Học tập đạo đức HCM

Hiệu quả các mô hình tự quản

Thứ năm - 07/09/2017 21:32
Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm đến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ phong trào này, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) đã xuất hiện, phát huy hiệu quả. Hoạt động của các tổ tự quản ANTT góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Tổ tự quản tổ 12, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang thường xuyên tuần tra trên các tuyến phố.

Thôn Nà Pồng trước đây được đánh giá là địa bàn phức tạp về ANTT, thường xuyên xảy ra tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản, mâu thuẫn cá nhân. Do đó, năm 2016, Công an xã Linh Hồ tham mưu UBND xã thành lập mô hình: "Thôn Nà Pồng không tội phạm và không vi phạm pháp luật". Thực hiện mô hình, thôn thành lập tổ tự quản ANTT, do Trưởng thôn làm tổ trưởng. Tổ tự quản chia thành nhiều nhóm luân phiên tuần tra, canh gác. Qua đó phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ trong thôn, hành vi vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu tội phạm. Anh Phùng Trung Toàn, thành viên tổ tự quản kể lại: "Cuối năm 2016, các thành viên trong tổ phát hiện một số đối tượng trong thôn cấu kết với người địa phương khác trộm cắp tài sản của nhân dân. Với quyền hạn của mình, chúng tôi thông báo và phối hợp Công an xã điều tra, xác định rõ vụ việc, bắt giữ các đối tượng".

Nà Pồng nay đã là thôn điển hình trong phong trào tự quản bảo vệ ANTT. Gần 100 hộ người dân tộc Nùng, Dao đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, xây dựng thôn bản vững mạnh. Phó Chủ tịch UBND xã Linh Hồ Hoàng Văn Lượng cho biết: "Tình hình ANTT ổn định cho nên các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của thôn luôn đạt và vượt kế hoạch. Xã đánh giá rất cao mô hình này và đang chỉ đạo các ban, ngành tổ chức nhân rộng ra toàn xã".

Hà Giang là tỉnh biên giới, kinh tế chậm phát triển, địa hình phức tạp, mặt bằng dân trí không đồng đều… Do đó, tình hình ANTT tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, đặc biệt tội phạm lợi dụng những khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để hoạt động phạm tội. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Hà Giang tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tỉnh đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình tự quản về ANTT. Ðến nay, tỉnh có hơn 300 mô hình tự quản về ANTT và hơn 600 mô hình tổ tự quản về phòng, chống tội phạm, hơn 1.300 tổ an ninh nhân dân, với hơn bảy nghìn thành viên. Hoạt động của mỗi tổ tự quản an ninh trật tự đều có quy ước, tiêu chí cụ thể riêng, phù hợp từng địa bàn.

Tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, cứ thành lệ, từ 20 giờ đến 22 giờ 30 phút hằng ngày, tổ tự quản tổ dân phố 12 tiến hành tuần tra, canh gác trên các tuyến đường nội thị. Từ năm 2014 đến nay, khi tổ tự quản được thành lập, địa bàn Tổ 12 luôn được đánh giá ổn định về ANTT, nhân dân đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế. Bà Lê Thị Ngân, Tổ trưởng Tổ 12 nhận xét: "Tổ tự quản luôn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao. Không chỉ phát hiện những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, các vụ việc vi phạm hành chính, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn để phản ánh đến cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Tổ tự quản còn phối hợp ngành chức năng tham gia hòa giải, không để xảy ra những vụ việc phức tạp, kéo dài". Hoạt động của tổ tự quản để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. Chị Vũ Thúy Quỳnh (thị trấn Việt Quang) cho biết: "Nhiều buổi đi tuần tra, các thành viên tổ tự quản còn tự tay chỉnh trang lại những cột cờ của các gia đình bị đổ gãy, xiêu vẹo; những vật dụng gây cản trở giao thông; nhắc nhở bà con chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, để xe đúng quy định, không lấn chiếm hành lang, vỉa hè. Hoạt động của tổ tự quản giúp chúng tôi yên tâm". Từ hiệu quả của tổ tự quản Tổ dân phố 12, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang đã thành lập 23 tổ tự quản/23 thôn, tổ dân phố. Trưởng Công an thị trấn Việt Quang Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị trấn xảy ra 22 vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến ANTT; các vụ việc đều có sự phối kết hợp giải quyết của các tổ tự quản. Nhất là, những mâu thuẫn nhỏ được các tổ tự quản phối hợp với tổ trưởng dân phố giải quyết, hòa giải ngay tại cơ sở".

Ðể các mô hình tự quản về ANTT hoạt động hiệu quả, Công an tỉnh Hà Giang thường xuyên quan tâm, hướng dẫn về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Ðồng thời, cung cấp các trang bị hỗ trợ như mũ, áo mưa, đèn pin, gậy cao-su cho các tổ tự quản. Kinh phí hỗ trợ đối với mỗi tổ tự quản không nhiều, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, những thành viên trong tổ tự quản về ANTT luôn phấn đấu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự bình yên trên địa bàn. Từ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự chủ động phối hợp của lực lượng công an các địa phương, các mô hình đều phát huy hiệu quả. Những năm gần đây, các tổ tự quản đã phối hợp tuần tra hàng nghìn lượt trên các tuyến đường, phối hợp hòa giải hàng trăm vụ việc liên quan đến ANTT. Cùng với đó, phối hợp giáo dục, cảm hóa các đối tượng, quản lý con em trong gia đình, dòng họ không vi phạm pháp luật. Trong đó, có nhiều mô hình kiểu mẫu như mô hình: "Tiếng mõ an ninh", "chiếc gậy an toàn" ở huyện Yên Minh; mô hình tổ dân cư tự quản ở huyện Bắc Quang; mô hình phòng, chống tội phạm tuyến biên giới ở các huyện vùng cao; mô hình dòng họ tự quản về ANTT ở Quang Bình…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ðức Quý, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Hà Giang cho biết: "Hà Giang là địa bàn ổn định về tình hình ANTT, không xảy ra các vụ việc phức tạp, đường biên, mốc giới được giữ vững. Ðể có được điều đó, tỉnh ghi nhận những đóng góp to lớn của các mô hình tự quản về ANTT và phòng, chống tội phạm. Ðó là nền tảng để nhân dân toàn tỉnh yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội".

Tác giả bài viết: KHÁNH TOÀN VÀ NGUYỄN LÂN

Nguồn tin: nhandan.com.vn

 Tags: an ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập104
  • Hôm nay34,881
  • Tháng hiện tại213,448
  • Tổng lượt truy cập90,276,841
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây