Lúa mùa quý lắm
Năm 2005, Nguyễn Ngọc Đệ lấy bằng tiến sĩ ở Nhật với đề tài về vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp và nông thôn ở ĐBSCL. Anh Đệ gốc con nhà nông, làm ruộng cùng gia đình ở Mù U, Ba Càng, Vĩnh Long từ nhỏ. Năm 1979, tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt Đại học Cần Thơ, ra trường anh làm nghiên cứu và giảng dạy về cây lúa cho tới giờ. Tết này, bước sang tuổi 60, anh vẫn đam mê câu chuyện bảo tồn cho được những giống lúa này.
“Lúa mùa có nhiều đặc tính quý cần được bảo tồn. Nó rất hữu ích cho công tác lai tạo các giống lúa mới với những nguồn gen mới như chống chịu phèn, mặn, ngập nước; một số giống cũng chống chịu được một số bệnh phổ biến trên lúa. Có rất nhiều giống có phẩm chất gạo ngon, đặc thù mà các giống lúa thần nông bây giờ không thể so bằng, như dẻo và thơm”.
Cái ách trâu - loại ách đôi dùng cho 2 trâu. Ảnh: Ngọc Đệ
Anh Đệ nói như vậy khi chúng tôi hỏi vì sao Đại học Cần Thơ phải lập ngân hàng giống lúa từ mấy chục năm trước. Anh kể: “Ý tưởng đầu tiên của nhóm nghiên cứu, hồi đó do thầy Võ Tòng Xuân dẫn đầu, là nếu không sưu tập, giữ gìn thì lúa mùa sẽ mất, vì lúa thần nông với các kỹ thuật mới, sẽ thay thế dần. Vậy là lập ra nhóm bảo quản, sưu tầm giống lúa mùa. Hiện nay đã có trên 1.600 giống lúa cổ truyền của ĐBSCL đã được sưu tập trong ngân hàng giống lúa của nhà trường”.
Có những giống vẫn tồn tại như Tài nguyên, Nàng Thơm chợ Đào, đặc biệt là giống Nanh Chồn rất nổi tiếng trước đây, gạo thơm, hạt nhỏ, dài, hơi quớt, giống như cái nanh con chồn. Giống này trước có gốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng dần dần được trồng ở vùng ven biển Tiền Giang, Long An. Những giống khác hiện nay không sản xuất nữa do dài ngày quá như: Ba Kiếu, Ba Trúc, Gẫy Xe, hoặc mấy giống lúa nổi. Còn giống Huyết Rồng thì hiện nay Long An đang có kế hoạch khôi phục.
Riêng giống Nàng Thơm chợ Đào, tới giờ có thể coi là giống lúa mùa cho gạo thơm ngon nhất nước. Độc đáo là nó phải được trồng ở vùng Mỹ Lệ của huyện Cần Đước, tỉnh Long An; trồng chỗ khác chất lượng gạo không được như vậy. Gạo thơm, dẻo, có cái phần đục trong hạt gạo mà bà con hay gọi là “hạt lựu”.
Lâu nay, các chuyên gia về cây lúa của Đại học Cần Thơ vẫn lo giữ gìn và khai thác các đặc tính quý của các giống lúa mùa này để phục vụ cho công tác lai tạo các giống lúa mới. Các anh còn sưu tập cả giống “lúa ma” hoặc “lúa trời”. Đây là dạng lúa hoang, có nơi còn gọi là “lúa rung”. Hiện nay, nhóm của anh Đệ cũng đang sử dụng lúa ma làm gien cha mẹ để lai tạo ra những giống mới chống chịu được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Sưu tầm nông cụcủa ông bà
“Bảo tồn được giống rồi thì phải tìm cách bảo tồn các nông cụ làm ra hạt lúa này. Nếu không, năm, mười năm nữa nó không còn xuất hiện trên đời này thì con cháu mình cũng không biết ông bà tổ tiên hồi đó làm ruộng ra làm sao”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ nói tiếp.
Hiện ở Đại học Cần Thơ, đã có hơn 120 nông cụ được sưu tập. “Chúng tôi muốn làm như một bảo tàng nông cụ sản xuất lúa của ĐBSCL, mỗi công cụ đều có một câu chuyện riêng”, anh Đệ nói. Rồi như một nông dân, anh vừa thao tác vừa giảng giải cho tôi xem vài nông cụ.
Năm 1994, đi Châu Thành, Trà Vinh, anh Đệ sưu tập được cái vòng gặt của người Khmer. Ông nông dân Khmer thách: “Thầy gặt được tôi cho thầy cái vòng gặt này”. Anh Đệ gặt ngon lành, ông nông dân nói: “Tui hổng ngờ thầy ở Đại học Cần Thơ mà cũng biết gặt như nông dân”.
Công cụ làm đất cầm tay ở đây còn có xuổng, leng, cuốc tai tượng... Công cụ làm đất do trâu bò làm có bừa, trục, cày... Anh Đệ giải thích: “Tựu trung có hai loại cày ở ĐBSCL. Thứ nhất là cày đỏi; cái lưỡi giống hình cái mỏ con cá trê, cái cày này đặc biệt là để phá lâm, phá đất cứng. Còn cày bình thường trên đất nhẹ thì gọi là cày chét, cái lưỡi bằng để cắt đất lật qua”.
Nhiều đoàn khách nước ngoài tới Đại học Cần Thơ làm việc hay đi du lịch, họ thích nhất là đi xem ngân hàng giống lúa và cái “kho” nông cụ này. Anh Đệ nói: “Ngoài chuyện bảo tồn, chúng tôi còn nhắm tới chuyện dạy cho sinh viên ngành phát triển nông thôn, cả đại học và cao học. Có những sinh viên chưa hề biết có những nông cụ truyền thống như vậy”.
Tác giả bài viết: Huỳnh Kim
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã