Trong bối cảnh ngành nông nghiệp thế giới đang phải thích nghi với sự thay đổi liên tục của thị trường, các hợp tác xã nông nghiệp cũng đang cần nỗ lực "biến tấu" thích ứng để tìm chỗ đứng trong thời kỳ mới.
Những yếu tố định hình nông nghiệp tương lai
Trong một báo cáo, doanh nghiệp tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey (Mỹ) đã nêu ra một số yếu tố sẽ định hình ngành nông nghiệp tương lai. Trước tiên là sự mất cân bằng cán cân cung cầu trong sản xuất lương thực. McKinsey dự báo giá lương thực sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, giữa bối cảnh nhu cầu gia tăng trong lúc nguồn cung thắt chặt.
Theo báo cáo của McKinsey, các thị trường mới nổi sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đối với nhu cầu tiêu thụ lương thực toàn cầu, khi Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm tới hơn 35% tổng dân số thế giới. Tốc độ phát triển của các nền kinh tế mới nổi sẽ thúc đẩy sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, qua đó hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm.
Trong khi đó, việc diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, tình trạng xói mòn đất, suy giảm nguồn nước ngầm và biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp cần nới lỏng sức ép cung-cầu, tận dụng lợi thế tăng giá của nông sản và tìm ra phương thức để nâng cao năng suất.
McKinsey cho rằng yếu tố tiếp theo có khả năng định hình ngành nông nghiệp tương lai là “khẩu vị” của người tiêu dùng. Trong quá khứ, khi lượng thông tin về các loại thực phẩm không nhiều, các nhà sản xuất vẫn là người quyết định người tiêu dùng được thưởng thức món gì. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, với việc tiếp cận khối lượng thông tin khổng lồ về các loại thực phẩm, người tiêu dùng đang có ảnh hưởng ngày càng lớn hơn đối với hoạt động sản xuất và các doanh nghiệp cũng cạnh tranh lẫn nhau để làm hài lòng người tiêu dùng. Thậm chí, người tiêu dùng còn có thể đòi hỏi những sản phẩm chuyên biệt và người sản xuất buộc phải đáp ứng.
Do đó, tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng thực phẩm đều cần nắm được xu hướng ăn uống của người tiêu dùng và cần phân biệt rõ giữa xu hướng tạm thời và những thay đổi mang tính căn bản. Khi nắm được “khẩu vị” của người tiêu dùng, cả người nông dân lẫn doanh nghiệp chế biến thực phẩm đều có thể nhanh chóng sản xuất và đưa ra chiến lược quảng bá sản phẩm phù hợp.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hai tầng lớp sở hữu mới cũng có tác động đến ngành nông nghiệp thế giới. Một là các quốc gia muốn thu mua đất nông nghiệp ở nước ngoài, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Hai là các doanh nghiệp và tổ chức bị “quyến rũ” bởi khoản lợi nhuận từ sự khan hiếm của đất nông nghiệp và đà tăng của giá nông sản. Cả hai tầng lớp này đều sẽ có những ưu tiên và đòi hỏi khác nhau so với những người lao động nông nghiệp truyền thống.
Báo cáo của McKinsey còn cho hay sự gia tăng chính sách ưu tiên của các chính phủ nhằm đảm bảo an ninh lương thực và việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp cũng là hai yếu tố khác sẽ định hình ngành nông nghiệp trong tương lai.
Định hướng cho các hợp tác xã nông nghiệp
Trong bối cảnh trên, McKinsey cho rằng các hợp tác xã nông nghiệp cần tận dụng sự phát triển của các thị trường đang nổi, thông qua việc tăng cường kết nối với các thị trường này. Động thái sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho các thành viên trong hợp tác xã, khi họ có thể tiếp cận với những thị trường mới, khách hàng mới.
Để nâng cao hiệu quả cho kế hoạch trên, các hợp tác xã có thể áp dụng các mô hình kinh doanh như trở thành đối tác của một doanh nghiệp quốc tế hoặc địa phương, tạo lập liên doanh với một hợp tác xã khác hoặc mua lại một đơn vị phân phối hoặc chế biến địa phương. Điều quan trọng là các hợp tác xã cần đánh giá một cách cẩn trọng giá trị của từng mô hình tại quốc gia mới nổi được chọn để tiếp cận.
Báo cáo của McKinsey còn cho rằng các hợp tác xã cần tiếp tục nghiên cứu thị trường, để tìm hiểu những xu hướng và sự biến đổi. Báo cáo nhấn mạnh các thành viên của hợp tác xã cần tìm hiểu “khẩu vị” của người tiêu dùng và tăng sự tương tác với người tiêu thụ sản phẩm. Nếu nắm trong tay đầy đủ những phân tích về thói quen tiêu dùng, các hợp tác xã có thể có sự hợp tác hiệu quả hơn với các nhà bán lẻ và doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện tầng lớp sở hữu mới trong sản xuất nông nghiệp cũng đặt ra nguy cơ cho các hợp tác xã nông nghiệp, giữa bối cảnh lợi ích các thành viên trong hợp tác xã bắt đầu phân hóa. Đối với vấn đề này, các hợp tác xã có thể thay đổi các tiếp cận đầu tư, để đảm bảo gia tăng lợi nhuận, đồng thời cân nhắc giảm trợ cấp chéo giữa các thành viên lớn và thành viên nhỏ, nhằm củng cố tính cố kết giữa các thành viên.
Hơn nữa, để chuẩn bị cho những thay đổi về chính sách của chính phủ, các hợp tác xã cũng cần nắm rõ những quy định quốc tế về đất đai và những tác động từ sự thay đổi chính sách đối với khả năng cạnh tranh của các thành viên hợp tác xã. Ngoài ra, McKinsey lưu ý rằng các hợp tác xã cần làm chủ và áp dụng công nghệ mới, cũng như quản lý rủi ro tài chính, để đưa ra những sản phẩm giá trị cao và cung cấp dịch vụ tốt hơn những đơn vị truyền thống.
Tóm lại, khi tiến hành điều chỉnh và đưa ra phản ứng đối phó với những thay đổi của thị trường, các nhà lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp cần cân nhắc giải pháp để nâng cao lợi thế cạnh tranh của chính mình./.
Trà My (Theo báo cáo của McKinsey)/ Bnews
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;