HTX Nông nghiệp Hà An cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống cho các hộ thành viên. |
So với nhiều HTX nông nghiệp khác, thì HTX Nông nghiệp Hà An có bề dày truyền thống và cơ sở vật chất tương đối khá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hà An, cho biết: Thời điểm phát triển mạnh nhất của HTX là khoảng thời gian từ 1979-1989, các sản phẩm chiếu cói, thảm cói do HTX sản xuất đã được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu với số lượng hàng trăm tấn. HTX Nông nghiệp Hà An khi đó là một trong số rất ít các HTX trong nước có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Khi đất nước xóa bỏ bao cấp, chuyển đổi sang cơ chế thị trường, HTX lâm vào tình cảnh khó khăn do không còn thị trường tiêu thụ nên toàn bộ diện tích 400ha cói của HTX phải phá bỏ để chuyển sang trồng lúa. HTX làm nhiệm vụ sản xuất, điều tiết nước tưới tiêu, cung cấp vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống...) cho hộ thành viên.
Nhận thấy việc trồng lúa cho năng suất thấp, hiệu quả không cao, chỉ đạt 40 tạ/ha, từ năm 2003, HTX đã xin các cấp chính quyền chuyển đổi một số diện tích đất canh tác thấp sang các mô hình kinh tế khác phù hợp hơn. Cuối năm 2004, HTX thực hiện việc chuyển đổi 156ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Từ đó, HTX tập trung dồn điền đổi thửa, đào đắp ao đầm, làm đê ngăn mặn, kiên cố hóa hệ thống kênh mương tưới tiêu với tổng kinh phí 13,5 tỷ đồng, trong đó được nhà nước hỗ trợ 6 tỷ đồng, còn lại do các hộ thành viên HTX tự đóng góp.
Sau 2 năm đầu tư, toàn bộ diện tích 156ha được hoàn thiện, trong đó có 120ha diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản. Các hộ chủ yếu nuôi tôm sú và các loại cá tự nhiên, hiệu quả kinh tế tuy cao hơn trồng lúa nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng. Theo ông Đạt, do ít có kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản nên các hộ nuôi chủ yếu theo cách tự nhiên, sản lượng thấp, thậm chí bị lỗ vốn khi xảy ra dịch bệnh.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ gia đình ông Dương Văn Hùng, thành viên của HTX Nông nghiệp Hà An đạt doanh thu mỗi năm 2 tỷ đồng. |
Tháng 3/2015, HTX Nông nghiệp Hà An hoàn thành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX đã thành lập bộ phận chuyển giao khoa học kỹ thuật, thuê một kỹ sư nông nghiệp làm nhiệm vụ dự phòng, dự báo dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn thành viên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ thành viên, đưa một số giống lúa có năng suất cao phù hợp với điều kiện đất, thổ nhưỡng của vùng như giống BC 15, TBR 225. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Hà An có 200ha trồng 2 giống lúa này với tổng sản lượng hàng năm đạt 2.500 tấn.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, HTX Nông nghiệp Hà An đã hướng các thành viên phát triển theo hướng nuôi công nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn con giống chất lượng tốt, đảm bảo thời gian nuôi phù hợp để phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời, HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên đi tham quan, tập huấn nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trong cả nước, thuê chuyên gia ngành thủy sản trực tiếp hướng dẫn các hộ thành viên nuôi tôm sú, nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Dương Văn Hùng là thành viên của HTX Nông nghiệp Hà An, cho biết: Nhà tôi có 3 ao với diện tích khoảng 1ha để nuôi tôm thẻ chân trắng, lúc mới nuôi tôi được chuyên gia thủy sản đến hướng dẫn cách nuôi tôm thẻ chân trắng, cải tạo ao nuôi, điều tiết lượng nước, cách cho ăn hiệu quả, cách nhận biết và phòng tránh dịch bệnh. Đến nay, diện tích ao nuôi duy trì hiệu quả tốt, mỗi vụ đạt sản lượng khoảng 6,5 tấn, đạt doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Ông Hùng là một trong số hàng trăm thành viên của HTX Nông nghiệp Hà An nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả cao.
Hiện nay HTX Nông nghiệp Hà An có tổng số 1.600 hộ thành viên hoạt động ở 2 lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trồng cây hoa màu, lợi nhuận của HTX (từ các nguồn sản xuất chung, cung ứng vật tư nông nghiệp và phần đóng góp của hội viên) hàng năm đạt 1,3 tỷ đồng. Chính vì vậy, mỗi năm HTX đóng góp 15% lợi nhuận (khoảng 150-160 triệu đồng) cho địa phương để xây dựng các công trình phúc lợi, như đường giao thông, nhà văn hóa... góp phần phát triển quê hương. Trụ sở của HTX cũng đã được đầu tư xây mới, khang trang phục vụ tốt công tác điều hành cũng như các hoạt động khác của HTX.
Tác giả bài viết: Dương Trường
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;