Mới 23 tuổi nhưng đoàn viên Nguyễn Đình Hải ở xóm 9, xã Quỳnh Thắng đã làm chủ trang trại nuôi lươn và ếch, với lợi nhuận thu về 200 triệu đồng mỗi năm.
Bắt đầu từ năm 2014, được CLB thanh niên xây dựng mô hình kinh tế nông thôn xã và gia đình hỗ trợ 50 triệu đồng, Hải đầu tư xây dựng 8 bể xi măng mua lươn giống về nuôi. Quá trình vận chuyển con giống do thay đổi nhiệt độ cộng với kinh nghiệm nuôi chưa có nên con giống bị hao hụt nhiều.
Sau nhiều lần thất bại, Hải đi vào tỉnh Tây Ninh chọn các mô hình nuôi lươn có tiếng xin được học tập kỹ thuật, cách thức chăm sóc. Khi trở về nhà, Hải quyết định phải tự mình sản xuất ra giống lươn, trước tiên là để phục vụ cho việc nuôi của mình.
Việc ươm giống khá khó, đòi hỏi có sự tỉ mỉ, cần nhiều thời gian chăm sóc nhưng với sự quyết tâm, Hải đã thành công và sản xuất được 2 vạn con giống mỗi năm. Cùng đó, Hải nuôi thêm 50 cặp bố mẹ ếch giống.
Mô hình nuôi lươn, ếch của anh Nguyễn Đình Hải ở xóm 9, xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) mỗi năm cho thu lãi 200 triệu đồng. Ảnh: Hồng Diện |
Nhờ nắm vững kỹ thuật trong việc cho ăn, xử lý thuốc sát khuẩn phòng bệnh..., có cách điều chỉnh việc chăm sóc hợp lý, bước đầu mô hình sản xuất mang lại hiệu quả. Hàng năm, từ việc bán ra thị trường 2 tấn ếch với giá bình quân từ 45.000 - 50.000 đồng/kg; 1 tấn lươn với giá bán 140.000 - 180.000 đồng/kg, Nguyễn Đình Hải đã có thu nhập tương đối cao.
Cũng là thành viên trong CLB, anh Phan Văn Trung ở xóm 13, xã Quỳnh Thắng đã chọn cách làm giàu từ cây nguyên liệu. Với tổng diện tích 10 ha đất đồi, anh đã quy hoạch 6 ha trồng dứa, mía, cây hương bài; 3 ha thông khai thác nhựa, 1 ha còn lại đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để cây trồng năng suất cao, anh gom phân từ 7 con trâu, rác thải trong khu vực gia đình để thả giun quế vào nuôi. Loại giun này tự sản xuất ra các sinh vật có lợi, tiêu diệt vi khuẩn gây hại trong phân và khử được mùi hôi.
Sau 3 tháng nuôi anh Trung thu hoạch giun cho gà, vịt, cá ăn; còn trong phân chứa nhiều độ đạm bón cho cây trồng, giúp cây hấp thụ nhanh chất dinh dưỡng và kích thích bộ rễ phát triển, đồng thời kháng được các loại sâu bệnh. Nhờ cách nuôi, trồng khoa học, sản lượng dứa luôn đạt 40 tấn/ha, mía 150 tấn/ha và hương bài 8 tấn/ha.
Ngoài ra, anh Trung còn nuôi 20 thùng ong cung cấp cho thị trường 100 - 150 lít mật mỗi năm. Với sự năng động, cần cù, chịu khó trong sản xuất, bình quân hàng năm anh thu nhập 500 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Trung mua 700 gốc cam Xã Đoài trồng trên diện tích 1,5 ha và sẽ đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Hồng Diện |
Hiện nay, thực hiện chủ trương của xã về phát triển cây có múi, anh Trung đã mua 700 gốc cam Xã Đoài chuẩn bị trồng trên diện tích 1,5 ha và sẽ đầu tư theo hướng công nghệ cao.
Từ cách làm hiệu quả của mình, trong các buổi sinh hoạt CLB anh đã truyền đạt các kinh nghiệm, kỹ thuật để thanh niên khác tham khảo và áp dụng.
CLB thanh niên xây dựng mô hình kinh tế nông thôn xã Quỳnh Thắng được thành lập vào tháng 10/ 2016, đến nay có 18 thành viên, với 18 trang trại chăn nuôi, trồng trọt có tổng giá trị trên 6 tỷ đồng.
Lúc đầu mới thành lập trong CLB vẫn có một số thành viên đang trong quá trình ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình kinh tế. Vì vậy, Ban chủ nhiệm CLB đã tích cực, chủ động tham mưu cho Ban xóa đói giảm nghèo xã, Ngân hàng CSXH, huyện Đoàn tìm các nguồn hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp.
Với cách làm chủ động này có 2 mô hình đã và đang được Tỉnh đoàn hỗ trợ 100 triệu đồng; 600 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH được giải ngân cho thanh niên vay. Các thành viên đã sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và cho thu lãi từ 200 - 700 triệu đồng/năm. Từ đây, tạo nên một phong trào thanh niên phát triển kinh tế có sức lôi cuốn ở địa phương. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về địa hình, đất đai của xã và đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động.
Anh Võ Nhất Phong - Bí thư Đoàn xã Quỳnh Thắng cho biết: “Nhận thấy tiềm năng đất đai của Quỳnh Thắng rất lớn, trong khi có nhiều ĐVTN đi làm ăn xa, thu nhập của họ không đáng là bao, chúng tôi đã định hướng tuyên truyền, xây dựng và tạo phong trào thanh niên thi đua làm giàu. Để làm được điều đó BTV Đoàn xã đã thành lập CLB thanh niên xây dựng mô hình kinh tế nông thôn, qua đó đã làm hạt nhân định hướng tuyên truyền và lãnh đạo tổ chức phong trào phát triển kinh tế. Bây giờ ở Quỳnh Thắng nhiều thanh niên thu nhập hàng trăm triệu đồng”.
Tác giả bài viết: Hồng Diện
Nguồn tin: www.baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;