Học tập đạo đức HCM

Đổi mới, sáng tạo để hội nhập

Thứ hai - 19/11/2018 20:46
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc trong tư duy giáo dục để thực hiện hiệu quả, mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Xem đây là tiền đề sớm đưa thành phố trở thành trung tâm GD - ÐT chất lượng cao khu vực Ðông - Nam Á và từng bước tiếp cận nền giáo dục hiện đại của thế giới.

Chú trọng giáo dục toàn diện

Từ một ngôi trường cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đến nay, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) được thành phố đầu tư xây dựng hơn 100 tỷ đồng, trở thành một ngôi trường khang trang với hàng chục phòng học, phòng chức năng, phòng thực nghiệm ứng dụng khoa học đầy đủ tiện nghi. Em Bùi Thị Ngọc Hà, học sinh lớp 11A3.1, cho biết: “Em và hơn 3.000 học sinh đang học ở đây rất vinh dự khi được học trong ngôi trường khang trang, hiện đại, cơ sở vật chất đầy đủ, nhất là được giảng dạy bằng phương pháp đổi mới, được phát huy sức sáng tạo, theo đuổi đam mê, được làm việc nhóm thường xuyên, rèn luyện kỹ năng mềm. Đây là môi trường học tập để chúng em nuôi dưỡng nhân cách và tâm hồn trở thành những người có ích cho xã hội”.

Chính nhờ tạo sự đam mê trong học tập, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, cũng như rèn luyện về kỹ năng sống, Trường THPT Gia Định đã đóng góp tích cực vào bảng thành tích học sinh giỏi cấp quốc gia của đoàn TP Hồ Chí Minh không chỉ ở các môn khoa học tự nhiên mà còn ở các môn khoa học xã hội. Đặc biệt, đào tạo học sinh giỏi đã trở thành “sân chơi” cho học sinh toàn trường, tạo thành phong trào và khí thế học tập chung. Chỉ tính riêng trong năm học 2017-2018, học sinh Trường THPT Gia Định đoạt được hai giải cấp quốc gia (giải ba và giải khuyến khích); bốn giải ba học sinh giỏi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; 40 giải nhất, 51 giải nhì, 66 giải ba học sinh giỏi cấp thành phố; 22 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc cuộc thi Ô-lim-pích 30-4 toàn miền nam; ba giải nhì cuộc thi Tin học trẻ quốc gia… Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ: “Với mục đích đổi mới - sáng tạo để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh, hiện đại, chúng tôi đề ra phương hướng giảng dạy bằng những kỳ vọng về một sự đổi thay thật sự trong giáo dục. Yêu cầu đổi mới đã và đang đặt đội ngũ nhà giáo của trường trước những thách thức không hề nhỏ về tri thức, kỹ năng và phương pháp để “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cho học sinh noi theo”.

Với phương châm đào tạo học sinh phát triển toàn diện, mới đây, gần 200 học sinh khối lớp 7 của Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 đã tham gia tiết học ngoài nhà trường, tìm hiểu về các loài động vật đang nuôi dưỡng ở Thảo Cầm viên Sài Gòn. Được học trong không gian mở và trải nghiệm thực tế sinh động đã tạo hứng thú, sự say mê khám phá ở học sinh, thoát khỏi sự gò bó về lý thuyết. Sau khi được trải nghiệm thực tế, các nhóm sẽ thu thập tư liệu, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, làm bài thu hoạch theo nhóm và kết quả được tính vào điểm số 15 phút. Đây là tiết học đầu tiên, khởi động chương trình tiết học ngoài nhà trường tại Thảo Cầm viên Sài Gòn năm học 2018 - 2019, do Sở GD-ĐT thành phố làm thí điểm. Trong năm học 2017-2018, đã có gần 41 nghìn học sinh tham gia học tập trải nghiệm. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn thành phố phối hợp Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thực hiện gần 40 chủ đề liên quan đến nông nghiệp 4.0; phối hợp các bảo tàng, khu di tích… tổ chức cho hàng chục nghìn học sinh tham gia với nhiều chủ đề được các trường thực hiện. Theo Sở GD-ĐT thành phố, số học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc tế, quốc gia ngày càng tăng. Năm 2013 - 2014, đoạt 147 giải quốc tế và quốc gia, đến năm 2017 - 2018 đoạt 161 giải quốc tế và quốc gia.

Từng bước hội nhập

Sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tạo được nhiều bước đột phá và tiếp tục giữ vững ngọn cờ đầu của cả nước, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu được xác định: GD-ĐT là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững và phấn đấu đến năm 2030, hệ thống GD-ĐT được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đưa thành phố trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông - Nam Á.

Để thực hiện mục tiêu này, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Hồng Sơn cho biết: “Ngay trong năm học này, ngành giáo dục thành phố tập trung triển khai bốn giải pháp: Về nhà trường, xây dựng được các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ các thiết bị dạy học thiết yếu, hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác dạy và học trong nhà trường. Đối với học sinh: từng bước được học tập và hoạt động cả ngày trong trường, có thể học mọi lúc mọi nơi thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới nhằm bảo đảm phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện. Có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn quốc tế để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT. Mỗi học sinh có thể chơi ít nhất một môn thể thao, có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Về đội ngũ giáo viên: tiếp tục đào tạo đạt các chuẩn nghề nghiệp, có trình độ ngoại ngữ và tin học bảo đảm khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin khi thực hiện công tác giảng dạy và tiếp cận các tri thức mới. Giáo viên có hiểu biết xã hội, bản lĩnh chính trị, phẩm chất tốt, tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, là những tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo. Còn đối với phụ huynh học sinh: được tham gia đánh giá chất lượng nhà trường và giáo viên, xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với nhà trường và giáo viên trong giáo dục học sinh”.

Ông Sơn cho biết thêm, mỗi năm, thành phố dành hơn 25% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi đầu tư xây mới… cho giáo dục. Cùng với đó, thành phố chú trọng đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

KHÁNH TRÌNH/ Nhân dân

 Tags: giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập324
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại835,302
  • Tổng lượt truy cập92,009,031
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây