Học tập đạo đức HCM

Kích cầu du lịch nông nghiệp

Thứ hai - 08/10/2018 05:40
Ngành du lịch ở các tỉnh ĐBSCL thời gian gần đây tương đối khởi sắc trên nhiều mặt: số lượng du khách ngày càng đông, doanh thu tăng khá, nhiều địa phương trong vùng tập trung đầu tư, khai thác thế mạnh du lịch, xuất hiện không ít nông dân tham gia làm du lịch bằng những sản phẩm nông nghiệp độc đáo…
 

Vườn dâu Hạ Châu, điểm du lịch nông nghiệp thế mạnh của huyện Phong Điền (Cần Thơ)

Tín hiệu tích cực

Đồng Tháp là một trong những địa phương ở ĐBSCL có nhiều nông dân tham gia làm du lịch. Ông Nguyễn Bé Tư, chủ homestay “Tư Cá linh” rộng khoảng 3ha ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tiết lộ: “Mấy ngày nay, rất nhiều du khách ở các nơi liên lạc để được trải nghiệm mùa lũ vùng Đồng Tháp Mười. Thời điểm này, du khách được thỏa thích ngắm nhìn cánh đồng nước, bơi thả lưới, thưởng thức cá linh mùa lũ, các loại sản vật miệt đồng rất lý thú…”.

Là nông dân ở vùng sâu Tam Nông, những năm qua, gia đình ông Bé Tư chỉ trồng lúa, trồng sen, sau khi được ngành chức năng tạo điều kiện đi tham quan các mô hình du lịch nông nghiệp, dự những hội thảo về du lịch, ông Bé Tư mạnh dạn quy hoạch 3ha ruộng sen để hình thành khu du lịch nông nghiệp đồng sen phục vụ du khách. Những căn nhà lá được ông xây dựng ngay trên ruộng sen để du khách được tận hưởng thiên nhiên, cảnh đồng quê, không khí trong lành, nghe tiếng chim hót… Du khách đến đây được tự mình tát mương bắt cá đồng, đi đặt dớn, hái bông điên điển, rau đồng và được cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt với nông dân Đồng Tháp Mười hiền hòa, mến khách.

“Tôi làm du lịch theo dạng “nhà quê” với lòng đam mê, mến khách và giới thiệu cho mọi người biết thêm về vùng đất và những sản vật của miệt đồng bưng này. Có lẽ từ những chân tình đó, mà khá đông du khách trong và ngoài nước thích thú về đây”, ông Bé Tư tâm sự.

Cũng đam mê làm du lịch, ông Đoàn Anh Kiệt, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, thiết kế 5 công vườn quýt hồng đặc sản để phục vụ du khách đến tham quan. Ông Kiệt cho biết: “Vườn quýt của gia đình mỗi năm thu hoạch khoảng  20 tấn trái, chỉ cần giá thị trường từ 25.000 - 30.000 đồng/kg là sống khỏe. Tuy nhiên, vì muốn quảng bá đặc sản quê nhà đi xa hơn nên nông dân phối hợp cùng ngành chức năng làm du lịch”.

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh đã hình thành khá nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như: vườn quýt Lai Vung, xoài Cao Lãnh, vùng rau nhút thủy sinh cồn Phú Mỹ, trang trại trồng dưa lê huyện Thanh Bình, nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt huyện Hồng Ngự, trung tâm sản xuất hoa công nghệ cao ở Sa Đéc, cánh đồng sen Tháp Mười… Tất cả đang được tập trung khai thác phát triển du lịch gắn với giá trị nông nghiệp bản địa. Đây là hướng đi mới rất khả quan.

Tại Bến Tre, du lịch nông nghiệp cũng đang được quan tâm phát triển. Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre cho biết: “Toàn tỉnh hiện có tới 39 làng nghề nông nghiệp và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo ra sự hấp dẫn cho du khách khi tham quan trải nghiệm từng công đoạn thực tế như: sản xuất hoa kiểng, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng… Ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Thạnh Phú, ngành chức năng và nông dân còn xây dựng các mô hình trồng dưa lưới, rau sạch, vườn trái cây đặc sản phục vụ du lịch nông nghiệp”.

Kích cầu du lịch nông nghiệp ảnh 1Du khách quốc tế say mê các sản phẩm sản xuất từ dừa của Bến Tre 
Ở Tiền Giang, du lịch nông nghiệp là một lợi thế với gần 80.000ha vườn cây, cùng nhiều cù lao, sông rạch, món ăn. Những năm qua, nông dân ở cù lao Thới Sơn, cù lao Tân Phong, xã Đông Hòa Hiệp vừa sản xuất nông sản vừa kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp thu hút rất đông khách. Ở đây đã mở rộng tới 16 điểm du lịch chính, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách quanh năm.

 Liên kết cùng phát triển

Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) cho rằng, không chỉ ở nước ta, mà hiện nay du lịch nông nghiệp cũng được nhiều nước trên thế giới quan tâm vì đem lại lợi ích trên nhiều mặt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn một cách bền vững. Làm du lịch nông nghiệp đồng thời bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với nông nghiệp.

“Nhiều quốc gia đã khai thác hiệu quả hoạt động nông nghiệp cho phát triển du lịch: thông qua khách du lịch thúc đẩy tiêu thụ, tăng doanh thu cho sản phẩm nông nghiệp. Mô hình khai thác này khá thành công ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…, chúng ta cần học hỏi để phát huy”, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.

Những mô hình du lịch nông nghiệp mà nông dân Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, TP Cần Thơ… làm đã mang lại tín hiệu tích cực, song để nâng tầm du lịch nông nghiệp cao hơn vẫn còn nhiều việc phải làm. Các nhà chuyên môn lưu ý, đã có lúc ĐBSCL ào ạt với mô hình du lịch sinh thái, đi đâu cũng chèo xuồng, vườn cây, đờn ca tài tử… trùng lắp nên dễ nhàm chán du khách. Do đó, tới đây với việc phát triển du lịch nông nghiệp, các địa phương cần rút kinh nghiệm.

Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, đề xuất: “Từng địa phương ở ĐBSCL phải xác định thế mạnh sản phẩm du lịch nông nghiệp của mình, từ đó liên kết với những tỉnh khác để tránh trùng lắp; đồng thời liên kết với các nước trong tiểu vùng Mê Kông nhằm xây dựng các tour khám phá nền nông nghiệp Mê Kông xanh, phục vụ cho phát triển du lịch…”.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định: “Cần đẩy mạnh việc liên kết giữa ngành nông nghiệp với ngành du lịch, doanh nghiệp lữ hành, trang trại, nông dân… trong phát triển du lịch nông nghiệp. Việc liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa nông nghiệp và du lịch là hết sức quan trọng, đem lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần gìn giữ được nghề nông nghiệp truyền thống, duy trì được sản vật địa phương, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề. Cũng cần thấy rằng, tài nguyên nông nghiệp ở ĐBSCL rất phong phú, nhưng không nên phát triển ồ ạt “trăm hoa đoa nở”, mà phải chọn lọc và có đầu tư bài bản; xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng có tính khác biệt, điểm nhấn của từng địa phương…”.

 

HUỲNH LỢI/SGGP


 Tags: du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập213
  • Hôm nay29,902
  • Tháng hiện tại805,180
  • Tổng lượt truy cập91,978,909
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây