Theo VnEconomy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có Công văn gửi các thương nhân xuất khẩu gạo, trong đó nêu rõ, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) hiện đang giao dịch với thị trường Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu thị trường Philippines.
Để chuẩn bị nguồn hàng và đảm bảo hiệu quả cho việc ký kết và thực hiện các hợp đồng tập trung, đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào các thị trường: Bangladesh, Malaysia, Philippines.
Lệnh cấm này thực thi trong thời gian từ nay đến khi hai Tổng công ty nêu trên kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng. Nếu các thương nhân không chấp hành sẽ báo cáo Bộ Công Thương xử lý.
VnEconomy cũng cho biết công văn này đang khiến cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp xuất khẩu gạo bức xúc. Đây không phải lần đầu tiên, mà đã nhiều lần VFA ban hành lệnh cấm tương tự như vậy, ở các thị trường Iraq, Cuba, Malaysia, Indonesia và Philippines...
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết không phản đối những quy định của Nhà nước, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải cạnh tranh quyết liệt với các nước thì lệnh cấm trên càng làm tình hình khó khăn thêm.
Thời gian qua, các quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109 năm 2010 đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nghị định này đang tạo ra một lợi thế rất lớn, trao quá nhiều quyền cho VFA và hai Tổng công ty Lương thực, tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng và làm giảm hiệu quả của nền kinh tế.
Do đó, phải tổ chức lại VFA như một hiệp hội ngành hàng bình thường, có sự tham gia của các thành phần trong chuỗi lúa gạo, nhất là người sản xuất trực tiếp; các thành viên trong Hiệp hội có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.
Còn Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cần sửa đổi Thông tư 44/2010/TT-BCT – hiện quy định thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung trong thời gian có giao dịch tập trung; trừ khi được Bộ Công Thương xem xét chấp thuận bằng văn bản. Như vậy, kinh doanh xuất khẩu gạo của nhiều doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép vào các thị trường nhỏ hoặc mới.
VEPR đề xuất cần phải bãi bỏ những quy định về việc xuất khẩu gạo tại thị trường tập trung, bỏ quy định cấm các thương nhân, doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu gạo và các thị trường tập trung và bãi bỏ các điều kiện giao hàng xuất khẩu.
Tại Hội nghị hồi tháng 3/107 về phát triển ngành hàng lúa gạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu sửa đổi Nghị định 109 theo hướng không nên cho trao cho Hiệp hội Lương thực VFA nhiều quyền “không nên có” như quy định giá sàn, phân phối hạn ngạch cứng 80% để bảo đảm kinh tế thị trường.
Theo Thanh Hằng/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;