Học tập đạo đức HCM

Dấu ấn tam nông

Chủ nhật - 24/06/2018 05:37
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn (sau đây gọi là tam nông), Quảng Nam đã tạo được những dấu ấn rõ nét. Tuy nhiên, trên tiến trình thực hiện chiến lược phát triển tam nông, địa phương còn đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc và đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung tháo gỡ nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ…
Việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.Ảnh: VĂN SỰ
Việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.Ảnh: VĂN SỰ

TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

Bức tranh kinh tế của tỉnh đã có nhiều gam màu sáng khi triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, ngay sau khi Trung ương có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể. Đồng thời tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án trong từng ngành, lĩnh vực một cách bài bản.

Ông Đức nói: “Việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng như cấp huyện đều theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm chủ lực. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh xác định cần chú trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, thực hiện tốt việc liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, con vật nuôi…”.

Trồng trọt tạo cú hích

Bà Nguyễn Thị Bích Lợi - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho biết, mỗi vụ mùa nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ khoảng 42.000 - 43.000ha lúa. Thời điểm năm 2008 trở về trước, do nguồn nước tưới khó khăn, nhiều loại giống bị thoái hóa, nhà nông chưa ứng dụng rộng rãi các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến và không quản lý tốt dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nên năng suất lúa không cao.

Những năm gần đây, bên cạnh việc ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương cũng tích cực hỗ trợ nông dân đưa hàng loạt giống lúa mới có chất lượng cao, ít bị nhiễm sâu bệnh vào sản xuất đại trà.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn chuyển giao quy trình thâm canh mới và phương pháp phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh nguy hiểm. Nhờ vậy, thời gian qua năng suất lúa của nhiều địa phương tăng lên đáng kể.

Bà Lợi nói: “Vụ đông xuân 2007 - 2008, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 44,3 tạ/ha, còn đông xuân vừa rồi đã tăng lên 57 tạ/ha”.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, trong 10 năm qua Quảng Nam giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, năm 2008 tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lần lượt là 68,74%, 5,62%, 25,64% và đến năm 2017 là 62,9%, 8,3%, 28,8%. Qua thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2008 - 2017 giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh tăng bình quân 4,5%/năm.

Cùng với việc tạo cú hích mạnh cho cây lúa, trong 10 năm qua nhờ nỗ lực cải tạo đồng ruộng, chú trọng đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi hóa đất màu và đặc biệt là chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng nên nông dân trên địa bàn tỉnh đã hình thành được rất nhiều vùng sản xuất cây trồng cạn theo hướng hàng hóa với tổng diện tích không dưới 10.000ha.

Trong số diện tích vừa nêu, phần lớn tập trung ở các địa phương như Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ…

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ năng suất lúa tăng mạnh và nhiều mô hình chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu cho hiệu quả kinh tế cao đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trồng trọt trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Muộn nói: “Theo dự tính, năm 2018 này bình quân 1ha đất canh tác của tỉnh đạt giá trị khoảng 80 triệu đồng, tăng 43,94 triệu đồng/ha so với cách đây 10 năm”.

Chuyển biến rõ nét

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y nhìn nhận, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra sản phẩm nhưng nhìn chung thời gian qua lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Theo ông Nam, mấy năm gần đây có sự chuyển biến mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hình thức tập trung. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 161 trang trại chăn nuôi (gồm 71 trang trại heo, 89 trang trại gia cầm, 1 trang trại thỏ) đạt tiêu chí quy định tại Thông tư số 27 của Bộ NN&PTNT, tăng 89 trang trại so với năm 2008.

Đặc biệt, việc liên kết trong chăn nuôi ngày càng được đẩy mạnh, qua đó giúp người dân cũng như các hợp tác xã, tổ hợp tác yên tâm về thị trường tiêu thụ. Ngoài 12 hợp tác xã và tổ hợp tác chăn nuôi thì hiện toàn tỉnh còn có 69 cơ sở chăn nuôi gia công gà thịt, heo thịt cho Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam và Công ty CP Thái Việt Swine line… Qua thống kê cho thấy, năm 2017 tổng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đạt hơn 2.156 tỷ đồng, tăng 495 tỷ đồng so với năm 2008.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, cùng với việc tập trung đẩy mạnh công tác giao đất, thuê đất cho các tổ chức, hộ cá thể thì những năm qua các đơn vị liên quan của tỉnh cùng chính quyền nhiều địa phương cũng nỗ lực hỗ trợ một số khâu quan trọng cho các doanh nghiệp, người dân để từng bước nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm một số loại cây nguyên liệu chủ lực như cao su, keo lai… Nhờ vậy, giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp tăng dần qua các năm, nếu năm 2008 chỉ đạt 489,7 tỷ đồng thì năm 2017 đạt 1.071 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhờ tập trung đóng mới, cải hoán tàu thuyền và mua sắm nhiều ngư lưới cụ hiện đại nên những năm qua năng lực khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao.

