Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ rõ, cả nước hiện có 5.411 làng nghề (1.864 làng nghề truyền thống, 115 nghề truyền thống đã được công nhận) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (2.886 làng nghề, chiếm 53,3%), thu hút khoảng 11 triệu lao động phi nông nghiệp. Số lượng hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng bình quân 8,8% - 9,8%/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ là mặt hàng chủ lực của làng nghề, kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm.
Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, toàn cầu hoá và việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu các sản phẩm của Việt Nam ngày càng phải nâng cao tiêu chuẩn và nâng cao tính cạnh tranh (nhất là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thủ công); các doanh nghiệp phải nâng cao trình độ về quản lý, về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Đồng quan điểm này, Ths. Triệu Thành Nam, Phó Trưởng phòng Phòng Thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, trong bối cảnh hiện nay, ngoài cạnh tranh về chất lượng và giá cả còn là sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các thương hiệu. Việc chưa quan tâm tới tài sản vô hình là thương hiệu, đi đôi với việc chưa định vị thật rõ thị trường, khách hàng mục tiêu và thiếu niềm tin vào giá trị gia tăng do thương hiệu tạo ra đã cản trở việc đầu tư cho xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt. Việc chưa nhận thức đầy đủ về thương hiệu nông sản dẫn đến thiếu chiến lược, thiếu sự đầu tư chuyên sâu cũng như thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác marketing nói chung và xây dựng uy tín thương hiệu nói riêng. Không nhiều doanh nghiệp nhận ra các đặc điểm tiêu dùng, nhu cầu, thị hiếu... của đối tượng khách hàng mục tiêu và do đó không có định hướng trước khi phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Như vậy, trong toàn bộ quy trình của chuỗi giá trị trong nông sản, thương hiệu nông sản nổi lên là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đây là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp đang hướng tới thông qua việc chú trọng, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản Việt.
Theo ông Hà Công Xã, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đăk Nông, cánh cửa hội nhập mở rộng, mở ra cơ hội cho việc xuất khẩu hàng hóa đến với các thị trường lớn. Đồng thời, thị trường trong nước cũng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt khi mở cửa hội nhập đồng nghĩa với việc hàng hóa của các nước sẽ xuất khẩu vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Để giúp cho người nông dân thành công trong quá trình hội nhập thì vấn đề đặt ra cần một giải pháp đồng bộ cho việc tăng cường sự liên kết hợp tác giữa nông dân và hợp tác xã. Xây dựng thành công mối liên kết giữa người nông dân với hợp tác xã chính là xây dựng mối liên kết ngang giữa những người nhà sản xuất. Xây dựng thành công mối liên kết ngang giữa những người nông dân là giải pháp quan trọng để khắc phục những khiếm khuyết trong xây dựng mối liên kết "bốn nhà" hiện nay./.