TỪ THẤT BẠI CỦA MÔ HÌNH KIỂU CŨ
Ở các nước trên thế giới, Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập, góp phần phát triển kinh tế chung. Các HTX trên thế giới hoạt động như các doanh nghiệp, là đối tác và đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp. Các tổ chức trên thế giới nhìn nhận mô hình HTX là một trong 20 mô hình đổi mới cho phát triển bền vững, và giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội.
Một buổi đào tạo cán bộ Liên minh HTX Việt Nam của Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen CHLB Đức. |
Phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam là một trong những bước đi cần thiết để cải thiện đời sống, cũng như thúc đẩy sự phát triển đối với những người dân sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều chính sách từ phía Chính phủ, các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài trong việc thúc đẩy, cải thiện sự phát triển của HTX tại Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực HTX ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn, các HTX vẫn hoạt động trì trệ, không có khả năng phát triển, đời sống của thành viên HTX không được cải thiện, người dân không mặn mà tham gia vào HTX. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Nhìn lại quá trình phát triển HTX ở Việt Nam, có thể chia làm hai giai đoạn chính là: trước "Đổi mới", sau “Đổi mới” tới nay.
Trước đổi mới, HTX ở Việt Nam phát triển dựa trên sự chỉ đạo thành lập từ chính quyền chứ không xuất phát từ nhu cầu thực sự của người dân. Các HTX thời kỳ này vận hành theo cơ chế chung là kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Mô hình HTX ở thời kỳ này đã tạo ra những hệ quả không nhỏ như: “Các hộ thành viên có thu nhập từ HTX ngày càng thấp“ 1 , “Tệ nạn tham ô, lãng phí và hư hao tiền vốn ở các HTX tăng lên mức nghiêm trọng. 2“ hay “Cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp lâm vào tình trạng bế tắc, những khuyết điểm, yếu kém của mô hình hợp tác hóa kiểu cũ ngày càng bộc lộ rõ, tác động tiêu cực về tâm lý và xã hội trong nông thôn, người lao động không gắn bó với ruộng đất.3“
Chính vì không thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện, làm việc hoàn toàn theo chỉ đạo, chỉ tiêu mà người khác giao cho, không được hưởng lợi xứng đáng dựa trên thành quả lao động khiến xã viên không có động lực để lao động, để thay đổi, người ta trở nên lười nhác, ỉ lại, dựa hoàn toàn vào người khác, bảo sao làm vậy chứ không tự tư duy, chủ động đổi mới, chủ động thay đổi để cải thiện đời sống, cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động của HTX.
ĐẾN NHỮNG THAY ĐỔI HÌNH THỨC
Sau “Đổi mới“ cho tới nay, nhìn nhận sự thất bại của mô hình HTX kiểu cũ, Chính phủ đã ban hành những cơ chế, chính sách để thay đổi và thúc đẩy sự phát triển HTX theo mô hình HTX kiểu mới. Điển hình là việc ban hành Luật HTX đầu tiên vào năm 1996, sau đó là hai lần sửa đổi bổ sung Luật HTX vào các năm 2003 và 2012. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương triển khai và chỉ đạo triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển HTX.
Có thể nói tới chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông nghiệp nông thôn, liên kết HTX và doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị phát triển ngành hàng gắn với HTX, hay chủ trương chuyển đổi tất cả các HTX trên cả nước theo Luật HTX, ra chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng các HTX trong giai đoạn 2016 - 2020... Sự thay đổi này cũng đã tạo ra được những thay đổi trong quá trình phát triển HTX tại Việt Nam.
Chẳng hạn như, hành lang pháp lý cho các HTX thành lập mới được thuận lợi hơn, các HTX có xu hướng phát triển theo hình thức kinh doanh nhiều hơn; đã xuất hiện các HTX thành công có khả năng mở rộng quy mô phát triển, tạo việc làm, tạo lợi ích cho thành viên; chính sách hỗ trợ các HTX thành lập mới, cũng như đang hoạt động ở các địa phương được chú trọng và quan tâm hơn.
Mặc dù vậy, thực tế phát triển HTX vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Đa phần các HTX chuyển đổi theo luật HTX 2012 chỉ là chuyển đổi theo hình thức, chuyển đổi cơ cấu hoạt động cho phù hợp chứ về bản chất thì không thay đổi. Có thể nói tới 90% các lãnh đạo HTX hoặc thành viên HTX khi được hỏi về mục đích thành lập HTX hay lý do gia nhập HTX là gì đều đưa ra câu trả lời: Không biết!4 . Kết quả là khi được hỏi về khó khăn, mong muốn của các HTX thì đa phần họ đều có những vướng mắc xoay vòng như: khó tiếp cận nguồn vốn, thiếu đầu ra cho sản phẩm do chất lượng thấp, diện tích nhỏ, khó phát triển sản xuất...