Theo thống kê, năm 2017 sản lượng hải sản ngư dân Quảng Nam đánh bắt được là 85.700 tấn các loại, tăng 34.590 tấn so với năm 2008.

Không chỉ vậy, nghề nuôi trồng thủy sản cũng đạt được nhiều thành quả nổi bật nhờ người dân đặc biệt chú trọng đến chất lượng con giống, đa dạng hóa đối tượng nuôi và đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Được biết, năm 2017 bình quân 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt giá trị gần 400 triệu đồng, tăng hơn 215 triệu đồng so với thời điểm năm 2010.

Năm 2017 giá trị sản xuất ngành thủy sản của tỉnh đạt 3.720 tỷ đồng, tăng 1.486 tỷ đồng so với năm 2008...

NGUYỄN SỰ

NÔNG THÔN KHỞI SẮC

Nhờ huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu nên 10 năm qua diện mạo nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao...

Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.Ảnh: VĂN SỰ
Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.Ảnh: VĂN SỰ

Ông Phạm Đình Thành - Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính (Sở NN&PTNT) cho hay, từ năm 2008 đến nay Quảng Nam đã đổi mới mạnh mẽ các cơ chế, chính sách để huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và bền vững kinh tế nông thôn.

Trong giai đoạn 2008 - 2017, tổng vốn đầu tư công khu vực nông thôn đạt hơn 37.122 tỷ đồng, chiếm 86,38% tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh và đạt mức tăng bình quân 16,78%/năm. Trong đó, giai đoạn 2008 - 2010 tăng bình quân 6,77%/năm và giai đoạn 2011 - 2017 tăng bình quân 21,2%/năm.

Đặc biệt, cơ cấu đầu tư đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, giai đoạn trước năm 2010, cơ cấu vốn đầu tư công cho khu vực nông thôn chỉ chiếm dưới 75%/năm. Từ năm 2011 đến nay, cơ cấu vốn đầu tư công hàng năm cho khu vực này đều đạt hơn 85%, riêng năm 2016 đạt mức cao nhất với 91% tổng vốn đầu tư công (khoảng 5.834 tỷ đồng).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 10 năm qua Trung ương đã phân bổ cho Quảng Nam hơn 2.412 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển gần 1.890 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 522 tỷ đồng), tập trung hầu hết ở khu vực nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số và bãi ngang ven biển để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.

Đến cuối năm 2017 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh đạt 27,6 triệu đồng/năm, tăng hơn 17,4 triệu đồng so với năm 2010. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 9,28%, giảm 14,92% so với năm 2010.

Nhiều ý kiến nhìn nhận rằng, hầu hết cơ chế, chính sách đầu tư của tỉnh đã trực tiếp tác động đến một số khâu trọng yếu trong sản xuất nông nghiệp. Rõ nhất là giao thông nông thôn phát triển mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào cũng như đưa các loại nông sản sau thu hoạch đi tiêu thụ.

Cùng với đó, công tác dồn điền đổi thửa được triển khai thực hiện trên diện rộng đã tạo tiền đề hết sức quan trọng cho việc xây dựng những mô hình cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nông nghiệp và hạ giá thành sản xuất rõ rệt…

Theo ông Phạm Đình Thành, để tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân thì việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn được xem là vấn đề then chốt.

Ông Thành cho biết, trong giai đoạn 2008 - 2017 số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của tỉnh tăng lên đáng kể. Nếu năm 2008 toàn tỉnh có 348 doanh nghiệp đầu tư thì đến cuối năm 2017 đã tăng lên 1.558 doanh nghiệp. Mặc dù so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn chiếm tỷ lệ không lớn (khoảng 23,5%) nhưng lại có mức tăng bình quân qua các năm rất ấn tượng (khoảng 16%/năm).

Đặc biệt hiện nay toàn tỉnh có 9 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (tăng 6 dự án so với thời điểm đầu năm 2008) với tổng vốn đầu tư gần 80 triệu USD, chiếm khoảng 1,43% tổng nguồn vốn FDI cả tỉnh.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) cấp tỉnh cho biết, những năm qua nhiều địa phương nỗ lực thực hiện thành công mô hình NTM, từng bước tạo nên những làng quê văn minh, hiện đại.

Thống kê cho thấy, 7 năm qua toàn tỉnh đã huy động hơn 22.334 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách nhà nước 8.038 tỷ đồng, vốn tín dụng 12.675 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 1.153 tỷ đồng, còn lại huy động các nguồn lực khác.

