Học tập đạo đức HCM

Đầu tư nông nghiệp: kẻ ra đi người ở lại

Chủ nhật - 02/08/2015 04:38
Trải nghiệm của Hoàng Anh Gia Lai trong mảng nông nghiệp cho thấy làm nông nghiệp chuyên nghiệp trên quy mô lớn không hề đơn giản như nhiều người lầm tưởng.

Với số vốn điều lệ 7.081 tỉ đồng, niêm yết đầu tuần này, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG-Hose) trở thành một trong những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn trên sàn và việc lọt vào VN-30 chỉ còn là chuyện thời gian. Trồng và chế biến cao su, mía đường, hay nuôi bò không phải là hoạt động gì mới. Một số công ty trồng, chế biến, xuất khẩu cao su với sự nắm giữ cổ phần chi phối của tập đoàn Cao su đã niêm yết từ vài năm trước. Số lượng các đơn vị mía đường trên sàn phía Nam cũng không ít. Còn nuôi bò Vinamilk đã khởi động từ lâu.

“Không có bò, chúng tôi cũng bò luôn”

Vậy điều gì khiến giới đầu tư tò mò và có mặt đông đảo ở buổi giới thiệu (roadshow) trước ngày niêm yết của HNG đến thế? Đó là việc tìm lời giải cho câu hỏi HNG sẽ “chống đỡ” ra sao với sự rớt mạnh của giá cao su hiện tại. Năm 2011 Hoàng Anh Gia Lai (HAG) quyết định chuyển hướng sang làm nông nghiệp, công ty sau đó gần như đã “đoạn tình” với các dự án bất động sản ở Việt Nam, chỉ còn giữ lại dự án khu phức hợp ở Myanmar. Khi ấy giá cao su thiên nhiên đang ở đỉnh, có lúc chạm 5.000 đô la Mỹ/tấn và những nhà đầu tư đi thăm các đồn điền cao su hàng chục ngàn héc ta của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào đã không khỏi choáng ngợp.   

Giờ đây giá cao su chỉ còn khoảng 1.500 đô la Mỹ/tấn, sự sụt giảm dữ dội hơn cả giá dầu thô. Giá thành đầu tư cho cao su của HAG, như lời ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, (HAG sở hữu 79,5% cổ phần HNG) là 1.300 đô la Mỹ/tấn. Tất nhiên nếu khai thác, HNG vẫn có lời, nhưng mức lời rất thấp. Các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới như Malaysia, Indonesia, Thái Lan nơi có chi phí nhân công trong ngành cao su cao hơn 30% so với Việt Nam, đều đã giảm sản lượng khai thác. Hiện tại diện tích cạo mủ của HNG trong năm 2015 khoảng 6.500 héc ta, nhưng diện tích khai thác sẽ tăng lên nhanh trong những năm tới. Công ty đang kỳ vọng giá cao su sẽ phục hồi lên mức 2.500 đô la Mỹ/tấn vào năm 2017-2018. Tuy vậy, không ai có thể dự báo chính xác giá nguyên liệu hàng hóa trên thị trường thế giới khi nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng và chu kỳ lên xuống của hàng hóa có thể kéo dài cả thập kỷ.

Quan trọng nhất đối với sản xuất nông nghiệp, như bản thân các doanh nghiệp đang làm nông nghiệp nói, chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Và yếu tố không thể thiếu để đảm bảo thành công là thời điểm đầu tư.

Để có nguồn hỗ trợ cao su dài hạn và có dòng tiền, HAG đã chuyển một phần hoạt động qua mía đường, dầu cọ và nuôi bò. Mía đường đã và tiếp tục mang lại lợi nhuận. Còn nuôi bò hiện HNG có khoảng 90.000 con. Bò sẽ là câu chuyện của cả năm nay và năm sau của công ty, tức là doanh thu, lợi nhuận trông chủ yếu vào đây. Ông Đức cho biết sẽ xây dựng thương hiệu bò Gia Lai. Ông nói nửa đùa nửa thật rằng nếu không có bò, công ty chắc cũng “bò” luôn! Tỷ suất lợi nhuận của hai mảng này ước tính 13 triệu đồng/40 triệu đồng/năm tức bỏ ra 40 triệu đồng, có thể lãi 13 triệu đồng nhờ thời gian quay vòng vốn ngắn 6-8 tháng, tức 1,5-2 vòng/năm. HNG cũng sẽ đi theo con đường mà một số doanh nghiệp lớn đang đi là tìm đối tác chiến lược trung-dài hạn cả trong và ngoài nước để phát hành cổ phiếu tăng vốn, giảm nợ vay.

Kẻ bước chân vào, người bước ra

Sự trải nghiệm của HAG trong mảng nông nghiệp cho thấy làm nông nghiệp chuyên nghiệp trên quy mô lớn không hề đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Công ty cổ phần Gemadept đang tính sẽ chuyển nhượng toàn bộ 30.000 héc ta đất trồng cao su tại Campuchia (đã trồng được 10.000 héc ta) mà họ đang sở hữu. Gemadept đã từng có ý định gắn bó đường dài với cao su nhưng diễn biến của thị trường gần đây và nguồn vốn không nhỏ cần phải đổ vào cao su đã buộc công ty phải nhìn nhận lại chiến lược của mình.

Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư 300 tỉ đồng cho kinh doanh thức ăn chăn nuôi và có thể sẽ đầu tư thêm nếu điều kiện thuận lợi. Tập đoàn Thành Thành Công quyết định dấn thân mạnh hơn vào nông nghiệp khi chuẩn bị khánh thành nhà máy sản xuất nước dừa tươi xuất khẩu ở Bến Tre với tổng vốn đầu tư 30 triệu đô la Mỹ vào tháng 9-2015. Hơn 80% sản phẩm của nhà máy đã được ký hợp đồng bao tiêu dài hạn với các đối tác ở Malaysia và Singapore. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thành Thành Công, nói sẽ mở rộng sản xuất, xuất khẩu sang châu Âu nếu mọi chuyện suôn sẻ. Ở Pháp, trong các siêu thị của Monoprix, nước dừa tươi loại 1 lít đóng trong hộp giấy như hộp sữa, có giá tới 4,85 euro, tương đương 115.000 đồng. Nó đắt gấp ba bốn lần giá sữa và ngang ngửa giá rượu vang!

Quan trọng nhất đối với sản xuất nông nghiệp, như bản thân các doanh nghiệp đang làm nông nghiệp nói, chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Và yếu tố không thể thiếu để đảm bảo thành công là thời điểm đầu tư. Đại diện một tổ chức đầu tư nước ngoài nhận xét họ không đồng tình lắm với việc Hòa Phát “rẽ ngang” sang thức ăn chăn nuôi bởi thị trường này đang bão hòa và các doanh nghiệp ngoại có không ít lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, quyết định chuyển nhượng đất trồng cao su ở Campuchia của Gemadept được các cổ đông ủng hộ.

Đầu tư vào nông nghiệp đang được Nhà nước khuyến khích và các nguồn vốn tài trợ cho nông nghiệp không thiếu kể cả ưu đãi về lãi suất cũng như thời hạn vay, song chạy theo phong trào bất chấp điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp là điều cần tránh.

theo thesaigontimes

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập485
  • Hôm nay81,497
  • Tháng hiện tại817,607
  • Tổng lượt truy cập93,195,271
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây