Trong đó, hiện đã có 14 dự án được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt với tổng diện tích trên 5.753 ha với 4.952 hộ tham gia. Ngoài ra, nhiều chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi cũng được hình thành và phát huy hiệu quả.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, việc thu hút, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn chậm. Để nhân rộng mô hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia; đồng thời rà soát lại quá trình thực hiện, khó khăn ở khâu nào, cấp nào để kịp thời tháo gỡ. Theo đó, cần phải xem đầu tư chế biến sâu, bảo quản, tiêu thụ nông sản là khâu quan trọng nhất trong thực hiện các dự án cánh đồng lớn, để từ đó tập trung thu hút, tạo mọi điều kiện khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Được biết, những dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nói trên của Đồng Nai là các dự án được thực hiện trên nhiều loại cây; trong đó có những loại cây trồng chủ lực như: ca cao, cà phê, điều. Các dự án còn lại, sau khi được chấp thuận chủ trương, chủ đầu tư đang phối hợp với ngành chức năng và nông dân xây dựng, thẩm định.

Từ cuối năm 2014, Đồng Nai đã bắt đầu triển khai dự án cánh đồng lớn, trong hai năm đầu, chỉ có một số doanh nghiệp phối hợp với nông dân thực hiện cánh đồng lớn trên cây ca cao, mía. Qua liên kết, doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu lớn, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, xuất khẩu; nông dân tăng năng suất cây trồng so với khi sản xuất nhỏ lẻ và thu lợi nhuận gấp đôi trên cùng diện tích. Ngoài ra, khi sản xuất lớn, Nhà nước dễ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, quản lý được chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Từ thành công này, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã đẩy mạnh liên kết, cùng nhau xây dựng cánh đồng lớn.

Để tăng cường tích tụ đất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh xây dựng cánh đồng lớn, Đồng Nai còn đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết. Đến nay, toàn tỉnh này cũng đã có 13 chuỗi liên kết trên các loại cây trồng, vật nuôi. Thông qua chuỗi liên kết, người nông dân được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường; tiến hành sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống./.

Nguồn: dangcongsan.vn