“Quảng Nam đã có 71 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Riêng huyện Phú Ninh, thị xã Điện Bàn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015 và hiện nay 2 địa phương này đang tiếp tục nâng cao chất lượng từng tiêu chí” - ông Lê Muộn cho biết.

HOÀI NHI

NHẬN DIỆN MẶT HẠN CHẾ

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển tam nông trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, vướng mắc…

Đầu ra của sản phẩm quá bấp bênh, những năm qua nông dân trên địa bàn tỉnh đã trải qua nhiều cuộc “giải cứu”.Ảnh: VĂN SỰ
Đầu ra của sản phẩm quá bấp bênh, những năm qua nông dân trên địa bàn tỉnh đã trải qua nhiều cuộc “giải cứu”.Ảnh: VĂN SỰ

Nhiều tồn tại

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, thời gian qua tại địa phương việc quy hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chưa rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó, mặc dù hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, thiếu chặt chẽ nên tiêu thụ nông sản đang là khâu ách tắc nhất hiện nay…

Ông Chơi nói thêm: “Những năm qua, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá ít, tính hợp tác trong sản xuất nông nghiệp không cao nên chưa tạo bước đột phá mạnh mẽ để thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, không đủ mạnh để trở thành động lực thúc đẩy sản xuất phát triển”.

Trong 10 năm qua, Thăng Bình là địa phương có nhiều nỗ lực trong tiến trình phát triển tam nông. Tuy nhiên, so với những tiềm năng và lợi thế vốn có, huyện vẫn chưa tạo được bước đột phá.

Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán nên chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng để có thể cạnh tranh trên thị trường. Cạnh đó, tập quán sản xuất của nông dân còn lạc hậu, trình độ thâm canh chưa cao, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ còn chậm. Đặc biệt, quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các địa phương chưa được điều chỉnh phù hợp với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sát với thực tế để phát huy thế mạnh của từng vùng...

Ông Võ Văn Nghi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, những năm gần đây tình trạng suy giảm thâm canh biểu hiện khá rõ, nhất là tại những khu vực có lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ phát triển mạnh. Cạnh đó, mặc dù đã được tập huấn, tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhưng tại một số nơi người dân vẫn còn sử dụng nhiều hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, chưa chuyển biến rõ nét sang sản xuất an toàn, hữu cơ trong khi vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay được xã hội quan tâm hàng đầu.

Còn ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên nhìn nhận, hiện nay ngành nghề nông thôn phát triển khá chậm, quy mô nhỏ, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và sản phẩm nổi bật mang tính hàng hóa. Việc đào tạo nghề chưa gắn với quy hoạch, định hướng phát triển các làng nghề, lao động có tay nghề cao chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Có một thực tế nữa là ở một số địa phương, người dân có tâm lý trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo, kể cả cán bộ chính quyền địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Đâu là nguyên nhân?

Theo ông Nguyễn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, sản xuất nông nghiêp hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, nhất là thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, tần suất xuất hiện các tác động xấu của thiên tai ngày càng tăng, khó lường làm ảnh hưởng đến sản xuất và hư hỏng hạ tầng nông thôn.

Ông Định nói thêm: “Vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang gặp khá nhiều trục trặc. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chưa gắn kết được sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chưa tạo mối liên kết bền vững để hình thành những vùng chuyên canh lớn tập trung, theo định hướng quy hoạch. Bên cạnh đó, môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, thị trường diễn biến phức tạp, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, giá cả hợp lý của các nước trong khu vực và trên thế giới đang cạnh tranh mạnh với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng”.

Việc sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro do thiên tai và các yếu tố khác gây ra.
Việc sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro do thiên tai và các yếu tố khác gây ra.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, một số chủ trương, chính sách của Nhà nước tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn còn những bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời như chính sách tích tụ đất đai, hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã, hỗ trợ tín dụng ưu đãi... Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực mang lại hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện các quy hoạch và nhân rộng những mô hình sản xuất thiếu đồng bộ. Quá trình thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng được triển khai ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, những năm qua mặc dù Trung ương và tỉnh bố trí nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn song vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn phát triển. Ngân sách dành cho công tác khuyến nông, khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất, vốn xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế. Tuy thời gian qua dòng vốn tín dụng nông nghiệp có tăng nhưng do nhu cầu sản xuất của lĩnh vực này vẫn còn khá lớn nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với việc cho vay phát triển chăn nuôi quy mô lớn, chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản, sản xuất nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao…


Tác giả bài viết: VĂN SỰ - PHI THÀNH

Nguồn tin: baoquangnam.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập164
  • Hôm nay60,946
  • Tháng hiện tại891,673
  • Tổng lượt truy cập92,065,402
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây