hiện nay, mức sinh của chúng ta sẽ ngày càng thấp. Và nếu thấp hơn mức sinh thay thế thì nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng 4-2-1 giống như Trung Quốc. Hội chứng này nghĩa là cứ 4 người (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con (1 cặp vợ chồng) và 1 cháu. Điều này sẽ phản ánh tỷ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội”, GS Cử phân tích.
Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cũng cho rằng, có một số khu vực trong cả nước có mức sinh giảm quá thấp, như khu vực thành thị có mức sinh đạt 1,77 con/phụ nữ vào năm 2010 và 1,86 năm 2013; vùng Đông Nam Bộ chỉ đạt 1,68 con/phụ nữ năm 2010 và 1,83 con/phụ nữ năm 2013.
Nếu mức sinh này không được cải thiện, sẽ dẫn đến nguy cơ dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh… gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
5 năm nữa mới có thể nới lỏng quy định
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, quan điểm của Bộ Y tế là vẫn giữ nguyên quy định mỗi cặp vợ chồng được sinh 1 hoặc 2 con.
“Việc thay đổi quy định này cần phải có thêm thời gian để theo dõi và ít nhất phải 5 năm nữa. Nếu mức sinh thấp tiếp tục được duy trì hoặc thấp hơn thì mới có thể nới lỏng quy định này”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Lý giải quan điểm này, Thứ trưởng Tiến cho rằng, vì mức sinh hiện nay có sự bù trù giữa các vùng, miền (nơi có mức sinh cao vẫn nhiều hơn nơi có mức sinh thấp).
Đặc biệt, dẫn chứng số liệu về mức sinh trung bình của cả nước qua các năm gần đây cho thấy đang có sự tăng nhẹ: Năm 2011 là 1,99 con/cặp vợ chồng; năm 2012 là 2,05; năm 2013 là 2,1 và năm 2014 đang là 2,13 con/cặp vợ chồng (mặc dù mức này vẫn nằm trong mức sinh thay thế).
“Vì vậy, nếu nới lỏng quy định mỗi cặp vợ chồng được sinh 1 hoặc 2 con trong thời điểm nay có thể sẽ dẫn tới tình trạng tăng dân số không như mong muốn”, Thứ trưởng Tiến khẳng định.
Thúy Hà
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã