Trên tinh thần Nghị quyết, tỉnh ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích người dân xây dựng các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, đặc biệt ở các xã được chọn làm điểm xây dựng NTM. Cùng với đó, chú trọng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở vùng nông thôn, nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, tổ chức nhiều mô hình thí điểm cho thu nhập cao như: cá nước lạnh, trâu, dê sinh sản, bò Laisind, tôm càng xanh, cá rôi phi đơn tính…
Ngoài ra, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ Trung ương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp thong qua việc lồng ghép các chính sách, triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Qua đó từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.
Đào là một trong những loại cây trồng đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân huyện Tam Đường. Trong ảnh: Nông dân xã Hồ Thầu, Tam Đường thu hoạch đào.
Là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh, thành phố Lai Châu có diện tích đất nông nghiệp không nhiều so với các địa phương trong tỉnh, song nhờ sự chủ động, sáng tạo và nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, thành phố Lai Châu đã xác định được tiềm năng, thế mạnh riêng để khai thác hiệu quả, đặc biệt, các hoạt động sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn ngày càng phát triển, góp phần không nhỏ trong cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư nông thôn…
Ông Vương Văn Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lai Châu chia sẻ: “Xác định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn, Đảng bộ thành phố Lai Châu đã lãnh, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhân rộng nhiều mô hình tế trang trại, hướng đến các mô hình sản xuất hàng hóa như: trồng lúa séng cù, tẻ râu và các loại ngô, hoa quả hàng hóa đảm bảo chất lượng… được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, hỗ trợ giống cây con giống, mô hình chăn nuôi trang trại, trồng trọt, đặc biệt là ở 2 xã: San Thàng, Nậm Loỏng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trên địa bàn”.
Đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp của thành phố có bước chuyển đáng kể, cùng vớiviệc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ở các xã: San Thàng, Đông Phong, Nậm Loỏng đã góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân hàng năm đạt 126 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên một đơn vị diện tích năm 2015 đạt 45 triệu đồng/ha/năm, trong đó 150ha cho thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/năm (vượt 104,5% so với nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015).
Cùng với thành phố Lai Châu, nhiều địa phương trong tỉnh cũng có những cách làm và bước đi phù hợp, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai đã góp sức để sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển sản phẩm lợi thế. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tỉnh Lai Châu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa, ngô, cao su, chè… Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2015 đạt hơn 1.304,1 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 1,22 lần so với năm 2010. Sản xuất lương thực tăng nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng, nông dân đã chú trọng đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, thâm canh.
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt trên 198,7 nghìn tấn (đạt 104,6% kế hoạch (KH)) vượt 26.000 tấn so với mục tiêu kế hoạch 5 năm (2011 – 2015), tăng 30.000 tấn so với năm 2010, đảm bảo an ninh lương thực và có một phần sản lượng hàng hóa bán ra ngoài tỉnh. Các loại cây công nghiệp (cao su, chè) được tập trung chỉ đạo phát triển. Theo đó, đã khôi phục và phát triển vùng chè tập trung, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp theo hợp đồng, hợp tác. Đến hết năm 2015, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 3.501ha, trong đó diện tích trồng mới đạt 481,3ha (đạt 130,4% KH), sản lượng chè búp tươi đạt 23.010 tấn. Tổng diện tích đạt 13.125ha, trong đó diện trồng năm 2015 đạt 531,6ha (đạt 106,3% KH). Các loại cây trồng khác cũng được quan tâm, đến năm 2015 cây công nghiệp ngắn ngày gồm: lạc đạt 1.789ha, năng suất 11,18 tạ/ha, sản lượng 2.000 tấn, đậu tương đạt 2.255ha, năng suất 10,65 tạ/ha, sản lượng 2.400 tấn.
Trong phát triển đàn gia súc, gia cầm, đã từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc từ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có chuồng trại, kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế tình trạng trâu, bò chết rét ở các xã vùng cao. Đến hết năm 2015, đàn gia súc của tỉnh đạt 319.100 con, đạt 100,02% KH; đàn gia cầm 1.333 nghìn con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 12.783 tấn (đạt 102,5% KH). Điểm nổi bật trong nuôi trồng thủy sản không chỉ tăng cả về diện tích, sản lượng, mà còn hình thành một số cơ sở nuôi cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao với 7 cơ sở, tổng số thể tích nuôi gần 29.700 m3 (diện tích đưa vào nuôi 8.427 m3), sản lượng đạt 141 tấn.
Thực hiện tốt công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tới mọi tầng lớp dân cư đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển vốn rừng. Tổng diện tích rừng hiện có 412.012ha (rừng tự nhiên 381.307ha; rừng trồng 5.143ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 25.562ha), độ che phủ của rừng 46,4%; trồng rừng mới tập trung 2.295ha, đạt 191,3% KH (rừng phòng hộ đạt 533ha; rừng sản xuất 258ha; rừng trồng thay thế thủy điện 1.504ha)...
Với cách làm cụ thể, sáng tạo, sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, ngành nông nghiệp tỉnh ta đã có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng, nhất là thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đã giảm từ 46,72% năm 2011 xuống còn 22,95 năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015”. Thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh vào năm 2011 là 9,2 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015 tăng lên 18,2 triệu đồng/người/năm.
Những chính sách hỗ trợ cụ thể, hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chính là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hơn nữa đời sống người dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM của tỉnh. Đặc biệt, góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu nhập tăng 2,5 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 - 4%/năm.
Theo Báo Lai Châu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã