Cụ Bạch Thái Bưởi (1874-1932) - một doanh nhân thuộc thời kì trước đây, là tấm gương tiêu biểu về gây dựng cơ đồ phát triển kinh doanh dịch vụ. Cụ là một thương gia lớn có tinh thần tự tôn dân tộc và yêu nước thương nòi. Ngoài ra, Việt Nam còn có những doanh nhân yêu nước tiêu biểu khác như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà,…
Học tập các thế hệ đi trước, ngày nay Việt Nam bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng có nhiều doanh nhân tài năng. Họ đã và đang có những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội. Trong đó, nhiều doanh nhân hoạt động tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc tay ngang sang làm nông nghiệp, một ngành kinh tế có tiềm năng song còn đang chậm phát triển, có nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp. Chẳng hạn như, Thaco Trường Hải Auto đang sản xuất phương tiện vận chuyển đã kết hợp với Hoàng Anh Gia Lai để phát triển nông nghiệp; Masan Group đang sản xuất các sản phẩm công nghiệp thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng nhanh, chuyển làm thêm nhiệm vụ chăn nuôi chất lượng cao; hay như Vingroup đang phát triển bất động sản nhưng vẫn tiếp tục mở thêm lĩnh vực bán lẻ và sản xuất rau sạch với một tốc độ phát triển nhanh đáng khâm phục.
Năm 2018 ngành Nông nghiệp đang tạo ra những điểm nhấn. Tính trong 8 tháng đầu, cả nước đã có gần 20 cuộc họp, hội thảo, làm việc chuyên đề về phát triển nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao thời kì công nghiệp 4.0. Trong đó, ngày 9/4/2018 đã diễn ra cuộc đối thoại của Chính phủ với nông dân toàn quốc để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Những tín hiệu khả quan cho thấy, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và những thử thách khi nền kinh tế hội nhập sâu vào khu vực và thế giới.
Ảnh minh hoạ!
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những định hướng cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp: “Việt Nam trong 10 năm tới phải trở thành 1 trong 15 nước có ngành Nông nghiệp phát triển nhất thế giới, lĩnh vực chế biến nông sản đứng ở top 10 thế giới và là 1 trung tâm logistic của thương mại nông sản toàn cầu.” Câu hỏi đặt ra “Ai sẽ là những người lĩnh ấn tiên phong trong việc thực hiện những định hướng quan trọng này?”. Câu trả lời chắc chắn, không ai khác là đội ngũ doanh nhân và các doanh nghiệp Việt Nam.
Một thực tế là, mặc dù ngành Nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong hơn 30 năm đổi mới và phát triển sản xuất hàng hóa, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Song ngành Nông nghiệp vẫn bộc lộ những tồn tại yếu kém cần khắc phục: sản xuất manh mún, năng suất thấp, quy mô nhỏ và phân tán, chất lượng hàng hóa không ổn định, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản xuất còn cao, nhiều tổn thất khi thu hoạch, dự trữ, vận chuyển. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến còn yếu kém, giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp; Kỉ luật sản xuất còn yếu dẫn tới gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội. Trong khi đó, sản phẩm làm ra, giao dịch mua bán ít được công khai minh bạch, người sản xuất bị ép giá khi tiêu thụ sản phẩm; Chi phí do chiết khấu khâu bán lẻ cao, dẫn tới giá cả tiêu dùng xã hội bị đẩy lên cao. Tóm lại, nhiều nông dân sản xuất chưa sống khỏe trên mảnh đất của mình, còn sản phẩm làm ra của họ nhiều lúc phải đi “cửa sau” mới vào được siêu thị.
Những tồn tại trên đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất, các doanh nghiệp phân phối phải vào cuộc mạnh mẽ để khắc phục. Bài toán phát triển nông nghiệp ở đây chính là hoàn thiện và gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm nông nghiệp và sản xuất lớn theo quy mô lớn có chất lượng cao, theo kịp sự phát triển của thời đại công nghiệp 4.0.
Trong thời gian tới đây, sự phát triển của ngành Nông nghiệp phụ thuộc vào sự liên kết chặt chẽ hơn, có nguyên tắc của 6 nhà: Nhà nông, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà nước, nhà băng và nhà phân phối.
Trong đó tam giác quan trọng giữ vai trò nòng cốt là nhà nông, nhà đầu tư và nhà phân phối. Mục tiêu đưa ngành Nông nghiệp Việt Nam trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, sản xuất nông nghiệp với năng suất cao, có hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm bớt tổn thất trong các khâu công tác, đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Ngoài ra, chú trọng xuất khẩu song vẫn cần coi trọng tiềm năng tiêu thụ sản phẩm của thị trường nội địa với 100 triệu dân và nhiều dư địa phát triển. Cần đặc biệt chú trọng sản phẩm làm ra phục vụ cho đại đa số nhân dân trong cả nước, chính vì thế, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm: “Làm nông nghiệp chất lượng cao không phải phục vụ riêng cho một nhóm người giàu mà cho đại đa số người dân hưởng lợi từ sự phát triển này”. Nhà nước cần định hình để xây dựng những tập đoàn sản xuất nông nghiệp và tập đoàn phân phối bán lẻ mạnh, có đủ sức dẫn dắt sản xuất và dẫn dắt thị trường tiêu thụ của Việt Nam. Chúng ta phải làm chủ phân phối để làm chủ sản xuất nông nghiệp của đất nước, trước hết, ở thị trường nội địa.
Việt Nam khi đã hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới thì chúng ta chấp nhận cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất và phân phối ở thị trường Việt Nam. Mặc dù còn yếu về nhiều mặt nhưng chúng ta sẽ làm bạn với những người giỏi nhất thế giới để phát triển ngành Nông nghiệp trong tương lai.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm 2018, chúc các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam tự tin vững bước trên con đường phát triển và những mục tiêu đã chọn, liên kết hợp tác mạnh mẽ giữa sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp Việt, góp phần đưa ngành kinh tế nông nghiệp Việt Nam tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
Thời báo doanh nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;