Từ những mô hình thành công
Từ năm 2016 đến nay, HND tỉnh đã phối hợp với Sở KH&CN tổ chức hơn 10 hội thảo, tập huấn giới thiệu ứng dụng tiến bộ KHKT cho hơn 1.000 hội viên nông dân tham gia. Các lớp tập huấn tập trung thông tin về việc áp dụng một số mô hình sản xuất hiệu quả, như: Ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước trong trồng trọt; ứng dụng lò úm gà tiết kiệm năng lượng điện cho hộ chăn nuôi nhỏ; kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn Đài Loan...
Mô hình sản xuất cá giống của HTX Sản xuất và nuôi trồng Thủy sản Bắc Việt (huyện Đầm Hà) áp dụng công nghệ nuôi trong nhà hiện đại. |
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình bà Nhữ Thị Yến, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, mỗi năm nuôi trên 1.000 con gà thương phẩm. Trước đây, để khống chế mùi hôi phát tán từ phân gà, bà phải tốn không ít thời gian vệ sinh chuồng trại hàng tuần. Tháng 9/2017, qua kênh HND xã Đông Hải giới thiệu, gia đình bà được tham gia tập huấn ứng dụng chế phẩm probiotic bền nhiệt nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giảm mùi hôi chuồng trại nuôi gà (do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN tổ chức). Ngay sau buổi tập huấn, bà đã mạnh dạn đăng ký với Trung tâm để triển khai ứng dụng chế phẩm probiotic vào mô hình chăn nuôi của gia đình.
Bà Yến chia sẻ: Sau hơn 2 tháng ứng dụng chế phẩm probiotic vào chăn nuôi đã mang lại lợi ích “kép”. So với cách nuôi truyền thống, chăn nuôi ứng dụng chế phẩm probiotic, giống gà có khả năng chống chịu dịch bệnh tốt hơn nên ít phải dùng thuốc kháng sinh, gà phát triển nhanh. Đặc biệt, giảm thiểu mùi hôi của phân gà thải ra, vì vậy, thời gian vệ sinh chuồng trại tiết kiệm hơn, từ 1 tuần/lần đến nay còn 1 tháng/lần. Hiện tại, gia đình tôi mới thí điểm ứng dụng công nghệ này tại 1 chuồng với 500 con gà nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ cho nhân rộng mô hình nuôi gà bằng chế phẩm probiotic ra cả trang trại.
HND tỉnh phối hợp với Sở KH&CN tổ chức hội thảo giới thiệu chế phẩm sinh học trong bào tử bền nhiệt trong chăn nuôi tổ chức tháng 5/2017. Ảnh Đào Hương (CTV) |
Ngoài mô hình trên, từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ nông dân xây dựng hơn 170 mô hình sản xuất, ứng dụng rộng rãi KHKT, công nghệ hiện đại... Trong đó, nhiều mô hình áp dụng KHKT hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu, như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ bằng dàn kết hợp tưới tự động của ông Đoàn Quang Ngọc, phường Phương Đông (TP Uông Bí); nuôi tôm bằng hệ thống nhà lưới của ông Trần Đông Nam, phường Đại Yên (TP Hạ Long); mô hình trồng hoa lan hồ điệp trong nhà lưới của ông Lê Thế Phước, thị trấn Trới (Hoành Bồ); mô hình nuôi tôm công nghiệp khép kín của ông Hoàng Ngọc Tuyền (Móng Cái)… Những mô hình này thực sự đang giúp các hộ nông dân tạo liên kết trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, qua đó ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.
Bên cạnh đó từ đầu năm 2017 đến nay, HND các cấp còn phối hợp cùng Sở KH&CN tham gia vào các dự án đăng ký, quản lý, sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm như: Trứng gà Tân An, rượu mơ Yên Tử, cam Vạn Yên, gà Tiên Yên, củ cải Đầm Hà, trứng vịt biển Đồng Rui... nhằm liên kết các hộ nông dân trong sản xuất, mở rộng thị trường, bảo vệ lợi ích của hội viên, khai thác hiệu quả và bền vững sản phẩm nông sản của địa phương.
Tiếp tục hỗ trợ và chuyển giao KHKT
Ông Bùi Minh Thanh, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Hằng năm, HND tỉnh đều phối hợp với Sở KH&CN xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai tập huấn, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất cho bà con nông dân tham gia. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, mục tiêu chính sẽ hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT mới vào sản xuất, nhất là đối với cây trồng, vật nuôi có lợi thế, hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, ưu tiên hỗ trợ chuyển giao KHKT cho những sản phẩm OCOP. Lồng ghép với đó, HND các cấp còn tuyên truyền thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chuyển sang mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT với các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, nhằm giúp nông dân làm quen dần với kỹ thuật sản xuất theo phương pháp tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Đoàn Quang Ngọc, phường Phương Đông (TP Uông Bí). |
Ngoài sự phối hợp này, HND các cấp còn tích cực giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để hội viên có vốn đầu tư công nghệ, thiết bị, con giống, vật nuôi... Chỉ tính riêng quỹ hỗ trợ nông dân từ năm 2015 đến nay, các cấp đã luân chuyển cho hơn 1.300 lượt hội viên vay phát triển hơn 100 dự án với số dư nợ gần 34 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã, thôn đặc biệt khó khăn và hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP địa phương. Qua đó, thúc đẩy nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường.
Tuy nhiên, khó khăn của nông dân hiện nay vẫn là khâu ứng dụng KHKT vào bảo quản, chế biến sản phẩm. Vì vậy, giai đoạn tới, HND các cấp sẽ ưu tiên giúp nông dân có thêm nhiều ứng dụng KHKT trong khâu thu hoạch, bảo quản nông sản; tăng cường tổ chức cho cán bộ hội viên nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế mới trong và ngoài tỉnh. Qua đó, không chỉ giúp các hội viên học tập kinh nghiệm mà còn là cơ sở hình thành các mối liên hệ trong cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tác giả bài viết: Phạm Tăng
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã