Áp dụng hệ thống tưới tiên tiến cho sản xuất rau, quả tại Lâm Đồng (Ảnh: BT)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, tưới tiết kiệm nước đã được người nông dân ở thành phố Đà Lạt và vùng lân cận sử dụng từ lâu trên cây rau, hoa với quy mô nhỏ lẻ. Việc áp dụng các loại hình tưới đã được áp dụng cho hầu hết các cây trồng như: rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả. Đến nay, Lâm Đồng có 151.686 ha được tưới với 4 loại hình tưới. Trong đó, có 3.070ha tưới nhỏ giọt (2.070ha cây rau, 800ha cây hoa và 200ha cà phê); 22.607ha tưới phun mưa; 21.402 ha tưới tiết kiệm trên các loại cây trồng cạn, 104.607ha tưới khác.
Ngoài ra, Lâm Đồng hiện nay còn có trên 50ha ứng dụng công nghệ tưới thông qua hệ thống thủy canh, khí canh cung cấp nước và dinh dưỡng trực tiếp đến cây trồng, cho năng suất đạt tối đa trên một số loại rau, quả. Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được các doanh nghiệp, Hợp tác xã triển khai ứng dụng nhanh. Tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 291 doanh nghiệp và 11 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm là 6.977ha.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp đảm bảo phân bố độ ẩm đều trong đất, giảm nhân công lao động. Đồng thời, tưới nhỏ giọt phù hợp với nhiều địa hình khác nhau, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh; giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao.
Hiệu quả của hệ thống tưới nhỏ giọt và kết hợp bón phân cho cây rau, hoa đã tiết kiệm từ 30-60% lượng nước so với biện pháp tưới nước truyền thống; giảm chi phí đầu tư, công lao động từ 50-70% và tăng năng suất từ 15-20% so với canh tác truyền thống.
Bên cạnh những điểm tích cực mang lại, trên thực tế, việc ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Trong đó, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt thường bị tắc nghẽn đường ống, vì vậy, yêu cầu nước tưới phải sạch và chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn phương pháp tưới truyền thống.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng đường vào khu sản xuất từng bước được cải thiện, tuy nhiên, mạng lưới điện đến khu sản xuất một số khu vực còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu, người dân chưa chủ động nguồn điện để sản xuất; một số khu vực việc đưa điện vào khu sản xuất có chi phí lớn.
Song song với đó, việc tiếp cận nguồn tài chính của người dân còn rất hạn chế; đầu ra sản phẩm chưa ổn định dẫn đến việc mở rộng quy mô áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước còn khó khăn.
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, nhằm tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh, cần rà soát quy hoạch thủy lợi, có các giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm, đồng thời nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để tạo nguồn nước.
Đặc biệt, huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trong canh tác cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất.
Đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, ưu đãi vốn đầu tư, thuế cùng với việc tăng cường hướng dẫn kỹ thuật tưới và quy trình lắp đặt, vận hành tưới. Hướng dẫn việc lựa chọn thiết bị tưới phù hợp, đảm bảo lượng nước phù hợp với nhu cầu của cây trồng, có độ đồng đều cao và hiệu quả.
Đặc biệt, tổ chức tham quan, học tập nhân rộng các mô hình sẵn có về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tập huấn cách sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa công suất của hệ thống tưới, cách sử dụng phân bón hòa tan nhằm tưới qua hệ thống phun, nhỏ giọt để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng tùy vào thời kỳ phát triển của cây, đồng thời xử lý các vấn đề trong quá trình vận hành, bảo trì hệ thống./.
Theo CPV