Đa phần Ban quản trị (BQT) các HTX thường không có lương, hoặc có lương rất thấp, dao động từ vài trăm ngàn tới 2 triệu đồng. Các HTX không cung cấp được dịch vụ đảm bảo yêu cầu chất lượng cho các thành viên. Mối liên kết giữa các thành viên trong HTX rất lỏng lẻo, hầu như họ không sử dụng dịch vụ gì của HTX, nếu có thì cũng chỉ là mô hình cung cấp dịch vụ thủy lợi theo kiểu cũ. Có những HTX cung cấp vật tư nguyên liệu đầu vào nhưng lại với vai trò như đại lý của công ty sản xuất. Các HTX đa phần làm ăn không có lãi, cổ tức mà thành viên nhận được là rất thấp hoặc không có.
Người nông dân vẫn chưa thực sự hiểu bản chất, vai trò của HTX, người dân vẫn chưa thực sự đặt ra câu hỏi cho mình về việc thành lập hay gia nhập HTX, về vai trò cũng như lợi ích của việc phát triển mô hình HTX tác động như thế nào tới đời sống của họ. Họ thành lập hoặc tham gia HTX vẫn chủ yếu do địa phương vận động thành lập để đảm bảo một số chỉ tiêu về kinh tế - văn hóa – xã hội được đặt ra. Chính vì vậy, HTX trên thực tế chỉ tăng về số lượng chứ không tăng về chất lượng.
Có một thực tế khác là tâm lý ỉ lại, trông chờ vẫn còn tồn tại rất lớn, dường như người dân đã quen với việc người khác chỉ bảo họ cách làm, đưa ra mục tiêu cho họ thực hiện, chứ họ không chủ động đặt ra mục tiêu cho mình, cũng không chủ động tìm ra giải pháp cho các vấn đề mình gặp phải 5 , chưa chịu chủ động trong việc thay đổi để phù hợp với thời cuộc, với xu hướng phát triển chung.
PHÁT TRIỂN HTX, CẦN GÌ ?
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vậy muốn phát triển HTX, chúng ta phải làm gì? Theo chúng tôi, điều quan trọng rất cần là một sự thức tỉnh, nhằm tăng tính chủ động của chủ thể HTX là người nông dân, và cả đối với các bên liên quan khác trong quá trình phát triển HTX.
Trong một hội nghị tổng kết về hoạt động của HTX vừa qua, đại diện một tập đoàn lớn đã nói rằng: HTX và người nông dân chỉ tập trung sản xuất còn lại... để doanh nghiệp lo. Điều này nghe tưởng chừng như đang tạo ra cho người dân và các HTX một hướng đi mới, nhàn hạ hơn, ổn định hơn và không phải lo lắng gì khi có một người đỡ đầu là doanh nghiệp. Nhưng thực tế, điều này sẽ dẫn đến sự chi phối và người dân sẽ mãi chỉ là những đối tượng chờ đợi chỉ đạo, bảo sao làm vậy.
Trong khi đó, điều cần thiết là người dân cần xây dựng vị thế cho mình, cho HTX của mình với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của các thành viên, hoạt động như doanh nghiệp, có khả năng đàm phán với các đối tác trên thị trường một cách sòng phẳng, trở thành đối tác với doanh nghiệp, có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp chứ không phải chỉ mãi là đơn vị gia công cho doanh nghiệp, chịu sự chỉ đạo của doanh nghiệp, mãi mãi chỉ làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp chứ không chủ động thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi công nghệ hay nắm bắt nhu cầu của khách hàng để chủ động thay đổi. HTX cần phải được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc và giá trị cơ bản là: Tự trợ giúp – Tự quản lý – Tự chịu trách nhiệm.
Người nông dân cần được khơi gợi tính tự chủ, phản biện, chủ động trong các hoạt động của mình, đặc biệt là trong việc xây dựng và phát triển HTX, người dân cần phải chuẩn bị các kiến thức, kinh nghiệm, hay phương pháp để làm chủ các hoạt động của mình, không để tình trạng không hiểu rõ mình đang làm gì, không hiểu rõ mục đích các hoạt động mình đang làm là gì, để dẫn tới tình trạng các HTX đi vào hoạt động nhưng bế tắc như hiện nay.
Nếu thực sự tạo được một sự thức tỉnh đối với những người nông dân, thì mới hy vọng có sự phát triển bền vững đối với mô hình HTX. Nếu không, tất cả các chính sách được ban hành, hay mọi nỗ lực kết nối thị trường, doanh nghiệp đều trở nên kém hiệu quả. Điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là tập trung cải thiện giáo dục, theo quan điểm người viết thì đây là yếu tố cốt lõi. Chúng ta cần phải xây dựng nền móng vững chắc, ở đây là sự tự chủ, chủ động của người nông dân, sau đó mới tính đến các vấn đề khác.
Nguyễn Trọng Khánh (Cán bộ Tư vấn Dự án Nông nghiệp Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen CHLB Đức)
Nguồn: nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;