Đề xuất đánh thuế thu nhập từ lãi tiết kiệm (với những khoản lãi lớn, hàng trăm triệu đồng) vừa được Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến sửa 5 Luật Thuế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
So với đề xuất đánh thuế lãi tiết kiệm trước đây (từng được Hiệp hội Bất động sản TP HCM) đưa ra năm 2013, ý kiến lần này của ông Đức muốn tập trung vào những món tiền gửi lớn (có thể là tiền gửi tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, mua trái phiếu...) vốn mang về khoản thu nhập lãi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
"Cá nhân bán nhà, chuyển nhượng chứng khoán dù lỗ thì vẫn phải nộp thuế thu nhập theo quy định hiện nay, trong khi lãi tiết kiệm đến tiền tỷ thì lại miễn thuế", ông Trương Thanh Đức phân tích về những bất hợp lý trong chính sách thuế hiện nay. Theo ông, một khi lãi tiết kiệm lên tới tiền tỷ thì nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư tương tự đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, lãnh đạo nhiều ngân hàng lo ngại biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB), phụ trách Khối Nguồn vốn và ngoại hối bình luận: "Cần làm rõ mục tiêu đánh thuế để làm gì? Nếu cần khuyến khích người dân mang tiền ra đầu tư sản xuất thì thị trường chứng khoán phải phát triển với những công cụ đầu tư tốt nhưng điều này lại chưa có".
Thực tế, lượng tiền huy động từ dân cư vẫn là nguồn vốn chủ động của hệ thống ngân hàng và hệ thống này đến nay vẫn là nơi cung cấp vốn chủ lực cho toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm trên đầu tư của Việt Nam hiện còn thấp, mức thu nhập của người dân cũng chưa cao. "Trước mắt nên ưu đãi người dân gửi tiền vào ngân hàng đã. Giờ chưa phải lúc đánh thuế này", ông Trung nêu ý kiến.
Tương tự, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, cũng cho rằng thời điểm này chưa phù hợp. "Việc đánh thuế lãi tiền gửi ở những nước phát triển là bình thường nhưng Việt Nam thì lại chưa nên đặt ra, nhất là khi chúng ta đang có quá nhiều sắc thuế rồi. Hơn nữa, đây cũng không phải là nguồn thu quá quan trọng cho ngân sách. Nếu không nghiên cứu đánh giá cẩn thận có thể còn gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế", ông Lực cảnh báo.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính) dù cho rằng đề xuất này có nhiều lý lẽ đúng nhưng ở thời điểm mà "người dân đang phản ứng khá dữ dội với các loại thuế" thì không nên đưa ra.
Tuy nhiên, trong giới chuyên gia cũng không ít ý kiến ủng hộ đề xuất này. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng từng có kinh nghiệm làm việc tại Mỹ - cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên nghiêm túc xem xét việc này bởi việc đánh thuế với những khoản lãi tiết kiệm mang về thu nhập quá lớn là hợp lý và phù hợp với quốc tế. "Thu nhập từ lãi tiết kiệm nên được xem như một thu nhập thông thường và phải chịu thuế thu nhập. Tại Mỹ, đến cuối năm tôi và người dân đều phải nộp thuế thu nhập cho cả những khoản lãi như vậy", ông nói. Để không gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, có thể đánh thuế với mức thuế suất thấp (khoảng 5%),
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, nên hiểu việc đánh thuế lãi tiết kiệm thực chất giống như lãi suất huy động bị giảm đi một chút. "Quan trọng là định đánh thuế suất như thế nào? Như hiện nay lãi suất huy động nhìn chung được cho là cao, nếu tính theo tỷ lệ lạm phát hiện nay", ông Độ thông tin thêm và khuyến cáo nên có đánh giá tác động kỹ lưỡng về việc này.
Hiện gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang được xem là một trong những kênh giúp "tiền đẻ ra tiền" an toàn và hiệu quả của người dân. Lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện khoảng 6-7% một năm. Để thu về khoản lãi 200 triệu đồng mỗi năm từ tiết kiệm và vào diện "phải nộp thuế" theo đề xuất của Luật sư Trương Thanh Đức, khách hàng phải có khoản tiền gửi gần 3 tỷ đồng.
Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập.
Theo VnExpress